Cá nhân tham gia có nhiều bất cập, Hà Nội khuyến khích doanh nghiệp đấu giá đất
Một số huyện trên địa bàn Hà Nội sẽ đấu giá các khu đất, dự kiến thu về hàng nghìn tỷ đồng. Toàn bộ các cuộc đấu giá này sẽ được tiến hành theo hình thức đấu dành cho tổ chức, doanh nghiệp.
Rút kinh nghiệm từ các phiên đấu trước, năm nay, huyện Hoài Đức sẽ không còn tổ chức đấu giá cho cá nhân tham gia. Theo kế hoạch, huyện sẽ đấu giá 4 khu đất, ước chừng thu về 3.000 tỷ đồng. Ngay sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp sẽ phải xây dựng nhà cửa, trước khi bán cho người dân, không được phép bỏ không đất.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức, Hà Nội nêu ý kiến: "Việc đấu tổ chức thu hút các nhà đầu tư thật sự có năng lực để vào đầu tư xây dựng khu đất đấu giá. Việc đấu giá tổ chức sẽ thuận lợi, thứ nhất về mặt quy hoạch sẽ rất đẹp, hai là khu đất sẽ được nhà đầu tư đưa vào khai thác sử dụng, sẽ phát huy được hiệu quả quỹ đất đấu giá".
Còn huyện Thanh Trì năm nay sẽ có 6 khu đất được đưa ra đấu giá. Trong đó, hai khu sẽ được tổ chức theo hình thức cho người dân tham gia đấu riêng lẻ. 4 khu còn lại sẽ dành để đấu tập trung, dành cho tổ chức, doanh nghiệp. Như vậy, việc đấu giá đất cho người dân tự xây dựng nhà riêng lẻ đang giảm bớt dần.
Ông Nguyễn Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, Hà Nội nhận định: "Nếu đấu giá cá nhân thì việc quản lý theo quy hoạch, xây dựng đồng bộ khó khăn. Vì người sở hữu miếng đất trúng giá, có người xây ngay, có người rất nhiều năm sau mới xây. Riêng tổ chức, họ sẽ xây dựng đồng bộ theo quy hoạch".
UBND Thành phố Hà Nội cũng lưu ý các đơn vị tổ chức đấu giá đất xem xét việc quy định bước giá, hình thức đấu giá (đấu nhiều vòng bắt buộc) đảm bảo tính cạnh tranh và sát giá thị trường.
Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết bên cạnh những lợi ích, hoạt động đấu giá đất cũng bộc lộ một số hạn chế, tiêu cực như một số nơi có hiện tượng "cò đấu giá" thông đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.
Bộ Xây dựng cho rằng, có hiện tượng trả rất cao một số lô rồi bỏ cọc, tạo mặt bằng giá ảo để thao túng thị trường. Hay việc mua đi bán lại nhiều lô đất nhằm thu lợi bất chính diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, thậm chí mang tính tổ chức.
Vừa qua, sau những biến động, nhiều quận, huyện như Hà Đông, Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng… cũng đã chủ động dừng một số cuộc đấu giá đất để rà soát lại quy trình, thủ tục theo đúng quy định pháp luật.