Hà Nội ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng vọt, thêm 2.600 ca
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết riêng tuần trước từ ngày 22/9 đến 29/9, Hà Nội ghi nhận 2.578 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc tăng gấp 1,5 lần so với tuần trước, cao nhất từ đầu năm đến nay.
Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng chóng mặt
Cụ thể, huyện Thanh Oai dẫn đầu với 190 ca, tiếp đó là Phú Xuyên có 187 ca, Phúc Thọ 174 ca, Hoàng Mai 173 ca, Đan Phượng 151 ca, Cầu Giấy 138 ca, Đống Đa 137 ca, Quốc Oai 125 ca, Hà Đông 123 ca, Chương Mỹ 120 ca, Nam Từ Liêm 111 ca, Thanh Xuân 105 ca, Thanh Trì 100 ca.
Trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận thêm 78 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã gồm Bắc Từ Liêm 9 ổ dịch, Quốc Oai, Đống Đa mỗi nơi 8 ổ dịch; Phúc Thọ 7 ổ dịch; Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng mỗi nơi có 5 ổ dịch; Sóc Sơn, Thanh Oai, Hai Bà Trưng mỗi nơi có 4 ổ dịch; Tây Hồ, Phú Xuyên 3 ổ dịch; Ba Vì, Sơn Tây, Hoàng Mai, Thường Tín: mỗi huyện 2 ổ dịch; Chương Mỹ, Thanh Xuân, Ba Đình, Thạch Thất mỗi nơi 1 ổ dịch.
Như vậy 9 tháng năm 2023, Hà Nội đã có 289 ổ dịch tại 28 quận, huyện, thị xã với tổng 15.354 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 3 trường hợp tử vong, nhiều ổ dịch kéo dài và phân bố 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn. Một số xã có diễn biến phức tạp như Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 485 ca bệnh; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất) có 340 ca; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 70 ca…
Kết quả giám sát cho thấy nhiều nơi chỉ số côn trùng vượt ngưỡng nguy cơ từ 3-4 lần. Tại phường Định Công, quận Hoàng Mai có chỉ số bọ gậy - BI=60); xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên BI=50, tại thôn 8, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ BI=80. Quy định nêu rõ vùng có chỉ số bọ gậy - BI từ 20 trở lên là vùng có nguy cơ có dịch sốt xuất huyết. Thêm nữa, nhiều bệnh nhân khi bị sốt xuất huyết thì không đến thăm khám tại các việc công, nên không khai báo dẫn đến khó kiểm soát, phát hiện các ổ dịch từ sớm.
Dự báo từ các chuyên gia y tế, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ vào tháng 10, 11. Thời tiết với khoảng từ 26-32°C sẽ là điều kiện thuận lợi cho bọ gậy, phát triển, không những thế thành phố lại có nhiều ổ dịch với mật độ quần thể muỗi truyền bệnh cao.
Hiện nay tại Việt Nam chưa có vắc xin phòng bệnh nên để ngăn ngừa phòng bệnh sốt xuất huyết vẫn phụ thuộc vào ý thức của người dân trong việc diệt muỗi, bọ gậy truyền bệnh.
Đẩy mạnh phòng ngừa sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết để phòng bệnh trước mắt ta cần tập trung loại bỏ những ổ muỗi vằn. Phát hiện ổ dịch sớm thông qua khai báo y tế vì nếu không xử lý ổ dịch trong 3 ngày đầu, sang ngày thứ 5 ổ dịch sẽ bùng phát và nhân rộng.
Trong tuần này, CDC Hà Nội sẽ thực hiện công tác giám sát phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trên địa bàn như Phúc Thọ, Phú Xuyên, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Đông, Bắc Từ Liêm. Song song với đó là tập huấn nâng cao kiến thức cho đội xung kích, tổ giám sát và các cộng tác viên về các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết tại một số nơi có diễn biến dịch phức tạp, kéo dài.
Mục tiêu của Sở Y tế Hà Nội là phấn đấu 95% hộ dân đã được phun hóa chất chống mũi. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các xã phường có tỷ lệ phun hóa chất chưa cao, rà soát lại toàn bộ ổ dịch để không bỏ sót ổ dịch nào.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền từ người bệnh sang người lành thông qua việc đốt và hút máu của muỗi. Bệnh có thể gây thành dịch lớn, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất hiện là muỗi Aedes aegypty (còn gọi là muỗi vằn), có đặc tính sinh sản ở những nơi nước đọng, sạch ở xung quanh nhà (chai, lọ, mảnh vỡ…), trong nhà (dụng cụ chứa nước sinh hoạt, lọ cắm hoa, chân chén…), thường trú ngụ trong nhà, đốt người vào ban ngày (sáng sớm, chiều tối).
Bệnh đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy (ấu trùng của muỗi) và phòng muỗi đốt. Bệnh sốt xuất huyết xuất hiện quanh năm ở nhiều nơi của nước ta và cả trên thế giới với các mức độ khác nhau. Riêng ở các tỉnh, thành phía Nam nước ta, bệnh xuất hiện cao điểm vào các tháng 7, 8, 9, 10 do mưa nắng thất thường, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.
Phạm Huyền