0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 13/03/2025 06:29 (GMT+7)

Cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần quan tâm hơn đến người khuyết tật

Theo dõi KT&TD trên

Việc cải tạo, chỉnh trang khu vực quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục sẽ mang đến lợi ích to lớn cho nhân dân, trong đó có cộng đồng người khuyết tật, những người yếu thế rất cần nhận được sự giúp đỡ để hòa nhập bình đẳng với xã hội.

Cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần quan tâm hơn đến người khuyết tật
UBND Thành phố Hà Nội tán thành chủ trương cải tạo, chỉnh trang khu vực Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục.

Người khuyết tật rất cần tham gia không gian công cộng

Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội đã tán thành chủ trương nghiên cứu quy hoạch, cải tạo khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm theo hướng tăng cường không gian công cộng, không gian mở để phục vụ nhân dân Thủ đô.

Cụ thể, Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu phương án ý tưởng, giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan khu vực Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục làm cơ sở nghiên cứu dự án đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết, khu vực Quảng trường; đồng thời tán thành với đề xuất phá bỏ tòa nhà Hàm cá mập, đề xuất xây dựng không gian ngầm tại khu vực quảng trường hiện có và không gian mở rộng.

Chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, trong đó có cộng đồng người khuyết tật, những người có nhu cầu rất lớn về việc tham gia các không gian công cộng.

Chị Nguyễn Thị Minh Châu, một người khuyết tật sản sụn đang sinh hoạt tại Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội chia sẻ: “Trước kia, nhà mình ở gần công viên Cầu Giấy nên thỉnh thoảng có ra chơi. Mình nhận thấy rằng, có rất ít người khuyết tật tham gia các hoạt động thể dục vì định kiến người khuyết tật nên ở trong nhà để an toàn. Nhưng thực tế là người khuyết tật rất cần tham gia các hoạt động giao lưu cộng đồng để giao tiếp, trò chuyện…”.

Cùng chung quan điểm, KTS Chu Kim Đức, Giám đốc và cũng là người đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về sân chơi trong phố) cho rằng: “Khi cùng vui chơi trong các không gian công cộng, trẻ khuyết tật và trẻ em bình thường hoàn toàn có thể giao lưu, kết nối với nhau. Điều này còn tốt hơn nhiều việc tham gia các khóa học cải thiện tâm lý”.

Cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần quan tâm hơn đến người khuyết tật
Chị Nguyễn Thị Minh Châu, một người khuyết tật sản sụn đang sinh hoạt tại Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội.

Như vậy, người khuyết tật rất cần được tham gia các không gian công cộng hòa nhập và Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục là một trong những không gian như vậy. Tuy nhiên, thực tế là không gian này chưa thực sự “thân thiện” với cộng động người khuyết tật. Do đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, UBND Thành phố Hà Nội nên tham vấn, lắng nghe ý kiến của người khuyết tật để có thể cải tại khu vực Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục trở thành một không gian công cộng, không gian mở dành cho tất cả mọi người.

Cần tham vấn ý kiến của người khuyết tật

Chị Yến Anh, một người khiếm thị, cán bộ dự án tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc cho rằng, việc thiết kế không gian để người khiếm thị tiếp cận khá đặc thù. Trước hết, người khiếm thị không thể nhìn được nên sẽ bị mất phương hướng khi di chuyển trong một không gian rộng, ngay cả khi có sự hỗ trợ của gậy chỉ đường. Vì vậy, người khiếm thị rất cần có một làn đường riêng có thiết kế gờ nổi (thuận tiện cho việc sử dụng gậy chỉ đường) và biển báo chữ nổi Braille xúc giác.

Ngoài ra, khi thiết kế không gian cho người khiếm thị cũng nên giảm bớt các bậc cầu thang, thay bằng đường dốc có độ nghiêng và độ bám hợp lý, thuận tiện cho cả người khiếm thị và người ngồi xe lăn. Bên cạnh đó, chị Yến Anh cũng đề xuất ý tưởng lắp đặt loa thông báo để giới thiệu về khu vực quảng trường, từ đó người khiếm thị sẽ nghe được và cảm nhận được không gian xung quanh.

Cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần quan tâm hơn đến người khuyết tật
Chị Yến Anh, một người khiếm thị, cán bộ dự án tại Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc.

Bà Phạm Thị Hiền, Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Hoàn Kiếm đánh giá, chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội là rất đúng đắn, việc cải tạo Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục là rất cần thiết.

