Cơn sốt “túi mù” lan sang ngành F&B: Trào lưu kích thích trí tò mò và tăng doanh số
Thời gian gần đây, “túi mù” (hay còn gọi là hộp mù, blind box... ) đã trở thành một hiện tượng gây sốt trên mạng xã hội và dần lan rộng sang ngành F&B (Thực phẩm và đồ uống). Điểm đặc biệt của mô hình này nằm ở sự bất ngờ – người mua không biết chính xác mình sẽ nhận được gì cho đến khi mở gói.
Chính yếu tố này đã tạo nên cảm giác hồi hộp, phấn khích, khiến người tiêu dùng không thể cưỡng lại việc khám phá.
Từ bán lẻ đến F&B: Sự “đổ bộ” của túi mù

Ban đầu, “túi mù” chủ yếu xuất hiện trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng giờ đây, nó đã thâm nhập mạnh mẽ vào ngành F&B. Các nhà hàng, quán cà phê, và thương hiệu trà sữa bắt đầu áp dụng mô hình này như một chiến lược marketing độc đáo nhằm thu hút khách hàng.
Một trong những cái tên tiên phong cho xu hướng này là Chagee Milk Tea, thương hiệu trà sữa đến từ Trung Quốc. Chagee đã tạo ra một hộp mù ngay trên thân cốc trà sữa, khách hàng không chỉ thưởng thức đồ uống thơm ngon mà còn có cơ hội mở hộp để nhận những món quà ngẫu nhiên đầy bất ngờ. Mỗi lần mở hộp là một trải nghiệm thú vị, khiến khách hàng càng thêm gắn bó với thương hiệu.
Các thương hiệu tại thị trường Việt Nam như Gong Cha, The Alley, Cheese Coffee, Phê La và Katinat đã thành công khi áp dụng chiến lược tặng kèm “túi mù”.
Gong Cha và The Alley đã áp dụng hình thức xé túi mù bằng cách tặng kèm một món quà bất ngờ khi khách hàng mua combo. Cheese Coffee cũng từng triển khai chiến dịch "Túi mù phiên bản giới hạn". Khách hàng có thể mua một túi ngẫu nhiên chứa một trong 3 loại cốc sưu tập của thương hiệu. Chuỗi Katinat cũng vừa triển khai chương trình túi mù tặng quà đi kèm đồ uống, khiến khách hàng quay lại nhiều lần để thử vận may và thu thập đủ bộ sản phẩm. Trend “xé túi mù” này đã giúp các doanh nghiệp không cần giảm giá nhưng vẫn thúc đẩy doanh thu vô cùng hiệu quả.

Điều khiến “túi mù” trở thành cơn sốt không chỉ nằm ở giá trị vật chất của món đồ bên trong. Khách hàng sẵn sàng chi tiền để mua trải nghiệm cảm xúc – sự hồi hộp, tò mò, và niềm vui khi khám phá điều bất ngờ. Đó chính là giá trị vô hình mà “túi mù” mang lại, vượt xa so với một sản phẩm thông thường.
Bản chất con người luôn bị thu hút bởi những điều chưa biết, và “túi mù” đã khai thác triệt để tâm lý này. Không ai biết bên trong là gì, nhưng chính sự bí ẩn đó lại khiến họ muốn thử. Cảm giác hồi hộp khi mở “túi mù” tương tự như việc bóc quà vào dịp lễ Tết, tạo ra một niềm vui nhỏ bé nhưng đầy thú vị. Đối với khách hàng, mỗi lần mở túi giống như một trò chơi đầy cảm giác “thử vận may,” kích thích tinh thần phiêu lưu và tìm kiếm bất ngờ.
Cơ hội tăng doanh số

“Túi mù” không chỉ mang lại sự bất ngờ mà còn thúc đẩy khách hàng chi tiêu nhiều hơn. Sự tò mò khiến họ sẵn sàng bỏ tiền để khám phá, thậm chí mua thêm khi chưa nhận được sản phẩm mong muốn. Điều này giúp các quán ăn, nhà hàng, hoặc thương hiệu đồ uống tăng nhanh doanh số trong thời gian ngắn. Ngoài ra, đây còn là một cách thông minh để tiêu thụ các sản phẩm tồn kho hoặc thử nghiệm các món mới mà không tốn nhiều chi phí quảng bá.
Ví dụ, một quán cà phê có thể đóng gói các loại bánh ngọt hoặc đồ uống vào “túi mù” với giá ưu đãi. Khách hàng sẽ không biết mình sẽ nhận được loại bánh nào, nhưng chính sự bất ngờ này khiến họ hào hứng thử nghiệm. Điều này không chỉ giúp quán tiêu thụ nhanh các sản phẩm mà còn tạo ra một trải nghiệm mới lạ, thu hút khách quay lại.
Một trong những lợi thế lớn nhất của “túi mù” là khả năng lan tỏa trên mạng xã hội. Khách hàng thường chia sẻ trải nghiệm mở ““túi mù” của mình qua các bài đăng, hình ảnh hoặc video. Những nội dung này dễ dàng trở nên “viral,” thu hút sự chú ý và tò mò từ những khách hàng tiềm năng khác. Đây là một cách marketing hiệu quả, gần như không tốn chi phí mà lại mang đến hiệu quả truyền thông đáng kể.
Với sự thành công ban đầu, “túi mù” hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong ngành F&B, đặc biệt là thị trường Việt Nam. Các thương hiệu có thể tận dụng mô hình này để tạo ra những chiến dịch marketing sáng tạo, thu hút khách hàng và tăng doanh số. Đồng thời, “túi mù” cũng mở ra cơ hội để các nhà hàng, quán cà phê thử nghiệm các sản phẩm mới hoặc tiêu thụ hàng tồn kho một cách hiệu quả.
“Túi mù” không chỉ là một trào lưu nhất thời mà còn là một công cụ marketing đầy tiềm năng. Với khả năng kích thích trí tò mò, tạo ra trải nghiệm cảm xúc độc đáo, và lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, “túi mù” đang trở thành một xu hướng không thể bỏ qua trong ngành F&B tại Việt Nam.