Hậu ngày vía Thần Tài: Kịch bản nhiều năm như một, người mua 'sập bẫy' hãng vàng?
Câu chuyện về biến động của giá vàng trước, trong và sau ngày vía Thần Tài luôn được quan tâm trong mỗi dịp đầu năm mới. Trong hơn 10 năm qua, giá vàng thường biến động theo một kịch bản khá tương đồng.
Không khí nhộp nhịp bắt đầu trở lại thị trường vàng trong nước ngay trước khi đến ngày vía Thần Tài năm nay. Việc mua vàng ngày Thần Tài, tức ngày 10/1 Âm lịch hàng năm, xuất phát từ quan niệm “chọn mua vàng trong ngày này sẽ giúp cho gia chủ một năm sung túc, phát tài phát lộc, một năm làm ăn thuận buồm xuôi gió, tiền bạc rủng rỉnh và gặp nhiều may mắn hơn.
Bên cạnh những người mua vàng ngày Thần Tài để cầu may, những năm gần đây, nhiều người còn xem đây là dịp để kiếm lời.
Trong giai đoạn 2013 - 2023, có tới 8 năm biến động của giá vàng ngày vía Thần Tài diễn ra theo một kịch bản giống nhau: tăng mạnh vào trước và trong ngày vía Thần Tài rồi giảm mạnh những ngày sau đó.
Đơn cử như vào năm 2013, giá vàng SJC lập đỉnh 45,4 triệu đồng/lượng vào ngày Thần Tài và nhanh chóng giảm xuống còn 44,9 triệu đồng/lượng sau đó ít ngày.
Tương tự, vào năm 2015, giá vàng trong nước giao dịch ở mức 35,7 triệu đồng/lượng vào ngày Thần Tài và giảm hơn 500 nghìn đồng/lượng sau 1 tuần. Cá biệt có những năm giá vàng SJC “sáng tăng, chiều giảm” ngay trong ngày Thần Tài.
Không riêng vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn cũng có biến động tương tự trong nhiều năm. Vào năm 2023, người mua vàng nhẫn đã lỗ hơn 2 triệu đồng/lượng so với giá mua ngày vía Thần tài chỉ sau 1 tuần.
Tuy nhiên, cũng có những năm giá vàng miếng SJC giảm trong ngày vía Thần Tài và tăng mạnh sau đó. Chia sẻ với VietnamFinance, quản lý của một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Không phải năm nào giá vàng cũng biến động theo hướng tăng trước – giảm sau ngày vía Thần Tài. Chính vì thế, người mua không nên “ôm vàng” với tâm lý “năm ngoái như thế thì năm nay cũng vậy”.
Tính đến ngày 17/2, giá vàng trong nước được giao dịch ở mức cao lịch sử. Đối với vàng miếng SJC, giá vàng neo ở mức 78,6 triệu đồng/lượng với mức chênh lệch mua vào – bán ra là 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, giá vàng nhẫn hiện ở mức 65,98 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.
So với dịp Thần Tài năm ngoái, giá vàng miếng SJC đã tăng 10,6 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn tăng 9,15 triệu đồng/lượng chỉ sau một năm.
Giá vàng đã có một năm đầy biến động sau ngày vía Thần Tài năm 2023. Sau nhiều tháng dao động nhẹ, giá vàng miếng bất ngờ tăng vọt, nhảy lên mức trên 80 triệu đồng/lượng trong tháng cuối năm 2023.
Mặc dù đã giảm sốc tới vài triệu đồng/lượng trong cuối tháng 12/2023 – đầu tháng 1/2024 nhưng giá vàng trong nước hiện vẫn neo ở mức cao và chênh lệch tới khoảng 19 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Trong tuần qua, giá vàng cũng liên tục tăng nhẹ ở cả hai chiều mua vào – bán ra khi ngày Thần Tài đến gần. Mặc dù số lượng người mua vàng ở các tiệm vàng đã bắt đầu tăng nhưng mức độ sôi động vẫn chưa bằng các năm trước đó.
Chị Thu Thảo (Hà Nội) cho biết mình đang suy nghĩ về việc có nên xuống tiền mua vàng ngày Thần Tài năm nay hay không. “Mọi năm tôi vẫn thường mua vài chỉ vàng để lấy vía may mắn trong ngày Thần Tài. Thế nhưng thời gian vừa rồi giá vàng biến động nhiều, tôi sợ rằng mua vàng ngày Thần Tài may đâu chưa thấy, lại chỉ thấy lỗ vài triệu đồng”, chị nói.
Trái với chị Thu Thảo, anh Quốc Trọng (Hà Nội) lại khá hào hứng khi ngày Thần Tài đến. “Tôi chỉ mua 1 chỉ với tâm lý cầu may chứ không quan tâm lỗ lãi nên cũng không cần phải đắn đo quá nhiều”, anh Trọng cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, việc mua vàng trước và trong ngày Thần Tài sẽ mang lại bất lợi cho người mua với mục đích đầu tư. Thay vì chọn mua vàng vào ngày giá rất cao như vía Thần Tài, người mua nên lựa chọn thời điểm sau đó, khi giá vàng lao dốc để bắt đáy.
Tuy nhiên, nếu mua để cầu may, người mua có thể lựa chọn những sản phẩm vàng miếng với trọng lượng ít như 0,5 chỉ hay 1 chỉ.
Khánh Tú