Công ty Tiến Sơn bị cấm thầu “kịch khung” vì gian lận hồ sơ
Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Tiến Sơn (Công ty Tiến Sơn) vừa bị UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) cấm thầu ở mức “kịch khung” - 5 năm, vì có hành vi gian lận hồ sơ đấu thầu.
Cấm thầu “kịch khung”
Ngày 10/10 vừa qua, ông Nguyễn Đăng Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định (Thanh Hóa) đã ký Quyết định số 4305/QĐ-UBND về việc cấm tham gia đấu thầu với Công ty Tiến Sơn. Theo đó, cấm Công ty Tiến Sơn (có địa chỉ tại trụ sở Đội 1, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) tham gia hoạt động đấu thầu trong vòng 5 năm đối với lĩnh vực thi công, xây lắp sử dụng vốn Nhà nước trên toàn địa bàn huyện Yên Định.
UBND huyện Yên Định cho biết, nguyên nhân là do Công ty Tiến Sơn đã trình bày sai một cách cố ý trong hồ sơ dự thầu (E-HSDT), nhằm chiếm ưu thế về mặt điểm đánh giá kỹ thuật trong Gói thầu số 03. Hành vi này vi phạm điểm a, khoản 4, Điều 16 Luật Đấu thầu 2023.
Theo Luật Đấu thầu 2023, đối với hành vi vi phạm này, nhà thầu sẽ bị xem xét cấm thầu trong khoảng thời gian 3 - 5 năm.
Theo tìm hiểu, gói thầu số 03 thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp trường Tiểu học Định Tiến, huyện Yên Định. Gói thầu có giá hơn 8,6 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Yên Định làm bên mời thầu (BMT), đồng thời làm chủ đầu tư. Ngày thông báo mời thầu là 30/7/2024, đóng mở thầu vào ngày 8/8/2024. Ngoài Công ty Tiến Sơn, có thêm 4 nhà thầu khác cùng tham gia.
Trong E-HSDT, Công ty Tiến Sơn kê khai ông Lê Mạnh Tôn, Chỉ huy trưởng công trình Nhà ăn tập thể - y tế và trang thiết bị phục vụ kèm theo của trường Trung cấp nghề Miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, qua xác minh, thì ông Lê Mạnh Tôn không trực tiếp chỉ huy công trình này. Đơn vị tư vấn đánh giá, ông Lê Mạnh Tôn không đáp ứng E-HSMT.
Trong quá trình đánh giá, BMT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu nhà thầu là Công ty Tiến Sơn làm rõ các thông tin liên quan E-HSDT. Tuy nhiên, đến trước thời gian quy định trên hệ thống, Công ty Tiến Sơn không cung cấp được tài liệu làm rõ E-HSDT chứng minh năng lực của nhà thầu. Do đó, nhà thầu này đã bị tổ tư vấn đánh trượt do không đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm, đồng thời kiến nghị xử lý vi phạm theo đúng quy định của Luật Đấu thầu 2023.
Theo tìm hiểu, Công ty Tiến Sơn được thành lập từ năm 2009, do ông Phạm Thế Tiến làm người đại diện pháp luật, chức vụ: Giám đốc. Doanh nghiệp này được phê duyệt tham gia hệ thống đấu thầu quốc gia từ năm 2016.
Hàng loạt gói thầu siêu tiết kiệm
Dữ liệu đấu thầu cho thấy, Công ty Tiến Sơn từng tham gia 45 gói thầu, trong đó trúng 33 gói, trượt 5 gói, 6 chưa có kết quả, 1 gói đã bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 163 tỷ đồng. Trong đó, giá trị trúng thầu trong vai trò độc lập khoảng 101 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này chủ yếu tham gia các gói thầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Cụ thể, Công ty Tiến Sơn từng đấu và trúng 5/5 gói thầu, tổng trị giá 24,5 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quan Hóa mời thầu.
Một BMT “ruột” khác của Công ty Tiến Sơn là Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hòa Bình JSC. Dữ liệu cho thấy, Công ty Tiến Sơn toàn thắng 5/5 gói thầu tổng trị giá 18,5 tỷ đồng do Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Hòa Bình JSC mời thầu.
Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy, nhà thầu này cũng từng trúng 4/4 gói thầu, tổng trị giá 11,2 tỷ đồng. Hay như tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bá Thước, Công ty Tiến Sơn cũng “ẵm” về 2 gói thầu xây dựng, tổng trị giá 35,5 tỷ đồng.
Gói thầu gần đây nhất mà Công ty Tiến Sơn được công bố trúng thầu là Gói thầu số 03: Thi công xây dựng công trình và bảo hiểm công trình; thuộc dự án: Sửa chữa, cải tạo trường Mầm non xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cẩm Thủy làm BMT và là chủ đầu tư. Gói thầu có giá 4,478 tỷ đồng, thì Công ty Tiến Sơn dự thầu và trúng thấu với giá 4,472 tỷ đồng. Do không có đối thủ cạnh tranh, gói thầu kể trên về tay Công ty Tiến Sơn dễ dàng, trong khi tỷ lệ tiết kiệm chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng (tương đương 0,13%).
Sàng lọc trên dữ liệu đấu thầu cho thấy, rất nhiều gói thầu mà Công ty Tiến Sơn tham gia và trúng, phải vô cùng hiếm hoi mới có 1 vài gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách Nhà nước lớn hơn 1%. Điều này không khiến dư luận hoài nghi về năng lực tổ chức đầu thầu của các Ban Quản lý dự án trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, gây bất lợi cho ngân sách Nhà nước.
Như vậy, với quyết định cấm thầu “kịch khung” mà UBND huyện Yên Định ban hành, đây như một đòn cảnh cáo với những nhà thầu có ý định gian dối. Đồng thời, cũng là hồi chuông cảnh báo tới các BMT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.