Các yếu tố gây trở ngại cho nông sản Việt vươn ra thế giới
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã từng thẳng thắn nhận định, 3 trở ngại lớn nhất đối với nông sản Việt Nam khi vươn ra thế giới là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển trong xu thế tiêu dùng.
Tại diễn đàn "Giới thiệu sản phẩm nông sản sạch cho kênh bán sỉ" mới đây, con số chỉ 20% nông sản Việt đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế được các chuyên gia đề cập lại một lần nữa đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý ngành nông nghiệp.
Theo bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, số liệu thống kê từ hiệp hội ngành hàng cho thấy nông sản Việt đủ điều kiện để vươn ra thị trường quốc tế mới đạt khoảng 20%.
Tuy nhiên, theo bà Hạnh, trước khi sản xuất xanh, cần đảm bảo thực phẩm sạch. Nông sản sạch trong nước phải đáp ứng đủ thị trường 100 triệu dân.
"Cần nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản Việt từ quê hương, đặc biệt vấn đề an toàn thực phẩm. Làm cách nào để khách du lịch tới TP.HCM có ấn tượng tốt không chỉ về ẩm thực mà còn cả chất lượng thực phẩm, nông sản ngay tại quê nhà", bà Hạnh nói.
Về vấn đề nông sản xuất khẩu, bà Hạnh cho rằng cần chú trọng hơn các chứng chỉ mềm như chỉ số carbon, bảo vệ môi trường, lực lượng lao động không có lao động trẻ em, tỉ lệ lao động phụ nữ… bên cạnh các chỉ số về sản lượng, chất lượng.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch Tập đoàn Vina T&T Group cho biết, năm 2017, lần đầu tiên Vina T&T Group đưa trái dừa Bến Tre vào thị trường Mỹ thì bị nhiều đối tác chê nhạt, không ngọt như dừa Thái Lan tại Mỹ. Trong khi đó, khi uống thử dừa Bến Tre thì ông Tùng thấy rất ngọt, rất thanh, công nghệ bảo quản lên đến 80 ngày. Với chất lượng như vậy thì dừa Bến Tre hoàn toàn có thể cạnh tranh được với dừa Thái Lan. Sau nhiều cách tiếp cận thị trường, đến nay tại thị trường Mỹ thị phần dừa Thái Lan và dừa Việt Nam tương đương nhau. Hiện nay, DN xuất 30-40 container dừa/tháng qua thị trường Mỹ.
"Sau này tìm hiểu tôi mới biết, trước đó nhiều DN Việt mang trái dừa đi chào hàng nhưng lại cạnh tranh bằng giá chứ không phải chào bán trái dừa ngon nhất của Việt Nam. Việc chào hàng bằng những sản phẩm chất lượng thấp, giá rẻ không giúp phát triển thị trường cũng như thương hiệu cho sản phẩm Việt", ông Tùng nói.
Cái yếu hiện nay của ngành nông sản là nông dân sản xuất và DN "mạnh ai nấy làm", chưa có sự liên kết chặt chẽ. Thấy rõ nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa qua và khó khăn trong XK thời gian gần đây, nhiều nông dân sản xuất ra sản phẩm nhưng DN bỏ mặc nông dân không thu mua hoặc thu mua với giá thấp. Một DN cho biết, DN bao tiêu vú sữa Sóc Trăng 2018 đến nay, khi giá thị trường xuống thấp chỉ 10-15 ngàn đồng/kg, DN vẫn mua của nông dân 34-35 ngàn đồng/kg. Khi vú sữa đầu mùa lên giá 60 - 70 ngàn/kg, DN vẫn đồng ý thu mua giá đó cho nông dân. Bởi, DN có thị trường đầu ra tốt nên DN chia sẻ khó khăn, lợi nhuận cùng với nông dân. Chính vì sự liên kết giữa nông dân - DN tốt như vậy nên chất lượng sản phẩm do nông dân cung cấp luôn được đảm bảo, ổn định.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Hàng hóa xuất khẩu nói chung và nông sản của Việt Nam nói riêng có rất nhiều lợi thế khi Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, việc tận dụng các lợi thế do các FTA mang lại còn hạn chế.
Ông Phương cho rằng, để nâng cao hiệu quả thì một trong những giải pháp quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu nên tăng cường kết nối, hợp tác với các đối tác xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu về mặt kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu.
Tiến Hoàng