0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 07/07/2025 14:52 (GMT+7)

Bỏ “room tín dụng” từ 2026: Bước ngoặt chính sách, kỳ vọng khai thông dòng vốn

Theo dõi KT&TD trên

Quyết định của Chính phủ về việc chấm dứt cơ chế “room tín dụng” từ năm 2026 đánh dấu một bước ngoặt lớn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Từ chỗ bị ràng buộc bởi hạn mức cấp phát tín dụng, hệ thống ngân hàng sẽ vận hành theo nguyên tắc thị trường, dựa trên năng lực thực tế, mức độ an toàn vốn và hiệu quả quản trị rủi ro. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo ưu tiên mạnh mẽ hơn cho tín dụng nhà ở xã hội, đặc biệt đối với người trẻ, nhóm đang bị “bỏ quên” trong nhiều chính sách hiện hành.

Từ “xin - cho” sang vận hành theo quy luật thị trường

Sau nhiều năm duy trì cơ chế cấp hạn ngạch tín dụng hay còn gọi là “room tín dụng”, Việt Nam chuẩn bị bước vào một giai đoạn cải cách mạnh mẽ. Theo chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ tháng 7, từ năm 2026, cơ chế “xin - cho” trong phân bổ tín dụng sẽ chính thức bị bãi bỏ. Thay vào đó, tín dụng sẽ được điều hành hoàn toàn theo quy luật thị trường, dựa trên năng lực thực tế của các tổ chức tín dụng và các công cụ điều hành hiện đại.

Ra đời như một giải pháp tình thế nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tăng trưởng nóng và biến động tài chính toàn cầu, room tín dụng từng là công cụ đắc lực của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, theo thời gian, công cụ này bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là trong những thời điểm nền kinh tế cần nguồn vốn để phục hồi mạnh mẽ sau khủng hoảng.

“Việc phân bổ tín dụng cần được thị trường hóa, minh bạch, dựa trên năng lực và hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản, đã từng phải ngưng triển khai kế hoạch kinh doanh hoặc thu hẹp quy mô đầu tư chỉ vì ngân hàng đối tác thông báo “hết room”. Tình trạng này khiến dòng vốn không chảy vào nơi cần nhất, tạo ra sự méo mó trong phân bổ nguồn lực và bóp nghẹt sức bật của nền kinh tế trong giai đoạn hồi phục.

Bỏ “room tín dụng” từ 2026: Bước ngoặt chính sách, kỳ vọng khai thông dòng vốn
Năm 2026 dự kiến sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc loại bỏ “room tín dụng” không chỉ đơn thuần là điều chỉnh kỹ thuật chính sách tiền tệ, mà là sự thay đổi căn bản về tư duy điều hành. Nó đặt dấu chấm hết cho tình trạng các ngân hàng phải “xin” hạn mức tín dụng hằng năm từ Ngân hàng Nhà nước, mở đường cho một cơ chế phân bổ vốn dựa vào: Hiệu quả hoạt động và xếp hạng tín nhiệm nội bộ của ngân hàng; khả năng quản trị rủi ro; tuân thủ các chỉ số an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu; năng lực thanh khoản và chất lượng tài sản.

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá: “Bỏ cơ chế xin - cho trong tín dụng là cần thiết nếu Việt Nam muốn hiện đại hóa hệ thống ngân hàng, đưa thị trường tài chính tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế”.

Việc xóa bỏ hạn mức tín dụng đồng nghĩa với tăng quyền chủ động cho các tổ chức tín dụng, từ đó tạo ra sự canh trạnh lành mạnh trong cung ứng vốn. Những ngân hàng có quản trị tốt, kiểm soát rủi ro hiệu quả sẽ có cơ hội mở rộng thị phần tín dụng, trong khi những đơn vị yếu kém sẽ buộc phải cải tổ để tồn tại.

Đối với doanh nghiệp và người dân, cải cách này giảm thiểu nguy cơ “bị chặn vốn” giữa chừng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường cần tăng lực cầu đầu tư, tiêu dùng để phục hồi.

Dù nhấn mạnh “điều hành theo cơ chế thị trường”, Chính phủ cũng khẳng định sẽ không buông lỏng kiểm soát. Việc bỏ room sẽ song hành với việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ hiện đại hơn, như: Lãi suất điều hành; tỷ lệ dự trữ bắt buộc; giám sát chỉ số an toàn hệ thống; các tiêu chuẩn Basel trong quản trị rủi ro ngân hàng.

