0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 09/09/2024 14:12 (GMT+7)

Đa dạng hóa nguồn thu, công ty chứng khoán cởi mở hơn với trái phiếu

Theo dõi KT&TD trên

Trong bối cảnh mảng cho vay margin đã qua giai đoạn bùng nổ, các công ty chứng khoán (CTCK) phải tìm cách đa dạng hóa nguồn thu và một trong những hướng đi là trở lại kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thống kê từ hãng dữ liệu FiinGroup, lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán trong quý II/2024 chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với quý liền trước, lợi nhuận thậm chí còn giảm 6,2%. Trước đó, trong quý I/2024, lợi nhuận sau thuế của các công ty chứng khoán tăng tới 124,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 35,5% so với quý liền trước.

Sự chững lại về lợi nhuận của các công ty chứng khoán cho thấy đang có sự bế tắc nhất định trong việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng mang tính bứt phá.

Đa dạng hóa nguồn thu, công ty chứng khoán cởi mở hơn với trái phiếu

Cho vay margin về trạng thái “bình thường mới”

Những năm gần đây, cho vay margin trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho các công ty chứng khoán, tuy nhiên mảng kinh doanh này đang ở trong trạng thái “bình thường mới” sau thời gian nở rộ. Thống kê của Đầu tư Tài chính từ báo cáo tài chính của 21 công ty chứng khoán cho thấy, tỷ trọng doanh thu từ cho vay margin trong tổng doanh thu hoạt động (thể hiện mức độ phụ thuộc của công ty chứng khoán vào nguồn thu từ cho vay margin) đa số dao động trong khoảng 20 - 60% tính đến cuối quý II/2024. Đáng chú ý là nếu so với quý liền trước, 10 công ty chứng khoán ghi nhận tỷ trọng này tăng và 11 công ty chứng khoán ghi nhận tỷ trọng này giảm, hàm ý rằng nguồn thu từ cho vay margin đã khá ổn định trong tổng nguồn thu của ngành chứng khoán.

Trên thực tế, nguồn thu từ cho vay margin đã dần ổn định từ nhiều quý gần đây. Thống kê cho thấy tỷ trọng doanh thu từ cho vay margin trong tổng doanh thu hoạt động của các công ty chứng khoán tính đến cuối quý II/2024 về cơ bản chỉ nhỉnh hơn một chút so với trung bình trong 6 quý gần đây. Cụ thể, trong số 21 công ty chứng khoán trong diện thống kê, có 13 công ty chứng khoán ghi nhận tỷ trọng quý II/2024 tăng so với trung bình 6 quý, nhưng mức tăng chủ yếu chỉ khoảng 1-2 điểm %, trong khi có 8 công ty chứng khoán ghi nhận tỷ trọng suy giảm với mức giảm đa số khoảng 2-3 điểm %.

Thêm vào đó, việc các công ty chứng khoán “dư nguồn” cho vay margin cũng cho thấy mảng kinh doanh này đã qua giai đoạn bùng nổ và lượng margin hiện tại đã đáp ứng nhu cầu thường xuyên của thị trường. Theo quy định hiện hành, các công ty chứng khoán được phép đẩy dư nợ margin tối đa bằng 200% vốn chủ sở hữu, tuy nhiên đến cuối quý II/2024, tỷ lệ dư nợ margin trên vốn chủ sở hữu cao nhất cũng chỉ ở mức 184%, thuộc về Công ty Chứng khoán MB (MBS).

Đặc biệt, các công ty chứng khoán có quy mô lợi nhuận hàng đầu trong các quý gần đây đa phần ghi nhận tỷ lệ dư nợ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu chưa tới 100%, chẳng hạn như Công ty Chứng khoán Vietcap (VCI) ở mức 90%, Công ty Chứng khoán SSI (SSI) ở mức 82%, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VND) ở mức 65%, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) ở mức 55%, Công ty Chứng khoán VIX (VIX) ở mức 45%, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) ở mức 33%. Với Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Công ty Chứng khoán VPS (VPS), tỷ lệ này cũng chỉ lần lượt ở mức 100% và 118%.

Ngoài ra, sự gia tăng cạnh tranh lãi suất cho vay margin giữa các công ty chứng khoán cũng như xu hướng miễn phí giao dịch để lôi kéo khách hàng đều là những tín hiệu cho thấy cường độ cạnh tranh trong mảng kinh doanh này ngày càng lớn.

Trở lại kênh trái phiếu doanh nghiệp

Trong bối cảnh trên, các công ty chứng khoán phải tìm cách đa dạng hóa nguồn thu và một trong số các cách là trở lại kênh trái phiếu doanh nghiệp khi đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng trên thị trường này đã qua đi.

Xu hướng này rõ thấy nhất ở một số công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng. Như tại VPBankS, tính tới cuối quý II/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà công ty chứng khoán này nắm giữ là hơn 10.300 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Tại TCBS, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lên đến hơn 16.800 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Còn ở MBS, lượng trái phiếu nắm giữ là hơn 2.700 tỷ đồng, tăng gần 1.200 tỷ đồng sau nửa năm.

Đa dạng hóa nguồn thu, công ty chứng khoán cởi mở hơn với trái phiếu

Không chỉ vậy, nhiều công ty chứng khoán dù không trực thuộc ngân hàng cũng ghi nhận giá trị trái phiếu tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay. Chẳng hạn như SSI, tổng giá trị trái phiếu tính đến hết quý II/2024 đạt hơn 14.700 tỷ đồng, tăng gần 2.300 tỷ đồng.

