0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 31/05/2024 16:13 (GMT+7)

Gỡ khó những dự án chậm tiến độ tại Phú Yên: Đâu là đáp số?

Theo dõi KT&TD trên

Dù Phú Yên sở hữu nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tự nhiên cùng nhiều nhà đầu tư nước ngoài với những dự án lên đến nghìn tỷ đã được phê duyệt, nhưng đến nay các dự án lớn vẫn trong tình trạng "án binh bất động", không biết số phận sẽ ra sao.

Gỡ khó những dự án chậm tiến độ tại Phú Yên: Đâu là đáp số?
Vườn Phượng Hoàng – một trong những dự án tỷ đô đã bị thu hồi tại Phú Yên.

Hàng loạt dự án phơi sương phơi nắng hàng thập kỷ

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có rất nhiều các dự án tỷ đô được phê duyệt nhưng không triển khai vì nhiều nguyên nhân.

Đơn cử như dự án Vườn Phượng Hoàng (thành phố Tuy Hòa) tỉnh Phú Yên được phê duyệt triển khai với diện tích 77ha, một thời từng được quảng bá là “Trái tim của thành phố Tuy Hòa", mang lại nhiều kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, đến nay dự án đã bị UBND tỉnh Phú Yên thu hồi.

Cũng nằm trong danh sách dự án tỷ đô tại Phú Yên, Khu du lịch liên hợp cao cấp New City (thành phố Tuy Hòa và huyện Tuy An) đến nay vẫn “án binh bất động". Theo tìm hiểu của phóng viên, số tiền mà chủ đầu tư "rót" vào dự án đã lên tới hàng triệu USD, tuy nhiên hiện trạng tại đây cũng chỉ là bãi đất trống với một số công trình nhỏ, hạng mục cảnh quan được duy trì, doanh nghiệp phải đôn đáo chạy tìm hướng dẫn tháo gỡ dự án. Với quy mô diện tích dự án, có thể khẳng định khối tài sản xã hội tiềm năng đang nằm đọng tại đây lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp phàn nàn, ngao ngán về môi trường đầu tư

“Đối với nhà đầu tư nước ngoài và các dự án quy mô lớn, thủ tục pháp lý đối với họ là trở ngại rất lớn và rất phức tạp, tuy nhiên chính quyền địa phương lại chưa hướng dẫn cụ thể, vì thế nhà đầu tư loay hoay gần hai chục năm, không thể hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai dự án”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.

Là một dự án có tổng vốn đầu tư một tỷ đô trên địa bàn tỉnh Phú Yên, được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2008. Qua 16 năm đầu tư nhiều công sức, chi phí, đi đi lại lại với rất nhiều văn bản giấy tờ, thực hiện theo hướng dẫn, chờ đợi phản hồi đối với các hồ sơ pháp lý như: Xin chuyển mục đích sử dụng rừng, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Đến nay, thủ tục pháp lý của dự án vẫn mắc kẹt, UBND tỉnh không xem xét giải quyết dẫu đã có hướng dẫn cụ thể từ các Bộ, ngành Trung ương.

“Với rất nhiều tâm huyết, thiện chí theo đuổi dự án, nhà đầu tư đã thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương nhưng lại bị thanh tra khiến dự án phải tạm dừng thực hiện do những hướng dẫn đó chưa phù hợp với quy định pháp luật. Nhà đầu tư đã phải làm việc, giải trình và thậm chí có văn bản kêu cứu Thủ tướng Chính phủ và đã được Chính phủ hướng dẫn cụ thể nhưng những vướng mắc của dự án vẫn không được UBND tỉnh giải quyết. Nay doanh nghiệp không biết phải làm gì để có thể tiếp tục triển khai dự án khi chính quyền địa phương không xử lý thủ tục hành chính, cũng không có bất cứ phản hồi gì cho nhà đầu tư”, đại diện doanh nghiệp này băn khoăn.

Bế tắc và hệ lụy

Mỗi năm, UBND tỉnh Phú Yên liên tục kêu gọi thu hút đầu tư vào địa phương, năm 2024 tiếp tục kêu gọi hơn 70 dự án. Tuy nhiên, đến nay, số lượng dự án thực tế đã hoàn thành rất thiểu số và đếm trên đầu ngón tay. Việc những dự án dang dở, không triển khai, không những ảnh hưởng đến nhà đầu tư, đến cuộc sống người dân tại khu vực thực hiện dự án mà còn gây lãng phí nguồn lực đất đai. Sự thay đổi diện mạo kinh tế của các địa phương lân cận khi có các dự án lớn đưa vào hoạt động là minh chứng rõ rệt nhất cho điều đó.

Điển hình có thể kể đến tỉnh Quảng Nam, dự án Khu phức hợp ô tô Chu Lai - Trường Hải sau khi được phê duyệt triển khai năm 2003, đến nay, mỗi năm dự án đóng góp ngân sách hơn chục tỷ đồng. Đây cũng là “sếu đầu đàn” của Quảng Nam khi kéo theo các dự án của những nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc như: Panko Tam Thăng (chuyên về may mặc), Nhà máy kính nổi Chu Lai...

