Hà Giang: Bị phản ánh khai thác đá trong thời gian đình chỉ -Công ty Hà Ngân nói gì?
Một doanh nghiệp tại Hà Giang mới bị xử phạt gần 1 tỷ đồng và bị đình chỉ 5 tháng 15 ngày, nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động khi chưa hết thời hạn đình chỉ...
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm, trục lợi trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản. Vấn đề này khiến hàng loạt các đối tượng bị xử lý hình sự hoặc phạt số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, buộc khắc phục hậu quả nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật không có vùng cấm và ngoại lệ.
Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại trường hợp đang trong quá trình bị đình chỉ khai thác, nhưng vẫn ngang nhiên sử dụng các thiết bị, máy móc và phương tiện để tiến hành khai thác vận chuyển một cách rầm rộ.
Cụ thể, ngày 12/1/2024, Công ty TNHH MTV Hà Ngân đã bị UBND tỉnh Hà Giang ra quyết định số: 72/QĐ-XPHC, xử phạt hành chính với số tiền lên tới gần 1 tỷ đồng và bị đình chỉ khai thác 5 tháng 15 ngày kể từ ngày ra quyết định. Đồng thời, buộc thực hiện các biện pháp cải tạo công trình bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác gây ra.
Thế nhưng, từ ghi nhận thực tế của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường trong các ngày 22 và 23 tháng 3/2024. Tại mỏ đá vôi thuộc Công ty TNHH MTV Hà Ngân tại thôn Bản Đuốc, xã Yên Phong, huyện Bắc Mê (Hà Giang) vẫn hoạt động. Đứng cách mỏ khai thác đá vôi khoảng 500 mét đã nghe tiếng ồn từ các thiết bị khai thác đá, cho thấy đơn vị này đã không hề tuân thủ các quy định pháp luật, bất chấp việc đình chỉ khai thác của UBND tỉnh Hà Giang.
Tại hiện trường, việc khai thác đá vôi được tiến hành gần như liên tục và hiệu quả bởi chiếc máy xúc cỡ lớn lắp búa đục luôn vận hành hết công suất, tiếng mũi khoan đục vào vách tạo thành những âm thanh chát chúa.
Búa máy đóng tới đâu đá bung ra tới đó để lại vết rạn nứt bở bục. Bên cạnh đó, một cỗ máy xúc khác chỉ cần dùng gầu là đã có thể cạy rời nhiều khối đá, xúc lên xe chở đổ vào giàn máy nghiền cách khu vực khai thác không xa.
Cùng thời điểm này, một máy xúc lật cũng đang hối hả cung cấp đá đã nghiền nhỏ lên xe, khi đã được đắp đầy ắp những thành thùng cao to ngất ngưởng, thì những chiếc xe Hoowo dạng 4 chân lại ì ạch bò ra hướng Quốc lộ 34 rồi di chuyển tới công trình nâng cấp sửa chữa đường tại xã Minh Sơn, huyện Bắc Mê.
Một số xe khác chạy theo hướng huyện Bảo Lâm, sau đó cũng trút xuống công trình làm đường gần khu vực nhà máy thuỷ điện Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng.
Trao đổi với PV, anh Long (đã được đổi tên-PV) một người dân sinh sống tại thôn Bản Đuốc cho biết, mỏ đá vôi của Công ty TNHH MTV Hà Ngân luôn trong trạng thái hoạt động. Gây tiếng ồn và bụi bặm, với nhiều xe tải trọng lớn ra vào vận chuyển đá không kể giờ giấc.
Liên quan đến vụ việc trên, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với Lãnh đạo UBND huyện Bắc Mê và UBND xã Yên Phong để tìm hiểu thêm thông tin vụ việc.
Ông Trần Mạnh Tuyên – Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: “Tôi sẽ chỉ đạo phòng ban chuyên môn kiểm tra ngay”.
Cùng trao đổi với Phóng viên về những vấn đề trên, ông Nguyễn Bình Giang - Chủ tịch UBND xã Yên Phong cho hay: Do mới nhận công tác nên chưa nắm bắt được tình hình, sau khi tiếp nhận thông tin từ phía cơ quan báo chí, chúng tôi sẽ cho cán bộ kiểm tra lại và sẽ thông tin sau.
