Hàng Việt ở đâu khi "cơn bão Temu" tràn đến?
Không phải đến khi Temu và Shein đổ bộ về Việt Nam thì các tiểu thương kinh doanh hàng Việt mới phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhưng những nền tảng thương mại xuyên biên giới này làm cuộc chơi đang trở nên khó khăn hơn với họ.
Trải nghiệm thực tế của người mua hàng trên Temu
Chị D.K.Q (Nam Từ Liêm, Hà Nội) biết đến Temu nhờ các quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Chị thấy ai ai cũng nói về Temu, và quảng cáo hàng Temu rất rẻ, nên chị quyết định tải app Temu về xem thử.
Chị chia sẻ: “Lần đầu mở app Temu lên tôi bị ấn tượng bởi sự đa dạng và phong phú của các mặt hàng, tôi thấy cả một thế giới quần áo, với màu sắc rất bắt mắt và kiểu dáng rất đúng gu của tôi. Tôi cảm thấy từ trước đến nay, chưa bao giờ có một nơi nào bán đồ mà nhìn hợp ý mình đến vậy”. Hơn nữa, theo chị thì ảnh quảng cáo của các sản phẩm trên Temu rất đẹp. Nó càng kích thích mong muốn mua hàng của chị để thử xem bản thân có thể mặc đẹp như thế không.
Vậy là chị Q đã đặt thử 4 đơn hàng quần áo trên sàn thương mại điện tử Temu với mức giá mà chị đánh giá ban đầu là khá hợp lý.
Sau thời gian khoảng 4-5 ngày, chị Q đã nhận đủ hàng và bóc ra để mặc thử. Nhưng chất lượng hàng hóa nhận được không hề được như kỳ vọng của chị: “Tôi chờ đợi lắm, háo hức lắm, hơn nữa tôi còn trả tiền luôn lúc ấy rồi, vì Temu bắt buộc phải thanh toán bằng ví điện tử, chứ không được thanh toán khi nhận hàng. Đến lúc khui hàng ra thì, ôi trời ôi! Vỡ mộng luôn! Ảnh chụp trên quảng cáo và sản phẩm thực tế nhận về tay khác nhau hoàn toàn. Cả 4 món hàng tôi đặt, không có một cái nào mặc vừa người! Với chất lượng này thì tôi nghĩ hoàn toàn không xứng với đồng tiền bỏ ra.”
Và chị Q xóa luôn app Temu, không có ý định sẽ mua thêm bất cứ một món hàng nào trên sàn thương mại điện tử này nữa.
Trái ngược với chị Q, chị N.Q.A (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) từng có trải nghiệm không mấy tích cực với Shein, nhưng nhận thấy chất lượng của hãng này đã được cải thiện gần đây.
Chị Q.A chia sẻ: “Năm ngoái, mình thấy đồ của Shein rẻ, nhưng chất lượng rất kém. Đến năm nay, mình đã đặt đồ của Shein 3 lần, và lần nào cũng thấy ổn. Trên Shein mẫu mã rất phong phú và có nhiều kích thước đồ cho mình chọn hơn các sàn thương mại điện tử khác, chẳng hạn như size 2XL hay 3XL. Mình mua đủ các thứ trên Shein, từ quần áo đến phụ kiện, và lần nào cũng được giảm giá kha khá, khoảng từ 20% đến 30%. Mình thấy rất hời khi mua được hàng giá rẻ mà vẫn đẹp.”
Điều gì đã tạo nên sức hút mạnh mẽ?
Thực tế, các sàn thương mại điện tử từ Trung Quốc như Shein, Temu, 1688, Taobao, và Alibaba nắm trong tay lợi thế cạnh tranh rất lớn tại Việt Nam nhờ nguồn hàng phong phú, hệ thống logistics tối ưu và chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi ấn tượng. Trước khi bước vào Việt Nam, Temu đã làm mưa làm gió trên thị trường toàn cầu. Một trong những chiến thuật dễ thấy của họ là đổ mạnh ngân sách cho quảng cáo và thu hút người dùng bằng các sản phẩm mới lạ, giá rẻ đến bất ngờ. Theo thống kê của JP Morgan (một công ty tài chính lâu đời ở Mỹ), Temu đã chi hơn 1,7 tỷ đô la chỉ để quảng cáo tại Hoa Kỳ vào năm ngoái, và dự kiến năm 2024 sẽ tăng lên 3 tỷ đô.
Cả chị Q và chị Q.A đều cho biết rằng, quyết định mua hàng trên các nền tảng Temu và Shein của họ ban đầu xuất phát từ sự hiếu kỳ. Quá nhiều quảng cáo về các sản phẩm lạ và giá rẻ bất ngờ xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự chú ý của người dùng.
Bên cạnh đó, Temu và Shein đã tối ưu hóa hệ thống vận chuyển để giảm thiểu chi phí: Mạng lưới của họ trải dài hơn 150 quốc gia, giúp sản phẩm đến tay khách hàng nhanh chóng mà không qua nhiều khâu trung gian. Đây chính là yếu tố giúp các sàn thương mại điện tử này giảm giá thành đáng kể.
Không dừng lại ở đó, Temu còn khéo léo biến việc mua sắm thành một trải nghiệm giải trí. Chị Q kể lại rằng, sau đơn hàng đầu tiên, chị được tham gia quay số trúng thưởng trên ứng dụng, có cơ hội nhận voucher giảm giá, hoặc miễn phí một sản phẩm bất kỳ. Hình thức mua sắm kèm phần thưởng này tạo cảm giác thú vị và tiết kiệm hơn so với việc đến các trung tâm thương mại hay chợ truyền thống.