Tại Công ty Chứng khoán VNDIRECT, mặc dù dính phải lùm xùm liên quan đến trái phiếu của nhóm công ty Trung Nam và ngay trong quý vừa qua đã phải trích lập dự phòng liên quan đến các trái phiếu này, nhưng nửa đầu năm nay, giá trị trái phiếu mà công ty chứng khoán này nắm giữ vẫn tăng lên đáng kể. Cụ thể, lượng trái phiếu cuối quý II/2024 của VNDIRECT ở mức 10.776 tỷ đồng, tăng hơn 2.500 tỷ đồng.

Hoặc tại Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), tổng giá trị trái phiếu cuối quý vừa qua ở mức 4.200 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Tất nhiên, có một lượng đáng kể trái phiếu tăng thêm là trái phiếu ngân hàng vốn là trái phiếu gần như không có rủi ro (nhưng đi kèm là tỷ suất sinh lời thấp), nhưng không thể phủ nhận xu hướng ngân hàng tìm đến kênh trái phiếu nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Điều này không chỉ thể hiện qua sự gia tăng lượng nắm giữ trái phiếu mà còn thể hiện qua lượng giao dịch trái phiếu của công ty chứng khoán và của nhà đầu tư trong nửa đầu năm nay. Nên nhớ, ngoài việc nắm giữ trái phiếu để hưởng lãi suất thì các công ty chứng khoán cũng thực hiện môi giới trái phiếu và “ăn phí” từ doanh nghiệp phát hành trái phiếu và nhà đầu tư.

Cụ thể, lượng giao dịch trái phiếu của SSI trong 6 tháng đầu năm nay tăng 66% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lượng giao dịch trái phiếu của nhà đầu tư thông qua công ty chứng khoán này tăng gấp… gần 16 lần. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà là xu hướng chung. Tại VPBankS, mức tăng lần lượt là 72% và 6 lần. Tại TCBS, lần lượt tăng 7% và gần 3 lần.

Tại VND, khối lượng giao dịch trái phiếu của công ty chứng khoán này trong nửa đầu năm tăng gấp gần 5 lần trong khi khối lượng giao dịch trái phiếu của nhà đầu tư tăng gấp gần 15 lần. Đối với MBS, mức tăng còn khủng khiếp hơn, lần lượt đạt 16 lần và 56 lần.

Việc công ty chứng khoán “cởi mở” hơn với kênh trái phiếu cũng phù hợp với xu hướng chung. Theo thống kê của MBS, lũy kế từ đầu năm đến khoảng giữa tháng 7/2024, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng khoảng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù đây là tín hiệu tích cực nhưng cần lưu ý rằng, sóng gió với thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa qua. Trong tháng 7/2024, thị trường đã ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp công bố chậm thanh toán gốc khiến cho tổng số chậm trả lên tới 116 doanh nghiệp. Hiện tại, theo MBS, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước tính vào khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.

“Chúng tôi ước tính có khoảng hơn 95.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm 2024, trong đó chủ yếu đến từ nhóm ngành bất động sản với giá trị trái phiếu đáo hạn lên đến hơn 61.900 tỷ đồng, chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn. Tiếp theo là ngành ngân hàng với tổng giá trị ước tính khoảng 14.280 tỷ đồng, chiếm 15% giá trị đáo hạn”, phía MBS thông tin thêm.

Thanh Long

Bạn đang đọc bài viết Đa dạng hóa nguồn thu, công ty chứng khoán cởi mở hơn với trái phiếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Cộng Cà phê: Hành trình từ quán nhỏ đến thương hiệu Quốc tế
Hành trình của Cộng Cà Phê từ một quán nhỏ đến một thương hiệu toàn cầu là một câu chuyện đầy cảm hứng. Với sự khác biệt, sáng tạo và kiên trì, Cộng Cà Phê đã chứng minh rằng ngay cả với vốn điều lệ nhỏ, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có thể đạt được những thành công lớn

Tin mới

Những kịch bản về đường đi của cơn bão mới
Đến 1h ngày 18/9, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, trên khu vực Bắc Biển Đông. Tất cả các mô hình dự báo hiện tại của Việt Nam và Quốc tế đều thống nhất cường độ của cơn bão mới này sẽ không mạnh như siêu bão YAGI.
Tiêu hủy 3.600 chiếc bánh bông lan sầu riêng không rõ nguồn gốc xuất xứ
Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Đức Thủy có địa chỉ tại thôn Lệ Xá, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Nhiều doanh nghiệp chung tay hỗ trợ cộng đồng sau cơn bão lịch sử Yagi tại Bản Mù
Thời gian qua, cả nước hướng về vùng lũ miền Bắc, chung tay khắc phục thiệt hại hậu quả cơn bão số 3 Yagi gây ra, sẻ chia những mất mát, khó khăn của đồng bào, góp sức giúp nhân dân các địa phương vùng bị ảnh hưởng nhằm sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới
Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ GTVT triển khai ngay nghiên cứu, khảo sát, hoàn thiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng cầu Phong Châu mới trên Quốc lộ 32C, bảo đảm kiên cố, an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ; báo cáo cấp có thẩm quyền.
Đầu tư công cho cao tốc Quy Nhơn - Pleiku: Giải pháp tài chính bền vững?
Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang trở thành tâm điểm chú ý với đề xuất chuyển từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Quyết định này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về tính bền vững tài chính và hiệu quả của phương án đầu tư công trong việc triển khai các dự án giao thông