0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 16/09/2024 07:03 (GMT+7)

Loạt DN bất động sản làm ông chủ lớn ngân hàng Việt

Theo dõi KT&TD trên

Danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ của các ngân hàng đã hé lộ nhiều đại gia trong ngành bất động sản. Các chuyên gia cho rằng, việc này có thể phát sinh rủi ro quản trị hoạt động ngân hàng.

Nhiều đại gia bất động sản nắm vốn ngân hàng

Ngân hàng An Bình (ABBank) vừa công bố danh sách gồm 19 cổ đông (16 cá nhân và 3 tổ chức) nắm giữ từ 1% vốn điều lệ ngân hàng trở lên.

Đáng chú ý, ông Vũ Văn Tiền - Phó Chủ tịch ABBank đồng thời đang là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco - không có tên trong danh sách. Tuy không trực tiếp sở hữu cổ phần tại ABBank nhưng tỷ lệ sở hữu của ông Tiền tại Geleximco lên tới 33,5%.

Hai doanh nghiệp liên quan đến ông Tiền nắm trực tiếp 17,21% cổ phần ABBank. Trong đó, Tập đoàn Geleximco - một trong những chủ đầu tư bất động sản lớn tại thị trường phía Bắc - nắm 12,78% vốn. Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu cổ phần người liên quan tập đoàn này tại ABBank nắm 4,65%. Công ty cổ phần Glexhomes - một doanh nghiệp trong hệ sinh thái Geleximco - cũng nắm 4,43% vốn ABBank.

Danh sách nắm từ 1% vốn trở lên của Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) vừa được công bố cho thấy một công ty nằm trong hệ sinh thái của ROX Group (tiền thân là TNG Holdings Vietnam - doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản). Cụ thể, Công ty CP ROX Key Holdings ( công ty quản lý, vận hành bất động sản, khách sạn - lưu trú thuộc ROX Group) hiện nắm 2,43% vốn MSB cùng người liên quan nắm gần 1% vốn.

Ông Vũ Văn Tiền

Công ty Đầu tư xây dựng ROX Cons (hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp và hạ tầng kỹ thuật) cũng đang nắm 1,87% vốn MSB. Công ty Đầu tư và Cho thuê tài sản TNL nắm 1,08% vốn MSB và người liên quan nắm công ty này nắm 1,87% vốn. ROX Cons và Công ty Cho thuê Tài sản TNL là thương hiệu kinh doanh mặt bằng cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và mặt bằng bán lẻ.

Danh sách cổ đông nắm trên 1% vốn MSB còn một số doanh nghiệp bất động sản khác như Công ty TNHH khu nghỉ dưỡng Bãi Dài (nắm 4,96%); Công ty TNHH Thành phố Công nghệ xanh Hà Nội (nắm 4,97%), Công ty xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Hà Nội - Đài Tư (nắm 4,98%) hay Công ty CP Đầu tư Ricohomes (nắm 2,64%).

Tại HDBank, Công ty CP Sovico đang nắm hơn 417,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 14,27% vốn điều lệ ngân hàng này. Đây là cổ đông duy nhất nắm trên 5% vốn theo công bố của HDBank.

Sovico nằm trong hệ sinh thái Sovico Group của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Doanh nghiệp này đầu tư đa ngành trong đó bất động sản là một trong những lĩnh vực lớn nhất.

Trong danh sách 20 cổ đông đang sở hữu gần 81% vốn của Ngân hàng Phương Đông (OCB), cũng có một loạt doanh nghiệp bất động sản.

Trong đó, Tổng Công ty Bến Thành nắm 4,96% vốn của OCB. Công ty Đầu tư Bình An House nắm 4,74%; Greenwave Capital sở hữu 4,44%; Công ty Đầu Tư HVR nắm 3,85%; Công ty Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận nắm 3,27%; Công ty CP Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Tây Ninh nắm 3,25% vốn OCB.

Còn tại Eximbank, Tập đoàn Gelex vừa hoàn tất mua vào 89 triệu cổ phiếu EIB, nâng sở hữu tại nhà băng này lên gần 175 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ. Sau giao dịch này, Gelex thành cổ đông lớn nhất của Eximbank.

Gelex là một trong những tập đoàn đa ngành quy mô lớn tại thị trường trong nước. Ngoài các ngành kinh doanh cốt lõi như điện, vật liệu xây dựng, Gelex cũng là tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản khu công nghiệp sau thương vụ thâu tóm Viglacera. Hiện Gelex có hơn 50 công ty thành viên.

Nhiều ngân hàng đến nay vẫn chưa công bố danh sách cổ đông nắm từ 1% vốn. Do đó, số doanh nghiệp bất động sản nắm vốn ngân hàng sắp tới có thể được cập nhật thêm.

