Đề xuất cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia dự trữ xăng dầu
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong dự trữ quốc gia xăng dầu, trong bối cảnh chưa đủ tiềm lực xây kho dự trữ, Bộ Công Thương đề xuất cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động dự trữ xăng dầu.
Hiện nay chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng của Nhà nước, toàn bộ xăng dầu dự trữ quốc gia giao Bộ Công thương quản lý, Bộ đang ký hợp đồng thuê kho của doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để bảo quản.
Tại báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương liên quan đến công tác xây dựng kho dự trữ xăng dầu cho thấy, đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, thực hiện các giải pháp nhằm tách bạch giữa hàng dự trữ quốc gia và hàng dự trữ lưu thông của doanh nghiệp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho dự trữ xăng dầu, cũng như giúp việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng được thuận lợi.
Thực tế này được Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu tại báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 trong lĩnh vực công thương.
Từ tháng 8/2023 đến nay, Bộ Công Thương cũng đã gửi 5 văn bản trình Thủ tướng Chính phủ để báo cáo, xin chỉ đạo về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.
Tại các văn bản nêu trên, Bộ Công Thương đã đề xuất các giải pháp trong ngắn hạn để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác dự trữ quốc gia xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công thương đề xuất thống nhất chủ trương cho phép Bộ tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp đang bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia như đã thực hiện trước đây; hàng dự trữ quốc gia được bảo quản chung với hàng kinh doanh cho đến khi có kho dự trữ quốc gia xăng dầu riêng hoặc đủ điều kiện để lựa chọn doanh nghiệp thuê bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật.
Đối với việc thực hiện xuất, nhập, luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia trong thời gian tới, Bộ cũng đề xuất giao cho Bộ Công Thương rà soát, đánh giá về công tác nhập, xuất, luân phiên, đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia theo các quy định hiện hành trong những năm qua, trên cơ sở đó đề xuất phương thức thực hiện nhập, xuất, luân phiên, đổi hàng đối với mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, bảo đảm khả thi, phù hợp với đặc thù của mặt hàng xăng dầu, báo cáo Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến việc ban hành Quy chuẩn dự trữ quốc gia xăng dầu để có đủ cơ sở thực hiện việc bảo quản riêng xăng dầu dự trữ quốc gia.
Trong dài hạn, Bộ Công thương nêu giải pháp mở rộng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu đưa hệ thống cơ sở vật chất đã được đầu tư theo quy hoạch đủ điều kiện được thuê bảo quản dự trữ quốc gia xăng dầu riêng theo luật Dự trữ quốc gia cùng tham gia nhận hợp đồng thuê bảo quản dự trữ quốc gia xăng dầu riêng. Việc này nhằm kịp thời đáp ứng mục tiêu nâng công suất sức chứa trong thời gian chờ hoàn thành các dự án dự trữ quốc gia dầu thô và sản phẩm xăng dầu giai đoạn 2024 - 2030 theo danh mục trong Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 25/4, Chính phủ đã chính thức phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mức dự trữ xăng dầu thành phẩm nâng từ 440.000 lên 800.000 - 900.000 m3 (tương đương khả năng dự trữ từ 7 ngày nâng lên gấp đôi là 15 ngày).
Theo kế hoạch, không chỉ dự trữ xăng dầu thành phẩm mà còn dự trữ cả dầu thô, đây là nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc dầu trong nước, công suất dầu thô sẽ bảo đảm được 15 - 20 ngày nhập ròng.
Dự trữ chiến lược, dự trữ quốc gia đối với xăng dầu ngày càng quan trọng, nhất là trong bối cảnh giá thế giới biến động liên tục. Khi dự trữ xăng dầu được đầu tư đủ lớn sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề, trước hết là đảm bảo cung ứng xăng dầu kịp thời và nhanh chóng; duy trì nguồn cung xăng dầu cho các đầu mối tiêu thụ; chủ động và bình ổn giá trong nước khi thị trường dầu mỏ thế giới biến động.
H.A