0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 17/02/2025 06:51 (GMT+7)

Hà Nội triển khai nhiều biện pháp mạnh siết lại kỷ cương trong đấu giá đất

Theo dõi KT&TD trên

Ngay từ cuối năm 2024 và những ngày đầu năm 2025, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm siết lại kỷ cương trong đấu giá đất.

Qua đó nhằm hạn chế tình trạng làm giá, bỏ cọc sau khi trúng đấu giá và các hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động đấu giá đất.

Sẽ không lặp lại việc đầu cơ, thao túng giá

Ngày 1/3/2025, tại Nhà thi đấu huyện Thanh Oai, Hà Nội sẽ diễn ra phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 54 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Tổng diện tích đấu giá gồm 54 thửa đất, diện tích 4.405,04m2; các thửa đất có diện tích từ 60,01 - 85m2.

Theo đó, 54 thửa đất được chia làm ba nhóm theo từng mức giá khởi điểm. Nhóm thứ nhất gồm 6 thửa với giá khởi điểm 16,3 triệu đồng/m2; nhóm thứ hai gồm 24 thửa với giá khởi điểm 15,6 triệu đồng m2; nhóm thứ ba gồm 24 thửa với giá khởi điểm 10,9 triệu đồng/m2. Theo đó, các thửa đất có giá khởi điểm dao động từ hơn 656 triệu đồng đến hơn 1,3 tỷ đồng. Số tiền đặt trước từ 130 - 265 triệu đồng mỗi thửa.

Hà Nội triển khai nhiều biện pháp mạnh siết lại kỷ cương trong đấu giá đất
Việc đấu giá đất tới đây sẽ được Hà Nội giám sát chặt chẽ dưới nhiều hình thức. Ảnh: K.H.

Trước đó, ngày 10/8/2024, cũng tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã tổ chức thành công phiên đấu giá 68 thửa đất. Tuy nhiên, đến thời hạn nộp tiền, theo thông tin từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai, chỉ có 13 lô đất nộp đủ tiền. Các thửa nộp tiền đều có giá trúng từ 51,6 triệu đồng/m2 đến hơn 55 triệu đồng/m2; toàn bộ các thửa đất có giá trúng từ 80 triệu đồng/m2 đến hơn 100 triệu đồng/m2 đều bị bỏ cọc.

Quá trình vào cuộc, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) nhận định về các cuộc đấu giá đất ở huyện Thanh Oai và huyện Hoài Đức vừa qua đã xuất hiện tình trạng thao túng giá, đẩy giá. Sau khi đấu giá, một số người trúng đấu giá chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, có dấu hiệu bỏ cọc gây ra dư luận không tốt.

Một số đối tượng tham gia đấu giá không thực sự có nhu cầu về đất ở, nhà ở mà chủ yếu vì mục đích đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao và bán lại ngay đất vừa trúng đấu giá để thu lợi, hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh.

Rút kinh nghiệm, lần đấu giá ngày 1/3 tới sẽ không xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá.

Bịt lỗ hổng, kiên quyết tạo môi trường đấu giá minh bạch

Ngay sau những sự việc liên quan đến đấu giá đất tại các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Sóc Sơn… UBND thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, đưa ra nhiều biện pháp mạnh nhằm siết lại kỷ cương.

Thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, trong đó có Sở TN&MT, Công an Thành phố rà soát lại quy trình đấu giá và người tham gia đấu giá, đặc biệt là người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc. Bước tiếp theo, ngày 3/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, Quyết định tạm giữ đối với 6 đối tượng liên quan vi phạm quy định đấu giá quyền sử dụng đất ở tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang, phát triển khu dân cư nông thôn tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến huyện Sóc Sơn. Đây là những đối tượng đã bỏ giá tới 30 tỷ đồng/m2 đất dẫn đến phiên đấu giá 36/58 lô đất không thành công.