Ngoài bất động sản, các ngân hàng còn hấp dẫn nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm, doanh nghiệp bán lẻ… Chẳng hạn, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam hiện sở hữu cổ phần ít nhất tại 3 ngân hàng (MBB, Vietinbank, ACB)… Tập đoàn Masan và người liên quan cũng nắm hơn 15% vốn tại Techcombank.

Tập đoàn Gelex đã chính thức trở thành cổ đông tổ chức lớn nhất tại Eximbank.

Ngân hàng - bất động sản: Đã có nhiều bài học

Trước đây, các ngân hàng chỉ công khai thông tin của cổ đông lớn nắm giữ từ 5% vốn hoặc thông tin của lãnh đạo cùng người có liên quan. Nhưng theo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2024, ngân hàng cũng phải công khai thông tin cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ. Đồng thời, danh sách người có liên quan cũng được mở rộng nhiều so với trước.

Để đáp ứng quy định mới, từ đầu tháng 7, các ngân hàng lần lượt công bố danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên. Từ đó cũng hé lộ về cơ cấu sở hữu của các ông chủ phía sau các ngân hàng.

Việc công khai thông tin cổ đông từ 1% vốn được giới chuyên gia nhận định là cần thiết để phòng ngừa chuyện đứng tên hộ, đầu tư núp bóng, hạn chế tình trạng sở hữu chéo, thậm chí là thao túng ngân hàng. Đây có thể được xem là giải pháp hỗ trợ các cơ quan liên quan giám sát, thanh kiểm tra để đánh giá mức độ rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Các chuyên gia của Chứng khoán VPBanks cho rằng, quy định công bố thông tin cổ đông từ 1% trở lên sẽ giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về cơ cấu sở hữu, từ đó đánh giá chính xác hơn rủi ro và tiềm năng của ngân hàng.

Đáng chú ý, việc công khai cổ đông nắm từ 1% vốn tại ngân hàng đã “phát lộ” nhiều doanh nghiệp bất động sản sở hữu lượng cổ phần lớn cả trực tiếp và gián tiếp tại các nhà băng.

Các chuyên gia cho rằng, việc này có thể phát sinh rủi ro quản trị hoạt động ngân hàng. Nhiều chuyên gia cho biết mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản trong quá khứ để lại nhiều bài học lớn khi xuất hiện tình trạng “sân sau”.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển chia sẻ giai đoạn 2010 - 2012, nhiều ngân hàng phải tái cấu trúc. Sau giai đoạn đó, dù có hệ thống giám sát chặt chẽ hơn nhưng thị trường bất động sản dần hồi phục, mối quan hệ ngân hàng - bất động sản lại rõ nét hơn, xuất hiện tình trạng “sân sau”, tạo sự nguy hiểm nhất định cho hệ thống ngân hàng.

Cùng chung quan điểm, ông Phan Duy Hưng - chuyên gia phân tích cao cấp VISRating - nhìn nhận việc các cá nhân và tổ chức có liên quan nắm giữ lượng cổ phần lớn tại ngân hàng có thể phát sinh những rủi ro quản trị, chi phối hoạt động ngân hàng để phục vụ mục đích cá nhân.

Một vài ví dụ điển hình như SCB gần đây hay Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Toàn Cầu (GP Bank) vào năm 2015. Do sự suy giảm năng lực tài chính của các doanh nghiệp liên quan và dự án của họ, ngân hàng đã phải gánh chịu nợ xấu tăng mạnh và thua lỗ kéo dài, cuối cùng dẫn tới việc mất thanh toán.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Nhà nước đã có kinh nghiệm xử lý, hoàn thiện thể chế, đưa các ngân hàng đại chúng thực sự trở thành doanh nghiệp đại chúng, giám sát, quản lý tránh thao túng. Hơn nữa, quy định pháp luật hiện tại hoàn toàn đủ cho cơ quan quản lý giám sát, như việc bổ sung quy định giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của cổ đông, giới hạn cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu.

Minh Dũng

Bạn đang đọc bài viết Loạt DN bất động sản làm ông chủ lớn ngân hàng Việt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cộng Cà phê: Hành trình từ quán nhỏ đến thương hiệu Quốc tế
Hành trình của Cộng Cà Phê từ một quán nhỏ đến một thương hiệu toàn cầu là một câu chuyện đầy cảm hứng. Với sự khác biệt, sáng tạo và kiên trì, Cộng Cà Phê đã chứng minh rằng ngay cả với vốn điều lệ nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể đạt được những thành công lớn

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.
Gỡ vướng, thúc đẩy tiến độ Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 423/TB-VPCP ngày 17/9/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện các dự án đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư.