0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 29/11/2023 20:07 (GMT+7)

Nâng cao ý thức người dùng mạng xã hội

Theo dõi KT&TD trên

Với khả năng kết nối, lan tỏa thông tin nhanh chóng, rộng khắp, các mạng xã hội và những tiện ích đi kèm đang trở thành một trong những kênh giao tiếp thông dụng đối với rất nhiều người.

Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị và lợi ích đáng ghi nhận, sự phát triển nhanh đến mức khó kiểm soát của mạng xã hội cũng đưa tới nhiều hệ lụy. Trong đó, đáng báo động là tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử, vi phạm pháp luật, nhất là trong giới trẻ.

Vì vậy, ngoài việc xử lý các nền tảng vi phạm thì việc nâng cao ý thức người dùng mạng xã hội rất cần thiết.

Nâng cao ý thức người dùng mạng xã hội - Ảnh 1
Nâng cao ý thức người dùng mạng xã hội.

Theo thống kê của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu) Việt Nam hiện có khoảng 77 triệu người dùng mạng xã hội, trung bình mỗi ngày một người sử dụng internet 6 giờ 23 phút.

Số lượng người dùng lớn nhưng, theo báo cáo chỉ số văn minh trên không gian mạng – Digital Civility Index (DCI) do Microsoft công bố Việt Nam thuộc tốp 5 nước có mức độ văn minh thấp nhất. Dù đây là khảo sát chỉ được thực hiện với 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và chỉ mang tính chất tham khảo, con số này cũng phần nào gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ứng xử phản văn hóa đang có chiều hướng ngày một gia tăng của người Việt trên mạng xã hội, nhất là người trẻ.

Thực tế hiện nay, nhiều người sử dụng mạng xã hội lầm tưởng rằng đây là công cụ để cá nhân thể hiện sự tự do, thế giới riêng của mình nên đã lợi dụng mạng xã hội để có những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, thông tin sai sự thật, xâm phạm danh dự, xúc phạm nhân phẩm của người khác, thậm chí bị các thế lực xấu lợi dụng.

Nhiều người vô cớ trở thành nạn nhân của những hành vi kém văn minh trên không gian mạng, như bị nói xấu, lăng mạ, từ đó rơi vào trầm cảm, hoảng loạn… Có thể thấy rõ điều này trong vụ việc của Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi thời gian vừa qua.

Theo đó, sau khi đăng quang hoa hậu, Ý Nhi có một số phát ngôn về bản thân được cho là kém tinh tế khiến dư luận không hài lòng. Mặc dù đã công khai xin lỗi trong một buổi livestream nhưng Ý Nhi vẫn không nhận được sự cảm thông từ phía cộng đồng. Nhóm anti hoa hậu được lập ra có số lượng thành viên tăng nhanh hiện lên tới hơn 200.000 người.

Ðáng chú ý trên diễn đàn này nhiều người đã sử dụng ngôn ngữ mang tính miệt thị, xúc phạm khi bình luận về các phát ngôn của hoa hậu, cũng như ngang nhiên xâm phạm đời tư của cô. Không dừng lại ở đó, một số người hâm mộ quá khích còn tràn vào trang fanpage của Huỳnh Trần Ý Nhi và để lại những bình luận chê bai, thậm chí đòi Ban tổ chức cuộc thi tước danh hiệu hoa hậu của cô. Sự việc lập tức thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng về cách hành xử của người hâm mộ Việt Nam.

Trong kỳ họp Quốc hội thứ 6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, không gian mạng có cái hay bao nhiêu thì tệ nạn cũng tương đương bấy nhiêu. Chúng ta cần truyền thông, nhận thức xã hội về hiện tượng xấu, bạo hành trên đó để biết cách xử lý và phòng tránh.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong tháng 11 hoặc 12 tới. Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xâm hại đời tư sẽ có quy định xử lý cụ thể.

Để có văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, người sử dụng mạng xã hội cần nắm rõ và tuân thủ, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý mạng xã hội, không lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi vi phạm phát luật.

Cụ thể cần chấp hành Luật An ninh mạng, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông (ngày 17-6-2021).

Mọi hành vi vi phạm pháp luật khi sử dụng mạng xã hội đều bị xử lý nghiêm theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, hoặc có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao ý thức người dùng mạng xã hội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nhà khoa học VinFuture: “AI thông minh hơn là an toàn hơn”
Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta, một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.

Tin mới

Trái phiếu xanh: 'Cuộc chơi' đang nóng dần lên
Theo các chuyên gia FiinRatings, thị trường trái phiếu xanh đã sôi động trở lại trong 10 tháng năm 2024. Tuy nhiên, để có thể bắt kịp các thị trường trái phiếu xanh khác trong khu vực, các chuyên gia cho rằng vẫn cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho kênh huy động vốn này.