Chỉ 1 liên danh vào vòng tài chính ở các gói thầu ACV làm chủ đầu tư, nhà thầu nào “nhẵn mặt”?
Thêm 1 gói thầu trọng điểm khác do ACV đứng ra mời thầu chỉ có một liên danh nhà thầu vượt qua vòng kỹ thuật để vào vòng trong gây ùm xùm dư luận. Đáng nói, trong các liên danh trúng các gói thầu lặp lại nhiều cái tên nhà thầu “quen mặt” của chủ đầu tư này.
Ngày 12/8/2024, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) có quyết định phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 4.7 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác của dự án thành phần 3 - Dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, liên danh do Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC đứng đầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu.
Liên tiếp 3 văn bản đã được các đơn vị trong liên danh dự thầu còn lại gửi đến chủ đầu tư kiến nghị về tư cách hợp lệ của nhà thầu nhưng chưa nhận được phản hồi thoả đáng. Ngày 15/8, Cục Quản lý đấu thầu có văn bản 1783/QLĐT-CS trả lời về tư cách hợp lệ của nhà thầu, khẳng định việc hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu “không trong trạng thái bị tạm ngừng, chấm dứt tham gia hệ thống” để đảm bảo tư cách hợp lệ như đối với đấu thầu qua mạng là không phù hợp.
Đại diện liên danh nhà thầu này phản ánh: “Bên mời thầu phớt lờ đề nghị của nhà thầu, ý kiến của Cục Quản lý đấu thầu và mở hồ sơ đề xuất tài chính khi chưa giải quyết thoả đáng kiến nghị của nhà thầu là vi phạm các quy định về đấu thầu, đồng thời có thể gây ra hậu quả làm thất thoát ngân sách Nhà nước khoảng 516 tỷ đồng”.
Đây không phải gói thầu lớn duy nhất gặp tình trạng này, thời gian gần đây, nhiều công trình, dự án trọng điểm do ACV đứng ra mời thầu cũng chỉ có một liên danh nhà thầu vượt qua vòng kỹ thuật để vào vòng trong.
Tại gói thầu 5.10 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, ACV đưa ra thông báo liên danh nhà thầu có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu trên là Vietur, trong đó đứng đầu liên danh này là Tập đoàn công nghiệp và xây dựng IC Letas của nước ngoài.
Liên quan việc này, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến với Chính phủ, cho rằng đây là dự án trọng điểm hiện đang được Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các đơn vị được giao để sớm đưa dự án vào khai thác, vận hành nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhân dân. Do vậy, việc tiến hành mời thầu, chấm thầu và công bố các kết quả chấm thầu cần được triển khai hết sức minh bạch, đúng pháp luật để lựa chọn được những nhà thầu có đủ chuyên môn và năng lực, đảm bảo cho công trình có chất lượng, tránh tham nhũng, lãng phí.
Đối với gói thầu này, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo ACV tiếp nhận, giải quyết kiến nghị của liên danh dự thầu theo quy định. Kiến nghị với cơ quan Trung ương, đại diện một trong các các liên danh tham dự gói thầu 5.10 đặt nghi vấn liên quan việc nhiều đơn vị trong liên danh Vietur trúng nhiều gói khác do ACV mời thầu.
Ở một diễn biến khác, theo thông báo của ACV vào ngày 3/8 về nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu 4.6 Thi công xây dựng công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay và các công trình khác của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chỉ có một liên danh nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu này. Trong thông báo danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật gói thầu số 12 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 của dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào ngày 24/7 vừa qua cũng chỉ có một nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật.
Trước đó, ở gói thầu số 3.4 Thi công xây dựng công trình san nền và thoát nước; khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công là gói thầu thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, liên danh Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng Công ty Xây dựng công trình hàng không ACC - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc - Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - Công ty Cổ phần Tư vấn Trường Sơn - Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã trúng thầu với giá trúng thầu là 4.411 tỷ đồng, giảm giá tiết kiệm ngân sách nhà nước 23 tỷ (tương đương 0,51%).
Gói thầu 4.6 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay, Liên danh trúng thầu là Tổng Công ty xây dựng công trình hàng không ACC - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn - Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) - Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty Cổ phần Xây dựng công trình hàng không Sáu Bốn Bảy đã trúng thầu với giá trúng thầu là 7.274 tỷ đồng, giảm giá tiết kiệm ngân sách nhà nước 34 tỷ (tương đương 0,46%).
Tại Gói thầu số 12 Thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị công trình mở rộng nhà ga T2 thuộc Dự án: Mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng chỉ có một liên danh vượt qua bước đánh giá về mặt kỹ thuật là Liên danh Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai trúng thầu với giá trúng thầu là 4.600 tỷ đồng, giảm giá tiết kiệm ngân sách nhà nước 14 tỷ (tương đương 0,3%).
Đây đều là các gói thầu do ACV là chủ đầu tư. Với tỷ lệ giảm giá tiết kiệm NSNN không đáng kể, chỉ dưới 1%.
Ngày 29/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 24/CT-TTg (Chỉ thị 24) nhằm đẩy mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành Luật Đấu thầu.
Chỉ thị 24 nêu rõ, chú trọng kiểm tra đối với những gói thầu có ít nhà thầu tham dự, giá trị tiết kiệm thấp; gói thầu quy mô lớn, phức tạp; các gói thầu đấu thầu không qua mạng; các gói thầu áp dụng chỉ định thầu hoặc các gói thầu có nhiều kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; một nhà thầu trúng thầu nhiều gói thầu tại một địa phương, một chủ đầu tư trong thời gian dài nhưng hiệu quả kinh tế thấp.