CPTPP mở lối cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng
Sau gần 5 năm thực thi, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với mức độ cam kết mở cửa thị trường rất lớn đã mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Kết nối doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ
So với các FTA khác, CPTPP khá đặc thù bởi nhiều thành viên đã có FTA song phương/đa phương trước đó với Việt Nam và các doanh nghiệp cũng đang tận dụng ưu đãi của những FTA cũ với các thị trường này. Tuy nhiên, với việc thực thi CPTPP, các doanh nghiệp có thêm kênh ưu đãi, lợi thế để khai thác, nhất là trong bối cảnh một số nước thành viên CPTPP vốn là nguồn cung truyền thống cho đầu vào của nhiều ngành sản xuất tại Việt Nam và nắm giữ những chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu như: Nhật Bản, Singapore, