Hiểm họa khôn lường từ tình trạng loạn 'bác sĩ tự xưng', quảng cáo 'bẩn' trên mạng xã hội
Tình trạng các cá nhân lên mạng xã hội tự khoắc áo blouse, tự xưng bác sĩ rồi đưa ra giải pháp chữa bệnh; đánh giá, so sánh các sản phẩm rồi khuyến cáo sử dụng một sản phẩm nào đó ngày càng nở rộ.
Thực chất, đây chỉ là các chiêu trò quảng cáo, “truyền thông bẩn” nhằm dìm hàng đối thủ để bán hàng. Việc cạnh tranh không lành mạnh này có nguy cơ dẫn đến những hiểm họa khôn lường với người tiêu dùng.
“Loạn” tình trạng “bác sĩ online, bác sĩ tự xưng”, “truyền thông bẩn”…
Trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc đăng tải, chia sẻ các thông tin, hình ảnh, video, clip… đến đông đảo người dân là dễ hơn bao giờ hết. Sẽ thật tốt nếu các nội dung này có chất lượng và được kiểm duyệt. Nhưng thật buồn vì đây lại là điều đáng lo ngại ở nước ta hiện nay, khi các quy định pháp luật chưa thể theo kịp những thay đổi của xã hội.
Cách đây chưa lâu, những câu nói “nhà tôi 3 đời thần y”, “nhà tôi 3 đời gia truyền chữa bệnh…” của những “bác sĩ, thầy lang Youtube” từng khiến cả xã hội phải lên án vì chứng quảng cáo “đông y dởm”. Thế nhưng, thực trạng ở nước ta, cứ xử lý được hiện tượng này thì lại nổi lên một hiện tượng khác với hành vi hoạt động nguy hiểm hơn.
Theo đó, thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội, Facebook, Tiktok,… xuất hiện loạt “bác sĩ, dược sĩ online”, tự khoắc áo blouse trắng rồi xưng bác sĩ để “bốc thuốc, chữa bệnh”, tư vấn bán hàng trực tuyến. Những con người bình thường chẳng ai biết đến, cũng chẳng rõ chứng chỉ, giấy phép hành nghề hay không, không có chuyên môn thực tế, bỗng vươn mình, thay tên đổi họ thành mác giáo sư, chuyên gia giả mạo. Trên thực tế, những thông tin này hoặc không có căn cứ khoa học, hoặc “3 thật, 7 giả”, nghe thì xuôi tai, hợp lý nhưng lại không đúng bản chất. Các “chuyên gia mạng” tự chắp vá thêm các nội dung phản khoa học dựa trên một thông tin đúng ban đầu.
Điều đáng nói nhất, nếu so sánh nhóm xuất hiện sau này với những đối tượng “bác sĩ, thầy lang Youtube”,… thì nhóm “bác sĩ online”, “bác sĩ tự xưng” ở một trình độ cao hơn hẳn, có thủ đoạn tinh vi hơn, xảo trá hơn, dễ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng hơn rất nhiều. Điều này càng trở nên đáng lo ngại vì khi người tiêu dùng đã tin tưởng thì sẽ mua sắm, sử dụng sản phẩm, điều trị bệnh mà không đi khám tại các cơ sở y tế.
Có thể kể đến trên nền tảng mạng xã hội TikTok, một số cái tên như “Dược sĩ Phương Thảo”, "Bác sĩ Huế dinh dưỡng", “Me Be Xanh”,… Không chỉ trên các kênh này, nhiều các trang khác cũng thường xuyên đăng tải các video, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về y học, mà còn khéo léo quảng cáo trá hình các loại thực phẩm chức năng, các sản phẩm y học mà theo quy định, hoạt động quảng cáo đều phải có kịch bản và được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt. Dưới giỏ hàng trên các nền tảng, các cá nhân cũng công khai bán các loại thực phẩm chức năng, các sản phẩm dinh dưỡng hay thiết bị y tế….
Thực tế nhiều trường hợp, các cá nhân đều không có chuyên môn y dược, không có kiến thức nhưng tự khoắc áo blouse rồi lập kênh đăng tải các vieo, clip, tự phong với mác chuyên gia, bác sĩ,… Nguy hiểm hơn, dưới sự hỗ trợ của việc thương mại điện tử phát triển bùng nổ, các “chuyên gia gắn mác” này lại làm giàu không khó, nhanh chóng “đổi đời”. Từ đó, do kiếm tiền quá dễ, ngày càng xuất hiện nhiều bác sĩ tự phong, chuyên gia “ảo” làm “truyền thông bẩn” nhằm mục đích kinh doanh, bán hàng.
Nhận thấy nguy cơ xấu từ thực trạng này, cách đây chưa lâu, Bộ Y tế cũng đã phát đi cảnh báo việc giả mạo, tự xưng bác sĩ bán thực phẩm chức năng, sản phẩm, thiết bị vật tư y tế. Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo, người tiêu dùng cần cảnh giác với các clip giới thiệu là bác sĩ, lương y, tư vấn bệnh, tư vấn dùng sản phẩm chữa bệnh. Người tiêu dùng cũng cần cảnh giác với các clip giới thiệu từng là các bệnh nhân, dùng sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe có thể khỏi bệnh.
… hiểm họa khôn lường
Chưa cần biết những cá nhân mặc chiếc áo blouse trắng cao quý của ngành y kia có phải là bác sĩ, dược sĩ thật hay không, nhưng có một điều chắc chắn, đó là hoạt động “truyền thông bẩn”, quảng cáo, bán hàng trá hình này là vi phạm pháp luật. Theo đó, theo quy định tại khoản 2 điều 27 nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: "Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm". Như vậy bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành.
Không chỉ vi phạm pháp luật, những hành vi này của các bác sĩ tự phong, chuyên gia “ảo”, các chiến dịch “truyền thông bẩn” còn có thể gây hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân. Khi mà người bệnh tin theo các nội dung quảng cáo sai sự thật, khiến họ không kịp thời đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh sẽ mất đi giai đoạn vàng để điều trị, tình trạng bệnh từ đó nặng hơn. Thậm chí, người bệnh mất đi cơ hội tìm kiếm hi vọng sống với các căn bệnh hiểm nghèo, không những tổn thất về kinh tế mà còn tổn hại tới sức khỏe, tình mạng.
Hay với những người tiêu dùng, khi tiếp cận với những quảng cáo không đúng sự thật, sự tư vấn không đúng bản chất của các bác sĩ online, bác sĩ tự xưng và quảng cáo 'bẩn', họ sẽ không có cơ hội được sử dụng những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất; sử dụng sản phẩm không đúng cách khiến không hiệu quả, gây tổn thất về kinh tế. Càng nguy hiểm hơn nếu những sản phẩm, thiết bị được quảng cáo “bẩn” hướng đến đối tượng là trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh làm tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh, không đạt thể trạng phát triển tốt nhất. Vô hình trung gây ra việc chậm phiết triển, thua kém, thiệt thòi của cả một thế hệ, ảnh hưởng đến những chủ nhân tương lai của đất nước sau này.
Đơn cử như sự việc được dư luận quan tâm gần đây khi đông đảo bác sĩ online, bác sĩ tự xưng đồng loạt thông tin, tư vấn rằng: Nhiều mẹ dùng sữa trái cây cho con vì ngon, dễ đổi vị nhưng nếu đặt lên bàn cân với sữa trắng thì có “sự so sánh lệch” vì thực tế sữa trái cây không thể thay thế sữa trắng. Từ đó, các cá nhân này tư vấn, chê bai tác dụng của các dòng sữa trái cây và khuyên dùng sữa trắng của một thương hiệu sữa. Sự việc này đã được đông đảo dư luận lên án, nhiều cơ quan bộ ngành vào cuộc. Không rõ có một chiến dịch “truyền thông bẩn” hay không nhưng hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành sữa ở đây đối với trẻ nhỏ rõ ràng là không tốt, không đúng quy định.