“Chủ trương của UBND thành phố về việc phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” và cải tạo quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là một chuyện rất tuyệt vời, là mong muốn của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng. Trên thực tế, địa bàn quận Hoàn Kiếm khá chật chội nên không có nhiều khu vui chơi. Nếu có thể cải tạo Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục thành một không gian công cộng rộng rãi hơn thì sẽ mang đến lợi ích lớn cho người dân. Hơn nữa, việc cải tạo không gian công cộng cũng không chỉ vì người khuyết tật mà còn hướng đến phục vụ cho người cao tuổi, phụ nữ mang thai hay trẻ nhỏ. Tôi cho rằng, đây là một công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng nên trước khi tiến hành cải tạo, UBND thành phố nên tham khảo ý kiến của người dân nói chung và người khuyết tật nói riêng”, bà Phạm Thị Hiền chia sẻ thêm.

Trên thực tế, Luật Xây dựng và các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn do Bộ Xây dựng ban hành đều có quy định về xây dựng công trình đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Nhưng các quy định này chưa được áp dụng triệt để trên địa bàn thành phố Hà Nội và khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục là một ví dụ.

Theo bà Phạm Thị Hiền, khi cải tạo, chỉnh trang khu vực này, những người khiếm thính cần có những biển hướng dẫn; những người khuyết tật vận động cần được bố trí đường dành cho xe lăn với độ dốc phù hợp; người khiếm thị cần có làn đường gờ nổi và bảng chỉ dẫn bằng chữ nổi…

Đối với việc xây dựng không gian ngầm, bà Phạm Thị Hiền cho rằng người khuyết tật không thể đi được thang cuốn nên UBND Thành phố Hà Nội và đơn vị thiết kế cần nghiên cứu bố trí thang máy và làn đường dành cho người đi xe lăn.

Cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần quan tâm hơn đến người khuyết tật
Khi cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần chú ý thiết kế đường dành cho người đi xe lăn. (Ảnh minh họa)

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc sáng tạo của Think Playgrounds cho rằng, khi cải tạo quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục rất cần tham vấn ý kiến người khuyết tật để giúp đơn vị thiết kế có được cái nhìn khách quan hơn khi đặt mình vào vị trí của người khuyết tật.

Một vấn đề đáng lưu ý hiện nay là các vỉa hè tại Hà Nội được thiết kế chưa thân thiện với người đi xe lăn. Ông Nguyễn Tiêu Quốc Đạt đánh giá quận Hoàn Kiếm đã có nỗ lực để thiết kế đường lên vỉa hè cho người đi xe lăn. Tuy nhiên, chính quyền cũng phải có sự kiểm tra, giám sát để không xuất hiện tình trạng đỗ xe lấn chiếm khu vực dành cho người khuyết tật.

Các tòa nhà xung quanh khu vực Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục cũng nên nghiên cứu bổ sung những thiết kế để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng. Khi thiết kế không gian ngầm, ngoài thang cuốn, các đơn vị thiết kế nên bố trí cả thang máy vì nó không chỉ giúp người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn mà còn giúp đỡ nhiều cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, đồng thời có thể nghiên cứu thiết kế đường dốc dành cho xe lăn, kèm theo biển báo, bảng chỉ dẫn…

Bạn đang đọc bài viết Cải tạo quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục cần quan tâm hơn đến người khuyết tật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nông nghiệp số – lối ra mới cho kinh tế Nông thôn
Ngày nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, nông nghiệp không còn là ngoại lệ. Khái niệm Nông nghiệp số đang nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn, mở ra những con đường mới và mang lại sức sống cho kinh tế nông thôn Việt Nam.
Chính sách tài khóa: Trợ lực đắc lực cho nền kinh tế Việt Nam năm 2025
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai hàng loạt chính sách tài khóa linh hoạt và kịp thời, không chỉ hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp mà còn thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư công, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2025.

Tin mới

Nhà sáng lập Ecopark ra mắt Đảo Châu Âu - Biểu tượng Wellness Island đầu tiên tại Nghệ An
Đảo Châu Âu, Eco Central Park lựa chọn mặt nước làm ngôn ngữ thiết kế chủ đạo với những điểm đặc biệt: Mật độ xây dựng 14% - thấp nhất toàn dự án; mỗi m2 xây dựng tương ứng 2m2 mặt nước; mật độ cây xanh mặt nước, cây cổ thụ cao nhất dự án; 100% các căn biệt thự khép kín.
Thị trường chứng khoán chờ đợi bùng nổ về thanh khoản
Sau chuỗi tăng điểm mạnh, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn giằng co, thận trọng. Nhiều chuyên gia nhận định có thể sẽ xuất hiện vài phiên điều chỉnh kỹ thuật trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ mới và dòng tiền có dấu hiệu phân hóa.