Qua tìm hiểu, được biết Công ty TNHH MTV Hà Ngân có địa chỉ tại tổ 2, thị trấn Yên Phú, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang do ông Ninh Quang Sìn là người đại diện theo pháp luật.
Sáng ngày 26/3, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã liên hệ với đại diện Công ty TNHH MTV Hà Ngân để tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến vụ việc trên. Qua trao đổi, ông Ninh Quang Sìn - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc cho biết: Đơn vị đang trong quá trình sửa chữa máy móc thiết bị, việc 2 chiếc máy xúc và ô tô hoạt động là do quá trình sửa chữa chạy thử để kiểm tra…
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại hiện trường ngày 23 - 24/3/2024, hoạt động khai thác đá được cho là quá trình chạy thử để kiểm tra, sửa chữa thiết bị của đơn vị diễn ra cả ngày: Máy xúc lắp búa đục đá, múc đá và ô tô vận chuyển vẫn hoạt đông xuyên suốt hàng tiếng hồng hồ.
Ngoài tiếng ồn thì chất ô nhiễm lớn nhất phải kể đến trong hoạt động khai thác đá là bụi, sau đó mới đến các loại khí thải của các phương tiện vận chuyển, máy móc thiết bị thi công. Các khí thải độc hại này bao gồm: bụi, Pb, SO2, NOx, H2S, CO, muội…Các loại khí này thường khi thâm nhập tầng bình lưu là các tác nhân gây nên khói quang hóa, phá hủy tầng ozon, góp phần tạo nên hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng chung đến thời tiết toàn cầu.
Ở tầng đối lưu các loại khí này có khả năng kết hợp với hơi nước tạo ra các hạt mù axit, hoặc hòa tan vào nước mưa làm giảm độ pH của nước xuống tới 5,5. Khi rơi xuống mặt đất sẽ làm gia tăng khả năng hòa tan các kim loại nặng trong đất, làm chai đất, phá hủy rễ cây, hạn chế khả năng đâm chòi, giảm năng suất cây trồng. Đối với con người các khí có khả năng gây kích ứng niêm mạc phổi ở nồng độ thấp. Ở nồng độ cao và lâu dài, chúng có thể gây loét phế quản, giảm khả năng hấp thụ oxi của các phế nang, tác động không tốt đến hệ tim mạch, gây suy nhược cơ thể.
Đặc biệt khi có mặt đồng thời SO3 thì các tác động lên cơ thể sống mạnh hơn so với tác động của từng chất riêng biệt, gây co thắt phế quản gây ngạt và tử vong.Bụi là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguy hiểm. Các loại bụi khoáng vô cơ kim loại, silic amiang, bụi plastic gây ra các bệnh bụi phổi ở động vật (aluminose, silicoe, siderose…). Đối với thực vật, bụi lắng đọng trên lá làm giảm khả năng quan hợp của cây, làm giảm năng suất cây. Các hạt bụi có kích thước nhỏ (1-5mm) dễ dàng lọt vào và tồn tại trong các phế nang phổi gây bệnh về hô hấp cho người và động vật. Tác động lên môi trường không khí ở giai đoạn này có mức độ không lớn và mang tính tạm thời.
Ngày 26/3/2024, tại buổi họp Họp báo của Bộ Công an, xung quanh thông tin về tình hình khai thác cát trái phép thời gian gần đây, đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) và lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C05) đã có những thông tin đến báo chí. Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục C05 nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, tình trạng kinh doanh, khai thác cát trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương như Cao Bằng, Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, An Giang, Tiền Giang… Các đối tượng lợi dụng tình hình khan hiếm, thiếu hụt nguồn cung cấp vật liệu trong các công trình xây dựng trọng điểm để khai thác trái phép khoáng sản.
Trung tướng Trần Minh Lệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thông tin thêm về tình hình khai thác khoáng sản trái phép. Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường thường xuyên nắm tình hình, báo cáo lãnh đạo Bộ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương đấu tranh với vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp tại các dự án trọng điểm quốc gia; phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện các biện pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản.
Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Nhóm Phóng viên