“Không phải bỏ room là để tín dụng bung ra không kiểm soát. Ngược lại, Chính phủ đang hướng tới một hệ thống tài chính lành mạnh hơn, vận hành theo nguyên tắc thị trường nhưng vẫn bảo đảm an toàn hệ thống”, một chuyên gia tài chính nhận định.

Tín dụng nhà ở xã hội: Hướng đến người trẻ, thu nhập thấp

Song hành với cải cách điều hành tín dụng, Thủ tướng cũng yêu cầu thiết kế các gói vay đặc thù cho người trẻ và công nhân mua nhà ở xã hội, với điều kiện chưa từng có tiền lệ: Lãi suất dưới 4%/năm; thời hạn vay 20 - 25 năm; thủ tục đơn giản, linh hoạt; chấp nhận chứng minh thu nhập không chính thức (phù hợp với lao động tự do).

Đây là động thái nhằm sửa sai cho thực trạng hàng trăm nghìn người có nhu cầu nhưng không thể vay, do quy định quá chặt, lãi suất quá cao và thời gian vay quá ngắn.

Bỏ “room tín dụng” từ 2026: Bước ngoặt chính sách, kỳ vọng khai thông dòng vốn
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội,...

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc một doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM chia sẻ: “Chúng tôi có sẵn quỹ đất, sẵn thiết kế, nhưng khách hàng không vay được thì dự án không bán được. Nếu Chính phủ mở lối tín dụng dài hạn, ổn định, thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư”.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từng được kỳ vọng cứu thị trường bất động sản, nhưng sau hơn hai năm vẫn giải ngân chưa đến 5%. Lý do là lãi suất vẫn ở mức 8 - 9%, thời gian vay dưới 15 năm, không tạo ra động lực thực sự.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Bỏ room tín dụng và thiết kế dòng vốn ưu tiên cho nhà ở xã hội sẽ tạo tác động kép: Vừa kích cầu bất động sản, vừa đảm bảo an sinh. Đây là cách làm chính sách đúng hướng và có chiều sâu”.

Một trong những nguyên tắc được Chính phủ đặt ra khi chuyển sang điều hành tín dụng theo thị trường là ưu tiên dòng vốn cho lĩnh vực sản xuất, nhà ở xã hội, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực đầu cơ như đất đai, tài sản số không rõ giá trị thực.

Việc Chính phủ quyết định bỏ “room tín dụng” từ năm 2026 không chỉ là một điều chỉnh kỹ thuật trong chính sách tiền tệ. Đó là sự chuyển hướng tư duy từ can thiệp hành chính sang quản trị bằng luật chơi thị trường, một bước đi phù hợp trong lộ trình hội nhập kinh tế toàn cầu.

Cùng với đó, nếu tín dụng thực sự đến được với người trẻ, những người đang vật lộn mưu sinh, thuê nhà, tích cóp từng đồng để an cư thì chính sách này sẽ không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn mang lại giá trị xã hội sâu sắc.

Tuệ Lâm

Bạn đang đọc bài viết Bỏ “room tín dụng” từ 2026: Bước ngoặt chính sách, kỳ vọng khai thông dòng vốn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư
FDI vào Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Chính sách ưu đãi, cải cách đơn giản hoá thủ tục và mô hình “một cửa” được kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại trong thời gian tới.
Đầu tư thông minh: Biến rủi ro thành cơ hội
Trong thế giới đầu tư đầy biến động, khả năng nhận diện và chuyển hóa rủi ro thành cơ hội đã trở thành yếu tố phân biệt giữa các nhà đầu tư thành công và những người chỉ đơn thuần may mắn.
Dòng vốn FDI và cơ hội cho nhà đầu tư trong nước
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập sâu rộng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành một yếu tố quan trọng định hình cảnh quan đầu tư của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Tin mới

Chơi Poker có hợp pháp tại Việt Nam?
Thời gian gần đây, tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước xuất hiện ngày càng nhiều các câu lạc bộ Poker. Các đơn vị này thường xuyên tổ chức giải đấu theo hình thức bán vé tham dự, với mức phí dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng.
Hút vốn ngoại từ cải cách đầu tư
FDI vào Việt Nam nửa đầu năm đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ. Chính sách ưu đãi, cải cách đơn giản hoá thủ tục và mô hình “một cửa” được kỳ vọng tiếp tục hút vốn ngoại trong thời gian tới.