Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: “Tôi không ngại phải lắng nghe và trả lời những chất vấn gai góc”
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, ông luôn quan tâm đến các ý kiến góp ý của các đại biểu HĐND, người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt là các ý kiến phản biện về những vấn đề UBND tỉnh chưa làm được.
Năm 2022, tỉnh Sóc Trăng ghi dấu ấn rất đậm nét trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã có bước tăng đáng kể. Cụ thể, chỉ số PAPI năm 2022 của tỉnh Sóc Trăng xếp vị trí 24/63 tỉnh, thành phố, tăng 27 bậc so với năm 2021; trong khi đó, PCI năm 2022, Sóc Trăng xếp vị trí 34, tăng 20 bậc so với năm 2021.
Việc cải thiện môi trường đầu tư được xem là một trong số những mục tiêu hàng đầu của cả hệ thống chính trị Sóc Trăng. Để hiểu thêm về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi trao đổi với ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng.
Đồng lòng vượt qua khó khăn
Thưa ông, năm 2022 và nửa đầu năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Sóc Trăng đã có sự hồi phục đáng kể sau nhiều năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ông đánh giá như thế nào về những khó khăn, thách thức của tỉnh trong năm 2023 và những năm tới?
-Sau khi kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng phục hồi nhanh. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, kinh tế của tỉnh nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung từ tình hình kinh tế thế giới (chi phí đầu vào tăng, đơn hàng bị cắt giảm,…). Những khó khăn này tác động không nhỏ đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm trong việc hồi phục sản xuất kinh doanh. Tôi tin rằng, những khó khăn sẽ sớm được vượt qua nếu cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng.
-Doanh nghiệp được xem là một trong những nhân tố quan trọng của việc phát triển kinh tế, xã hội. Được biết, trong những năm qua, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn theo sát và có những hành động thiết thực để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cá nhân Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên tiếp xúc để lắng nghe, những chia sẻ ý kiến của các doanh nhân. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
-Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Một trong những giải pháp đó là thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, lắng nghe kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đối với kiến nghị của doanh nghiệp, vấn đề nào thuộc thẩm quyền địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết đến nơi đến chốn, không có chuyện “nghe xong rồi để đó”. Còn vấn đề nào thuộc thẩm quyền Trung ương, UBND tỉnh sẽ tập hợp, nghiên cứu và phản ánh về các cơ quan Trung ương.
Còn riêng cá nhân tôi, tôi muốn trực tiếp làm việc, tiếp xúc với các doanh nghiệp để lắng nghe những phản ánh, tâm tư nguyện vọng của họ. Đối với những phản ánh, ý kiến có thể xử lý được ngay, tôi sẵn sàng đưa ra phương án tháo gỡ. Còn đối với những vấn đề cần tham vấn từ các sở, ngành, địa phương, tôi sẽ giao việc và đốc thúc xử lý nhanh chóng.
-Mới đây, dư luận hết sức quan tâm đến buổi “Cà phê doanh nhân” do UBND tỉnh tổ chức. Ông có thể chia sẻ về ý tưởng này xuất phát từ đâu? Mục đích hướng đến của các buổi “Cà phê doanh nghiệp” là gì?
-Về việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, mỗi năm UBND tỉnh vẫn tổ chức gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp định kỳ ít nhất 2 lần. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do tình hình kinh tế gặp khó khăn, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, tiếp xúc hơn nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp. Buổi đối thoại này sẽ có sự góp mặt của các sở ngành, địa phương.
Và để tạo không khí thoải mái, thân thiện hơn, lắng nghe được nhiều ý kiến hơn, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức mô hình “cà phê, ăn sáng với doanh nghiệp” kể từ đầu tháng 5/2023. Buổi cà phê doanh nghiệp này được tổ chức tại nhà ăn của UBND tỉnh vào 6h sáng thứ Bảy tuần đầu tiên của tháng. Mặc dù cách làm này dù không mới nhưng được nhiều doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao và bước đầu phát huy hiệu quả.
Nỗ lực từng ngày để cải thiện môi trường đầu tư
-Trong năm 2022, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Sóc Trăng tăng 20 bậc so với năm 2021 (đứng thứ 34/63 tỉnh thành). Phải chăng, chỉ số PCI có sự tăng trưởng vượt bậc là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Sóc Trăng?
-Chỉ số PCI được đánh giá thông qua nhiều chỉ số thành phần. Tỉnh có Kế hoạch cụ thể để cải thiện từng chỉ số thành phần trong PCI. Đối với tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo về PCI giúp tỉnh tham chiếu để tìm ra và thực thi các giải pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư của địa phương. Theo tôi, kết quả cải thiện môi trường đầu tư nói chung và Chỉ số PCI nói riêng trong năm 2022 là nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng.
Và tôi cho rằng, việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Sóc Trăng chúng tôi phải nỗ lực từng ngày, từng tháng, từng năm. Chúng tôi sẽ nỗ lực để năm sau các chỉ số cao hơn năm trước.
-Theo ông, những động lực để phát triển kinh tế, xã hội của Sóc Trăng trong những năm tới là gì?
-Tỉnh xác định việc huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông trong những năm tới là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó các dự án lớn như Đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng, Cảng biển nước sâu Trần Đề, Cầu Đại Ngãi,… được kỳ vọng mang tính quyết định, là động lực lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sóc Trăng nói riêng và Vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
-Trong các buổi tiếp xúc với doanh nghiệp, cuộc họp với HĐND, Sở ngành, ông có “ngại lắng nghe” những câu hỏi, ý kiến chất vấn, phản biện từ các doanh nghiệp, các đại biểu HĐND về những vấn đề “nhạy cảm”, những việc mà UBND tỉnh và các sở ngành chưa làm được hoặc làm chưa tốt?
-Tôi luôn hoan nghênh và trân trọng tất cả những ý kiến đóng góp, hiến kế từ các doanh nghiệp, đại biểu HĐND và mọi người. Đặc biệt, tôi rất quan tâm các vấn đề mà hệ thống chính quyền làm chưa tốt, các vấn đề bức xúc xã hội để UBND tỉnh có thông tin và kịp thời có giải pháp tháo gỡ, khắc phục và làm tốt hơn trong thời gian tới. Nói thực, tôi không ngại nghe những ý kiến phản biện, không ngại phải lắng nghe và trả lời các vấn đề chất vấn gai góc…Tất cả vì mục tiêu phát triển chung.
Xin cảm ơn ông!
Tạp chí Kinh tế Môi trường luôn đồng hành với tỉnh Sóc Trăng
Tôi cho rằng, công tác truyền thông nói chung và vai trò của cơ quan báo chí nói riêng rất quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng. Đặc biệt là việc cung cấp kịp thời các thông tin, chủ trương, định hướng của tỉnh và tạo sự đồng thuận xã hội. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Tạp chí Kinh tế Môi trường. Tạp chí đã luôn đồng hành và có những bài viết đặc sắc về tỉnh Sóc Trăng như: “Sóc Trăng: Cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng phục hồi kinh tế”; “Sóc Trăng thực hiện hiệu quả việc khai thác, sử dụng khoáng sản góp phần giảm nghèo bền vững”; “Sóc Trăng: Phát triển kinh tế xã hội theo hướng tăng trưởng xanh”. Sự hợp tác truyền thông tích cực của các cơ quan báo chí góp phần quan trọng giúp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng thống nhất, đồng lòng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Văn Chương (Thực hiện)