Hay sự việc gần đây mà sản phẩm rơ lưỡi, gạc răng miệng hàng đầu của một doanh nghiệp bị các kênh bán hàng trên mạng xã hội mang ra tư vấn, so sánh, thông tin sai sự thật khiến họ phải yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cũng cho thấy mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, thông qua tài khoản TikTok: Me Be Xanh, một cá nhân đã đăng tải bài viết có nội dung: 'Review sự thât 4 loai rơ lưỡi con đang dùng, sẽ khiến mẹ bất ngờ!”. Theo đó, tại bài đăng có hình ảnh phân tích Gạc răng miệng của doanh nghiệp chứa thành phần: Baking soda, “nguy cơ gây xói mòn men răng”; “nếu con nuốt dịch tẩm -> gây biếng ăn”; “không nên dùng liên tiếp một tuần”; “phù hợp với bé có bệnh lý ở miệng".
Tuy nhiên, trên thực tế, sản phẩm của doanh nghiệp này được công bố là trang thiết bị y tế loai A có thành phần hàm lượng trong ngưỡng cho phép và là một trong những sản phẩm đang bán chạy nhất thị trường và đông đảo các mẹ tin dùng. Các nhận định của chủ tài khoản này đưa ra hoàn toàn không đúng sự thật; không có bất kỳ tài liệu, kết quả kiểm nghiệm, kiểm định nào chứng minh, cũng không có bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào khẳng định. Ngoài sản phẩm của doanh nghiệp này, tài khoản TikTok: Me Be Xanh cũng đưa thông tin về 3 sản phẩm rơ lưỡi khác, trong đó “khéo léo, cài cắm” khuyên các phụ huynh nên dùng một sản phẩm mà cá nhân đang phân phối.
Có thể thấy, hành vi đưa thông tin sai sự thật, không có kiểm chứng nhằm “dìm hàng” sản phẩm của đơn vị khác là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm quy định pháp luật. Vậy nhưng, chỉ với thời gian ngắn sau khi video được phát đi, thông tin sai sự thật và không có tài liệu chứng minh này lại có đến 2872 lượt “thả tim”, 324 lượt bình luận, 345 lượt chia sẻ. Sự tương tác lớn của một thông tin sai lệch, thông tin sai sự thật đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của họ và tác động xấu đến đông đảo người tiêu dùng. Nó cũng cho thấy một sự thật đáng buồn đang diễn ra trên không gian mạng nói riêng và xã hội hiện nay nói chung.
Trên thực tế, Nhà nước cũng đã có những quy định cụ thể về việc nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý quảng cáo y tế, thực phẩm, hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thực thi các quy định còn hạn chế, chế tài xử phạt còn thấp khiến nhiều đối tượng cố tình vi phạm nhằm trục lợi cá nhân.
Theo các chuyên gia pháp lý, trên nền tảng mạng xã hội có đăng tải nhiều thông tin bác sĩ đưa ra nhận định về các sản phẩm này không tốt rồi khuyên nên sử dụng các sản phẩm, thiết bị y tế khác. Để so sánh và đưa các thông tin sản phẩm có lời khuyên như vậy, người quảng cáo cần có tài liệu chứng minh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu không, thì các cá nhân quảng cáo này ngoài vi phạm nghiêm trọng Luật cạnh tranh còn vi phạm quy định của Luật Quảng cáo, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan. Từ đó, sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản 5, điều 34 Nghị định 38/2021. Thậm chí, có thể bị xử lý hình sự nếu hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần nghiêm túc nhìn nhận sự nghiêm trọng của vấn đề, từ đó khẩn trương vào cuộc, làm rõ, mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm. Cùng với đó, xây dựng hệ thống pháp luật, xây dựng chế tài xử lý đủ mạnh để ngăn chặn những cá nhân, đối tượng vi phạm.
Đinh Hiệu