“Nếu như hàng nhận được tốt hơn, chắc chắn tôi sẽ tận dụng các ưu đãi để tiếp tục mua sắm trên Temu. Lúc chờ hàng về, tôi đã dành nhiều thời gian lướt app và thấy nhiều thứ rất hay ho” - Chị Q nói.
Có thể thấy, chính vì những chính sách tương tự như Temu, Shein hay 1688 đã tạo ra một làn sóng cạnh tranh mạnh mẽ ở Việt Nam.
Hàng Việt phải cạnh tranh thế nào?
Trước cơn sốt hàng giá rẻ từ bên kia biên giới tràn sang, các tiểu thương cũng phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Chị N.M.H là một tiểu thương đang điều hành gian hàng bán phụ kiện và đồ lưu niệm tại Tasco mall Long Biên (Hà Nội), đồng thời cũng có gian hàng trực tuyến trên nền tảng Shopee cho hay, không phải đến khi Temu và Shein đổ bộ về Việt Nam thì mới phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhưng những nền tảng thương mại xuyên biên giới này làm cuộc chơi đang trở nên khó khăn hơn.
“Từ trước đó chúng tôi cũng vẫn phải tự sản xuất và kết hợp song song với việc nhập hàng từ Quảng Châu (Trung Quốc) về bán. Nhưng bây giờ, người mua có thể đặt hàng từ Trung Quốc về thẳng Việt Nam, không cần qua trung gian, giá cũng ngang với giá bán lẻ của chúng tôi. Nếu các sàn thương mại điện tử Trung Quốc cứ kéo giá xuống mãi thế này thì không ai có thể tiếp tục buôn bán được.”
Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, Temu và Shein dễ dàng thực hiện các chiến dịch giảm giá sâu, miễn phí vận chuyển, và chấp nhận lỗ để thu hút người tiêu dùng. Đặc biệt, Temu trả hoa hồng lên đến 30% cho người làm tiếp thị liên kết, tạo động lực lớn để họ quảng bá và thu hút khách hàng mới. Những chiến lược này khiến nhiều quốc gia phải thắt chặt quản lý, như Indonesia cấm Temu hoàn toàn để bảo vệ thị trường nội địa, hay Thái Lan tăng thuế, và Âu - Mỹ siết chặt quy định nhập khẩu.
Theo chị M.H, cách để gian hàng của chị có thể cạnh tranh và duy trì, cũng như mở rộng việc buôn bán là tận dụng lợi thế sân nhà cũng như đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ.
“Temu không cho áp dụng hình thức thanh toán khi nhận hàng, mà thói quen tiêu dùng của người Việt là phải “tiền trao, cháo múc”. Hơn 80% các đơn hàng trên Shopee của chúng tôi đều là người mua trả tiền khi nhận hàng. Hơn nữa, tuy Temu có cho đổi trả hàng, nhưng rất khó khăn. Tôi biết điều ấy vì chính tôi đã thử và mất rất nhiều thời gian mới được hoàn lại hàng. Còn với chúng tôi, chỉ trong 2-3 tiếng là có phản hồi và sẵn sàng hỗ trợ đổi trả hoặc gửi bổ sung hàng thiếu ngay trong ngày” – chị nói.
Bên cạnh đó, chị cùng cả team cũng phải đổ nhiều tâm huyết cho các sản phẩm của mình. Mỗi sản phẩm của gian hàng phải đảm bảo mẫu mã mới lạ, bắt mắt, sáng tạo. Chị quyết tâm không để bị cuốn vào vòng xoáy hạ giá của các sàn thương mại điện tử.
“Chúng tôi phải tự học thêm rất nhiều để cải tiến các sản phẩm, và cũng phải đổi mới, sáng tạo liên tục. Chất lượng sản phẩm luôn phải là ưu tiên hàng đầu, rồi sau đó là hình thức bắt mắt. Chỉ cần bỏ bê một chút là hàng bán chậm lại ngay. Gian hàng của chúng tôi thay đổi theo từng tuần, đảm bảo khách hàng nhìn vào là thấy thu hút”.
Với sự nỗ lực ấy, gian hàng của chị M.H luôn duy trì được sức hút với khách hàng từ khắp nơi. Đợt 20/10 vừa qua, chị tung ra sản phẩm mới là công sức nghiên cứu và thử nghiệm nhiều lần của cả đội ngũ. Sản phẩm rất được sự yêu thích của các bạn trẻ, vì mẫu mã đáng yêu, phù hợp làm quà tặng các mẹ, các chị em nhân ngày Phụ nữ Việt Nam. Đây có thể là chiến lược tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt trong cuộc cạnh tranh với hàng giá rẻ nhập khẩu.
Sức hấp dẫn từ hàng giá rẻ ngoại nhập đã làm xáo động thị trường. Đây là thách thức, nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta nhìn nhận lại hướng đi cho hàng Việt. Các doanh nghiệp nội địa nên tận dụng thế mạnh sân nhà và kết hợp yếu tố sáng tạo, bền vững để tạo nên lợi thế cạnh tranh bền vững, khẳng định vị thế hàng Việt trong lòng người tiêu dùng Việt.
Phương Mai