Gian lận hồ sơ, Tập đoàn Đồng Lương bị đánh trượt gói thầu gần 60 tỷ đồng
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đồng Lương (gọi tắt là Tập đoàn Đồng Lương) vừa trượt gói thầu gần 60 tỷ đồng tại tỉnh Lâm Đồng vì bị phát hiện cung cấp tài liệu đấu thầu không trung thực.
Hàng loạt tài liệu không trung thực
Đầu tháng 10 vừa qua, bên mời thầu (BMT) là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 7: Thi công xây dựng công trình, thuộc Dự án khắc phục hậu quả thiên tai sông Đa Dâng đoạn qua xã Tân Văn và xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà.
Theo đó, đơn vị trúng thầu là Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô (Địa chỉ 162 đường Trường Chinh, phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội). Giá trúng thầu là 58,812 tỷ đồng. Trong khi Gói thầu có giá dự toán là 59,289 tỷ đồng.
Gói thầu được thông báo mời thầu, đấu thầu rộng rãi qua mạng từ ngày 31/8/2024. Đến ngày 18/9, BMT đã tiến hành mở và đóng thầu trong cùng ngày. Kết quả mở thầu có 2 nhà thầu tham gia là Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đồng Lương (Tập đoàn Đồng Lương).
Trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (E-HSDT), nhiều tài liệu của của Tập đoàn Đồng Lương bị đánh giá là có dấu hiệu không trung thực về hợp đồng tương tự, nhân sự chủ chốt nên đã bị loại, không được thay thế hợp đồng, nhân sự.
Do đó, E-HSDT của Tập đoàn Đồng Lương bị cho là không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu (E-HSMT) về tiêu chí kinh nghiệm thực hiện hợp đồng xây lắp tương tự và tiêu chí nhân sự chủ chốt.
Cụ thể, Tập đoàn Đồng Lương kê khai Hợp đồng thầu phụ số 16/HĐKT/TS-AGP ngày 10/4/2019 giữa Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty Cổ phần Xây dựng công trình An Gia Phát (nay là Tập đoàn Đồng Lương) về việc thi công, sửa chữa kè bảo vệ bờ (Gói thầu số 6B) thuộc Dự án đầu tư xây dựng công trình cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu. Với nội dung kê khai này, nhà thầu chỉ đính kèm hợp đồng, không có tài liệu chứng minh theo yêu cầu của E-HSMT. Trong quá trình đánh giá, BMT đã yêu cầu nhà thầu bổ sung tài liệu liên quan tới hợp đồng tương tự. Sau đó, nhà thầu đã bổ sung, làm rõ một số nội dung mà BMT yêu cầu, nhưng không làm rõ nội dung về hợp đồng tương tự.
Nghi ngờ về tính xác thực của tài liệu do nhà thầu cung cấp, BMT đã gửi văn bản đề nghị xác minh tới các tổ chức có liên quan.
Theo đó, BMT có gửi văn bản tới Ban Quản lý dự án hàng hải đề nghị hỗ trợ làm rõ hợp đồng Gói thầu số 6B. Sau đó, Ban Quản lý dự án hàng hải phúc đáp, công trình được bàn giao, đưa vào sử dụng ngày 16/1/2017 và hoàn thành nghĩa vụ bảo hành ngày 28/6/2019. Công ty Cổ phần Xây dựng công trình An Gia Phát không có trong danh sách nhà thầu phụ do Ban Quản lý dự án hàng hải chấp thuận. Do đó, Tổ chuyên gia đánh giá, Hợp đồng thầu phụ số 16/HĐKT/TS-AGP ngày 10/4/2019 là tài liệu có dấu hiệu không trung thực.
Ngoài ra, trong E-HSDT, nhà thầu đề xuất danh sách nhân sự gồm: Chỉ huy trưởng Dương Chí Thành; phụ trách kỹ thuật thi công trực tiếp Biện Đức Hùng và Ngô Trí Giáp; phụ trách quản lý chất lượng công trình Trần Văn Hiếu và Biện Văn Quý; phụ trách an toàn, vệ sinh lao động Phan Đức Hải. Kèm theo đó, nhà thầu cung cấp văn bản xác nhận ngày 6/4/2023 của Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng về việc hoàn thành thi công công trình thuộc Gói thầu số 2 Xây lắp tràn xả lũ Dự án Hồ chứa nước Đạ Lây.
BMT đã có văn bản gửi Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng đề nghị hỗ trợ làm rõ về nhân sự thực hiện Gói thầu số 2 nêu trên. Theo văn bản phúc đáp của Trung tâm Quản lý đầu tư và Khai thác thủy lợi Lâm Đồng, trong thời gian thực hiện hợp đồng Gói thầu số 2, Trung tâm làm việc với 2 nhà thầu trong Liên danh gồm Công ty Cổ phần Xây dựng công trình An Gia Phát và Công ty Cổ phần Xây dựng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật Hà Nam. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, Trung tâm không làm việc với các nhân sự nào như đã nêu trên.
