Festival Nông sản Việt Nam năm 2023: Giải pháp nâng tầm giá trị hàng nông sản Việt Nam
Nông sản Việt Nam cần hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh". Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống HTX, liên kết giữa các công ty.
Tại hội thảo khoa học “Nâng tầm giá trị nông sản Việt” được UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, PGS.TS. Võ Thành Danh - Trường Kinh tế, Đại học Cần Thơ chia sẻ, bối cảnh nông nghiệp ĐBSCL hầu hết đều có lợi thế so sánh dựa trên tài nguyên nông nghiệp với nhiều ngành hàng như lúa, thuỷ sản, cây ăn trái, cây công nghiệp...
Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, chưa chuyên môn hoá cao, sản xuất còn manh mún, chưa có nền nông nghiệp hàng hoá và chịu tác động của biến đổi khí hậu, cũng như khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để nâng cao giá trị nông sản ĐBSCL, PGS.TS. Võ Thành Danh cho rằng, cần hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh". Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống HTX, liên kết giữa các công ty.
Đồng thời, cần có chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển sang mô hình Kinh tế nông nghiệp (Kinh doanh nông nghiệp); xây dựng các tập đoàn, tổng công ty mạnh về khoa học công nghệ; xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỉnh có vị trí địa lý nằm ở trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với tổng diện tích tự nhiên là 1.525 km². Trong đó, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là 119.878 ha, chiếm 78,57% diện tích tự nhiên. Tỉnh Vĩnh Long có khí hậu ôn hòa, đất đai phì nhiêu và gần như toàn bộ được khép kín bởi các công trình thủy lợi, thích hợp cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong canh tác cây lúa, cây ăn trái, rau màu, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp thấp, dân số lại khá đông nên nông dân sản xuất trong điều kiện nhỏ lẻ, manh mún; từ đó, khó hình thành các chuỗi liên kết để tiêu thụ.
Vì vậy, việc thành lập các Hợp tác xã (HTX) không những là nhiệm vụ cấp thiết trong nâng cao giá trị nông sản mà còn là giải pháp để thực hiện các chuỗi liên kết thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đến cuối năm ngoái, tỉnh Vĩnh Long có 114 HTX nông nghiệp - thủy sản (trong đó có 8 HTX lĩnh vực thủy sản với diện tích 90 ha ao nuôi và 243 lồng bè).
Dưới góc độ doanh nghiệp, đại diện Vina T&T Group cho biết, Vina T&T Group là đơn vị xuất khẩu các loại trái cây tươi như: Xoài, nhãn, chôm chôm, dừa, vải, thanh long, sầu riêng, bưởi… sang thị trường khó tính (đứng đầu Việt Nam về xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Hoa Kỳ). Theo đại diện Vina T&T Group, định vị mục tiêu phát triển trong bối cảnh mới cần định hướng phát triển bền vững đã được Chính phủ lồng ghép xuyên suốt trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh việc huy động hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tham gia chuỗi giá trị "Nâng tầm giá trị Nông sản Việt", Vina T&T Group đề nghị cần tập trung tìm kiếm các giải pháp, nhằm giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp nhỏ và vừa về năng lực kỹ thuật và tính bền vững của Hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia về chất lượng được nâng cao; năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và các quy định kỹ thuật của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thói quen đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, Vina T&T Group cho rằng, nông nghiệp cần những chính sách mới hỗ trợ việc chuyển đổi để có thể chống chịu tốt hơn với các khó khăn, vượt qua các khủng hoảng nhanh hơn như: chính sách tập trung ruộng đất, chính sách hỗ trợ các nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp, chính sách bình ổn giá các vật tư đầu vào và sản phẩm đầu ra trong nông nghiệp, chính sách đào tạo nâng cao nhận thức cho lực lượng sản xuất và chính sách về sử dụng nước trong lưu vực.
Cũng trong buổi hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý trong khu vực. Hội thảo cũng là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản; làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp.
Tiến Hoàng