Bước tiến mới trong quản lý chất lượng: Minh bạch, số hóa, hậu kiểm hiệu quả
Với hàng loạt quy định đổi mới như phân loại theo mức độ rủi ro, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát chuỗi cung ứng, xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đại,
Luật không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập sâu vào thị trường toàn cầu mà còn tạo lập nền tảng pháp lý minh bạch, hiệu quả cho nền kinh tế số và xã hội tiêu dùng có trách nhiệm.
Đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng
Chiều 7/7, tại Họp báo thông tin về 5 Luật trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia đã thông tin một số điểm mới về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo ông Hiệp, ngày 18/6/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc sửa đổi này nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng tại các Nghị quyết số 57-NQ/TW, 59-NQ/TW, 66-NQ/TW và 68-NQ/TW, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số quốc gia.

Luật sửa đổi, bổ sung lần này đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn sau: Chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro. Tại Điều 3, quy định, phân loại sản phẩm, hàng hóa được chuyển từ phân nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) sang phân loại sản phẩm, hàng hóa theo ba mức độ rủi ro (thấp, trung bình, cao). Ưu tiên giám sát và hậu kiểm thay cho tiền kiểm nhằm tăng hiệu qua, giảm can thiệp hành chính.
Đây là bước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản trị hiện đại dựa trên dữ liệu và khoa học, thể hiện tư tưởng cốt lõi lấy khoa học công nghệ làm công cụ quản trị quốc gia.
Luật cũng quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro. Cách tiếp cận này giúp giảm chi phí tuân thủ, đồng thời phân bổ hợp lý nguồn lực quản lý vào nhóm có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, an toàn và môi trường.
Luật quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu. Cụ thể, Luật bổ sung quy định tạo thuận lợi cho hàng hóa nhập khẩu có mức độ rủi ro trung bình: Được công bố hợp quy dựa trên kết quả tự đánh giá hoặc chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được công nhận; không phải công bố lại đối với lô hàng cùng loại, trừ khi có thay đổi về quy chuẩn kỹ thuật, đặc tính sản phẩm hoặc cảnh báo từ cơ quan có thẩm quyền.
Một trong những điểm mới nữa là ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng. Luật dành một điều riêng quy định việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong quản lý chất lượng.
Bao gồm: Hộ chiếu số sản phẩm, nhãn điện tử; hệ thống truy xuất nguồn gốc, phản hồi người tiêu dùng; giám sát chất lượng qua nền tảng số, hệ thống dữ liệu tích hợp… Những quy định này góp phần hiện đại hóa quản lý chất lượng trên toàn chuỗi cung ứng.
Tại Điều 48, Luật quy định xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa cấp quốc gia có chức năng: Kết nối dữ liệu giữa các cơ quan quản lý; thu thập, phân tích phản ánh, cảnh báo từ người tiêu dùng; hỗ trợ hậu kiểm và xử lý rủi ro chất lượng.
"Đây là bước tiến giúp quản lý chất lượng dựa trên dữ liệu, phân tích và công nghệ số. Việc ứng dụng công nghệ số, phân tích dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả hậu kiểm, giảm chi phí tuân thủ và tăng tính minh bạch trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa", ông Hiệp thông tin.
Tăng cường các chế tài xử phạt
Ngoài ra, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã bổ sung quy định quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số phục vụ giao dịch điện tử. Trong đó, làm rõ trách nhiệm của người bán và trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử trong việc bảo đảm chất lượng hàng hóa. Người bán phải công khai trung thực thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Chủ quản nền tảng số trung gian phải có biện pháp kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa vi phạm pháp luật về chất lượng; thiết lập và vận hành hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Luật bổ sung chế tài xử lý vi phạm theo hướng răn đe mạnh hơn, tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, thu hồi giấp phép hoặc hình sự; công khai vi phạm trên nền tảng số quốc gia.

Đồng thời, quy định rõ hành vi nghiêm cấm như thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng, nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm, hàng hóa; kinh doanh sản phẩm, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ - đặc biệt trên môi trường số.
Các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để xuất khẩu như hỗ trợ tư vấn, xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn quốc tế; thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, xây dựng thương hiệu để đáp ứng yêu cầu thị trường toàn cầu...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã thể hiện sự chuyển hướng rõ nét trong tư duy lập pháp: Từ quản lý hành chính cứng nhắc sang quản trị rủi ro, từ khuyến khích sang chế tài hợp lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu quả thực thi pháp luật mà còn góp phần giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia và bảo đảm công bằng, minh bạch trên thị trường.
Việc Quốc hội thông qua Luật này cho thấy quyết tâm đổi mới trong hoàn thiện thể chế, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Việt Nam hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng xã hội tiêu dùng có trách nhiệm và phát triển bền vững.