Cải cách tiền lương công chức, viên chức phải tương xứng
Cử tri cho rằng chế độ tiền lương hiện nay chi trả công chức, viên chức, người lao động còn quá thấp so với nhu cầu xã hội.
Vì vậy, nhiều ngành không tuyển dụng mới được người lao động. Do đó, chế độ tiền lương cần phải được cải cách tương xứng ngang bằng với mức bình quân chung ở khu vực tư nhân, nhằm thu hút người tài vào cống hiến, làm việc cho Nhà nước.
Ngày 8/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị làm việc với các sở, ngành và doanh nghiệp trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Những vấn đề được cử tri tập trung kiến nghị tại hội nghị là tiền lương; kinh doanh vàng; đấu giá đất.
Đánh giá toàn diện để gỡ rối trong bán đấu giá tài sản nhà nước
Theo TTXVN, tại Hội nghị, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thúy đã báo cáo khái quát các nội dung quan trọng tập trung tại Kỳ họp sắp tới.
Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh Trịnh Ngọc Phương, việc bán đấu giá tài sản Nhà nước quản lý hiện nay còn nhiều khó khăn; nhất là bán đấu giá đất công có công trình xây dựng gắng liền với đất (có những công trình phục vụ công cộng có hàng rào, nền bê tông, khán đài… được xây dựng trước đó) được định giá rất cao.
Trong khi đó, người đấu giá không có nhu cầu sử dụng các công trình hiện hữu trên đất.
Việc này dẫn đến đấu giá đất không thành, do không có người tham gia đấu giá. Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh kiến nghị, cần có cơ chế phù hợp, đánh giá toàn diện để gỡ rối trong vấn đề bán đấu giá tài sản Nhà nước.
Chế độ tiền lương phải cải cách tương xứngCử tri Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho rằng, chế độ tiền lương hiện nay chi trả công chức, viên chức, người lao động còn quá thấp so với nhu cầu xã hội. Vì vậy, nhiều ngành không tuyển dụng mới được người lao động. Chế độ tiền lương cần phải được cải cách tương xứng ngang bằng với mức bình quân chung ở khu vực tư nhân, nhằm thu hút người tài vào cống hiến, làm việc cho Nhà nước.
Do đó, hệ thống pháp luật cần được hoàn chỉnh theo hướng từ ngữ đơn giản, nhất quán và thống nhất, tránh trường hợp mỗi nơi có cách hiểu khác nhau và cách làm khác nhau, dễ xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện; nhiều nơi sợ trách nhiệm không dám thực hiện, cụ thể như công tác đấu thầu vật tư y tế.
Tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh vàng
Cử tri Huỳnh Huy Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh cho biết, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Tây Ninh đã phản ánh đến Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh để tìm hướng tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh vàng, khi ngành Thuế yêu cầu chứng minh nguồn gốc vàng tồn kho để áp dụng chế độ kế toán và khai thuế.
Đa số các doanh nghiệp vàng vừa mới chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh cá thể sang hình thức doanh nghiệp theo quy định nên rất khó khăn trong việc xác định số lượng vàng tồn kho trước đó do hình thành từ nhiều nguồn khác nhau như: tài sản gia đình, mua từ người dân không có chứng từ… Vì vậy, các doanh nghiệp rất khó kê khai nguồn gốc hàng hóa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh kiến nghị, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần có quy định về lộ trình, khoảng thời gian hợp lý, khả thi, để doanh nghiệp kinh doanh vàng thực hiện các chế độ kế toán bắt buộc theo quy định nhằm giảm bớt vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp.
Trường hợp kiểm tra đột xuất cần bảo đảm minh bạch, đúng quy định; nhất là người kiểm tra phải được xác định là thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý để tránh việc làm tùy tiện, gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tấn Lợi, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Tây Ninh cho biết, lĩnh vực kinh doanh vàng đang được điều chỉnh. Hiện, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã chấp hành việc thực hiện các chế độ kế toán theo quy định, định kỳ đã có kê khai nộp thuế theo Luật Quản lý Thuế.
Tuy nhiên, việc ngành Thuế siết chặt trong việc kinh doanh vàng chủ yếu để triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Từ đó, quản lý đầu ra, doanh thu từ hoạt động kinh doanh vàng bạc chặt chẽ.
Bởi vì đây là mặt hàng đặc biệt, cần phải quản lý để ngăn chặn vàng lậu lưu thông trên thị trường.
Thời gian tới, việc siết chặt, quản lý trong hoạt động kinh doanh vàng, Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Đối với kiến nghị của đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vàng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Phạm Hùng Thái cho rằng, ngành Quản lý thuế và doanh nghiệp cần đồng hành tháo gỡ khó khăn chung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về trách nhiệm, quyền lợi trong việc áp dụng quản lý các hoạt động kinh doanh mua bán vàng.
Đối với các ý kiến, kiến nghị khác của cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp nhận, tổng hợp để gửi đến các bộ, ngành Trung ương, địa phương xử lý theo thẩm quyền.
Các kiến nghị liên quan đến các dự án luật, Đoàn sẽ tổng hợp gửi đến Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới./.