Hay ngay cạnh Phú Yên là Bình Định, từ Khu công nghiệp (KCN) Becamex, Tổ hợp nghỉ dưỡng FLC Nhơn Lý được hình thành, Khu kinh tế Nhơn Hội với mênh mông cát trắng đã thực sự sôi động sau chưa đầy 5 năm. Sự xuất hiện của các nhà đầu tư lớn như FLC, Phát Đạt, VSIP Group… cũng góp phần giải quyết mấy chục nghìn việc làm cho người lao động trên địa bàn ở đa dạng các ngành nghề.

Đáng chú ý, thu ngân sách của tỉnh cũng tăng lên đáng kể. Năm 2013, Bình Định thu ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng, sau 10 năm, đến năm 2023 con số này là 13.828 tỉ đồng, tăng gần 250%. Sự thay đổi này có đóng góp không nhỏ của những dự án quy mô lớn tại địa phương đã đi vào hoạt động và hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh nhanh chóng vượt bậc, đang xây dựng đề án sân bay quốc tế. Còn tại Phú Yên, đến năm 2023, mức thu ngân sách mới chỉ đạt 4.195,53 tỷ đồng, dù có tăng trưởng nhưng không đáng kể so với các tỉnh “hàng xóm”.

Tham vấn một chủ đầu tư có dự án tỷ đô ở Phú Yên chia sẻ, nếu dự án được triển khai theo kế hoạch, kinh tế địa phương cũng có nhiều đổi khác. “Chúng tôi kỳ vọng có thể hình thành và xây dựng được một khu du lịch liên hợp cao cấp với các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích đa dạng nhằm thu hút khác du lịch trong và ngoài nước, giúp nâng cao vị thế của Phú Yên trên bản đồ du lịch. Khi đi vào vận hành, dự án dự kiến có thể giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động địa phương, dự kiến đóng góp vào ngân sách địa phương với tiền thuế gần 10.000 tỷ đồng trong vòng 50 năm, nhưng cho đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai”.

Những nguồn vốn đầu tư nước ngoài tỷ đô, những khoản thu ngân sách, những nguồn công việc… đầy hứa hẹn tại Phú Yên đáng tiếc chỉ mãi nằm trên giấy. Nguyên nhân dẫn đến việc đình trệ của các dự án là do vướng mắc pháp lý, hướng dẫn chưa cụ thể từ UBND tỉnh về các thủ tục pháp lý đầu tư, đất đai, quy hoạch, xây dựng…, song có thể thấy, việc tái khởi động lại các dự án là vô cùng cần thiết.

Không thể cứ mãi để các dự án lớn không thể triển khai, mãi là bãi đất trống, gây lãng phí đất đai, nguồn lực xã hội cũng như gây bức xúc, mất niềm tin từ người dân khi hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu vực mãi không được cải thiện. Những dự án im lìm cũng gây ảnh hưởng đến quy hoạch, đến sự kết nối, phát triển giữa các khu vực trong quy hoạch của địa phương.

Gỡ khó những dự án chậm tiến độ tại Phú Yên: Đâu là đáp số?
Nhiều dự án trên địa bàn được phê duyệt nhiều năm nhưng chưa triển khai ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Đây không chỉ là thất thoát về kinh tế, tài chính mà còn cả vấn đề sử dụng nguồn lực, lãng phí cơ hội, hệ thống quản lý ỳ ạch. Các doanh nghiệp cho rằng, Phú Yên cần ưu tiên giải quyết các vấn đề liên quan đến thời gian, chi phí doanh nghiệp thực hiện các thủ tục.

Bởi lẽ, điều đáng lo ngại khi hàng loạt dự án tỷ đô bị chậm triển khai trên địa bàn đó là ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của địa phương. Môi trường đầu tư tại địa phương cần được cải thiện, theo hướng cởi mở hơn và hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn tất các thủ tục.

Trước thực trạng các dự án tỷ đô trên địa bàn tỉnh Phú Yên bị chậm và ngừng tiến độ triển khai, UBND tỉnh Phú Yên hiện vẫn chưa có phương án giải quyết hay cải cách cụ thể nào. Trong khi tại các tỉnh khác, lãnh đạo đồng hành với doanh nghiệp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư.

Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển, tác động đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư của tỉnh mà còn tác động không nhỏ đến hoạt động phát triển kinh tế của địa phương, nhất là trong việc thay đổi diện mạo du lịch của vùng đất này.

Đáng lưu ý là các dự án này đều có quy mô lớn, lên đến hàng tỷ USD, nếu liên tục rơi vào tình trạng bị “treo" sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tỉnh nói riêng và của Việt Nam nói chung dưới đánh giá của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

"Những hệ lụy từ các dự án "treo” đã rõ. Do vậy, tỉnh cần có sự linh hoạt hơn trong việc giải quyết hồ sơ, thủ tục của các dự án đang “nằm im", để sớm có phương án cho nhà đầu tư trong việc triển khai dự án nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương, cũng như giải quyết triệt để những bức xúc của nhà đầu tư tại địa phương.

Bạn đang đọc bài viết Gỡ khó những dự án chậm tiến độ tại Phú Yên: Đâu là đáp số?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.