Khẩn trương điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia
Thứ trưởng Bộ TN&MT yêu cầu khẩn trương chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để tham mưu Chính phủ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 để đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương.
Ngày 2/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 360/CĐ-TTg về kết quả thực hiện chỉ tiêu kế hoạch sử dụng đất đã được giao; tổng hợp chỉ tiêu sử dụng đất cần điều chỉnh trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đến năm 2025.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ có giao Bộ TN&MT trên cơ sở tổng hợp báo cáo nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, Bộ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổng hợp, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 05 năm 2021-2025 tại kỳ họp tháng 10 năm 2023”.
Nhằm đảm bảo quỹ đất cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát huy nguồn lực từ đất đai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, căn cứ Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tổng hợp, đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch tỉnh, trình thẩm định, phê duyệt theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm toàn diện về số liệu tổng hợp, việc đề xuất đưa các chỉ tiêu sử dụng đất vào quy hoạch và việc khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất theo quy hoạch.
Triển khai lập trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở chỉ tiêu sử dụng đất đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện (bao gồm: tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao; tỷ lệ sử dụng đất cho các mục tiêu sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng,…), trường hợp nhu cầu sử dụng đất có phát sinh (tăng, giảm) so với chỉ tiêu đất được Thủ tướng Chính phủ phân bổ, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/5/2023 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất Chu An Trường, từ đầu năm 2023, Bộ TN&MT đã có Văn bản đề nghị các địa phương báo cáo đề xuất điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Tính đến nay, Bộ TN&MT đã nhận được báo cáo của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện Quyết định 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Trong đó, có 32/63 tỉnh, thành phố đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2030, tập trung vào điều chỉnh một số chỉ tiêu chính như: đất khu công nghiệp 32 tỉnh; đất giao thông 25 tỉnh; đất trồng lúa 24 tỉnh; đất thể dục thể thao 24 tỉnh; đất khu công nghệ cao 7 tỉnh.
Bên cạnh đó, có 24/63 tỉnh đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2025, trong đó, đề nghị điều chỉnh đất khu công nghiệp có 24 tỉnh, đất trồng lúa 12 tỉnh, đất giao thông 14 tỉnh, đất thể dục thể thao 12 tỉnh, đất khu công nghệ cao 4 tỉnh.
Thực tế thời gian qua, hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, thống nhất và đồng bộ. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Do đó, Nghị quyết 18-NQ/TW đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng QHKHSDĐ đáp ứng mục tiêu các quy hoạch quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển. QHKHSDĐ được lập ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Trước đó, theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã dành một chương quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có 3 cấp: Quốc gia, tỉnh, huyện. Đây là công cụ để Nhà nước phân bổ nguồn lực đất đai bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, giữa các thế hệ; phù hợp với điều kiện, tiềm năng đất đai.
Đặc biệt, thông qua quy hoạch đất đai, tiếp tục khẳng định vai trò của nhân dân, khẳng định sự tham gia của người dân, thể hiện tính dân chủ. Những vấn đề liên quan thu hồi đất, quản lý đất đai phải dựa vào quy hoạch sử dụng đất.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho rằng, sau khi có Quyết định 326 của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp huyện qua đó đã góp phần vào việc giải phóng nguồn lực đất đai, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện Quyết định 326, một số tỉnh, thành đã có đề xuất về việc điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất. Do đó, số liệu các địa phương tổng hợp, báo cáo có thể khác so với trước đây.
Thứ trưởng yêu cầu Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất khẩn trương chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để tham mưu Chính phủ điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 để đảm bảo chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương.
Lan Anh