Ngay từ cuối năm 2024 và những ngày đầu năm 2025, Hà Nội tiếp tục thực hiện chặt chẽ hơn hoạt động đấu giá. Định hướng rõ nhất cho các sở ngành, quận, huyện liên quan đến đấu giá là Quyết định số 61/2024/ QĐ-UBND ngày 27/9/2024 của UBND thành phố Hà Nội về việc lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất nhằm giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất…

Tại quận Hoàng Mai, công tác đấu giá đất cũng được triển khai với nhiều điều chỉnh đáng chú ý. Ngày 3/1/2025, quận tổ chức đấu giá 4,4ha đất tại phố Bằng B, Khu đô thị Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt với giá khởi điểm hơn 86 triệu đồng/m2. Kết quả, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Song Lộc trúng với giá hơn 91 triệu đồng/m2. Quận thu được khoảng 1.800 tỷ đồng.

Trước khi tiến hành đấu giá 4,4 ha đất trên, điều kiện tham gia đấu giá được Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai công bố khá chặt chẽ, doanh nghiệp tham gia phải đặt cọc trước 20% giá trị lô đất (khoảng 345 tỷ đồng), cùng với đó phải có bảo lãnh ngân hàng và báo cáo tài chính minh bạch. Ngoài ra, doanh nghiệp phải từng triển khai ít nhất một dự án nhà ở hoàn thiện trong vòng 5 năm gần nhất.

Tại huyện Hoài Đức, Giám đốc Trung tâm Quỹ đất huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Hoàng cho biết, theo quy định, tiền đặt cọc là 20% giá trị thửa đất, đồng nghĩa với phí đặt cọc từ nhiều tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng, điều này sẽ khiến cá nhân, doanh nghiệp tham gia đấu giá phải cân nhắc kĩ. Như vậy, sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng bỏ cọc. Năm 2025, Hoài Đức dự kiến thu 3.000 tỷ đồng từ đấu giá đất.

Trở lại với phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 54 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai vào ngày 1/3 tới đây. Hình thức đấu giá được tiến hành theo nhóm các thửa đất, thông qua việc bỏ phiếu kín trực tiếp một vòng. Với mỗi nhóm các thửa đất đấu giá, người tham gia đấu giá được phát một phiếu trả giá để ghi giá trả. Phương thức là trả giá lên.

Trong văn bản gửi tới các sở ngành, quận, huyện, trong đó có Sở TN&MT, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo việc triển khai và tổ chức đấu giá phải công khai, minh bạch. Thực hiện nghiêm việc cử đại diện tham dự, giám sát việc thực hiện phiên đấu giá; truất quyền tham dự cuộc đấu giá của người tham gia đấu giá vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm; dừng phiên đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá, gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá hoặc hành vi bất thường khác theo quy định.

Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất…

Khắc Hạnh

Bạn đang đọc bài viết Hà Nội triển khai nhiều biện pháp mạnh siết lại kỷ cương trong đấu giá đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Chạy đua với thời gian cứu hộ tàu bị lật trên Vịnh Hạ Long
Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ đắm tàu du lịch mang số hiệu QN-7105 trên Vịnh Hạ Long do giông lốc bất ngờ chiều 19/7, tối cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp có mặt chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các du khách và thuyền viên gặp nạn.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường ra công điện ứng phó với bão Wipha
Sáng ngày 19/7, cơn bão Wipha đi vào biển Đông trở thành cơn bão số 3 với cường độ mạnh, có khả năng gây mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ trong những ngày tới. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường ra công điện về việc phòng chống ảnh hưởng của bão.

Tin mới

Bất động sản nghỉ dưỡng giảm giá để kích cầu, khách mua vẫn thận trọng
Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu khởi sắc về nguồn cung sau thời gian dài trầm lắng, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nhiều chủ đầu tư buộc phải giảm giá bán từ 5-7% để kích cầu, song hiệu quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Giá vàng tiếp tục giảm, cổ phiếu tăng vọt
Giá vàng đang hướng tới tuần giảm giá do đồng USD mạnh hơn và các báo cáo kinh tế tích cực từ Mỹ. Cổ phiếu châu Á tăng theo đà của Phố Wall, nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ và lợi nhuận doanh nghiệp tích cực bù đắp cho nỗi lo về thuế quan.
Hộ kinh doanh thích nghi nhanh với hoá đơn điện tử
Sau hơn một tháng triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, ngành Thuế ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành vi tuân thủ của hộ kinh doanh, nhóm đối tượng vốn quen với mô hình kinh doanh truyền thống, không hóa đơn.