Căn cứ thông tin này, Tổ chuyên gia đánh giá, Tập đoàn Đồng Lương cung cấp tài liệu không trung thực về nhân sự chủ chốt. Nhà thầu không được thay thế nhân sự khác và E-HSDT bị loại.
Nhà thầu phụ nghìn tỷ!
Theo tìm hiểu, Tập đoàn Đồng Lương, tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng công trình An Gia Phát được thành lập năm 2003, trụ sở tại xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Người đại diện pháp luật là ông Hoàng Đình Kiên, Tổng Giám đốc.
Doanh nghiệp này chính thức được phê duyệt tham gia hệ thống đấu thầu quốc gia từ năm 2014. Đến nay, Tập đoàn Đồng Lương đã tham gia 9 gói thầu, trong đó trúng 5 gói, trượt 3 gói, 1 chưa có kết quả. Tổng giá trị trúng thầu là 1.763 tỷ đồng. Nhưng trong đó chỉ có 275 tỷ đồng Tập đoàn Đồng Lương trúng thầu với vai trò độc lập. Hơn 1.488 tỷ đồng còn lại, Tập đoàn Đồng Lương chủ yếu tham gia liên danh cùng 8 nhà thầu khác với vai trò nhà thầu phụ.
Dữ liệu đấu thầu cho thấy, Tập đoàn Đồng Lương tham gia đấu thầu khá ngắt quãng. Năm 2018, doanh nghiệp này tham gia và trúng 4/4 gói thầu. Trong 3 năm tiếp theo 2019, 2020, 2021…, dữ liệu không ghi nhận doanh nghiệp này tham gia đấu thầu. Đến năm 2022, doanh nghiệp này cũng chỉ tham gia duy nhất một gói thầu nhưng bị đánh trượt. Năm 2023, tiếp tục ghi nhận việc doanh nghiệp này không tham gia đấu thầu.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Tập đoàn Đồng Lương tham gia 4 gói thầu, kết quả là chỉ trúng 1 gói, trượt 2 gói và 1 gói chưa có kết quả. Gói thầu trúng duy nhất trong năm 2024 là Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình và bảo hiểm công trình do Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng số 1 Thừa Thiên - Huế. Gói thầu có giá 4,245 tỷ đồng, chủ đầu tư là Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên - Huế.
Dù được đấu thầu công khai rộng rãi qua mạng, sau khi mở thầu chỉ có một nhà thầu tham gia là liên danh Tập đoàn Đồng Lương và Công ty TNHH Phòng cháy và Xây dựng Bắc Trung Nam.
Giá trúng thầu sau phê duyệt là 4,217 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 28 triệu đồng (tương đương 0,65%). Mặc dù tham gia ít, nhưng theo dữ liệu đấu thầu cho thấy, 80% các gói thầu mà Tập đoàn Đồng Lương có tỷ lệ tiết kiệm chỉ từ 0 - 1%.
Cũng tại tỉnh Lâm Đồng, đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Đồng Lương cũng bị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Cát Tiên đánh trượt Gói thầu số 6: Thi công xây dựng thuộc dự án Khắc phục hậu quả thiên tai đường tránh ngập hồ Đạ Sị, xã Tiên Hoàng; đường vào bản Brun, xã Gia Viễn và khắc phục hư hỏng công trình thủy lợi.
Nguyên nhân là do E-HSDT của Tập đoàn Đồng Lương không đáp ứng được tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật theo yêu cầu của E-HSMT. Trong đó, đơn vị tư vấn gói thầu cũng phát hiện nhiều “bất thường” trong E-HSDT của Tập đoàn Đồng Lương. Cụ thể, trong hợp đồng nguyên tắc thuê thiết bị (cần trục) giữa nhà thầu và Công ty TNHH Vận tải Tuyên Dũng không hề có dấu giáp lai của đơn vị cho thuê. Trong hợp đồng nguyên tắc thuê máy cắt uốn thép, người ký hợp đồng cho thuê là ông Lê Minh Sơn, chức vụ Phó Giám đốc ký. Đơn vị tư vấn nhận định, ông Lê Minh Sơn không phải là người đại diện pháp luật hoặc được ủy quyền theo quy định nên hợp đồng nguyên tắc Tập đoàn Đồng Lương cung cấp không đáp ứng yêu cầu.
Dữ liệu đấu thầu cho thấy, Gói thầu lớn nhất nhà thầu này từng tham gia và trúng thầu là tại Công ty Cổ phần đồng Tả Phời - Vinacomin, trị giá 1.366 tỷ đồng. Cụ thể là Gói thầu số 04: Thi công khoan, nổ mìn, bốc xúc, vận chuyển, san gạt đất đá, quặng - 03 năm khai thác (2018-2020). Đây là gói thầu giá trị lớn và được đấu thầu trực tiếp.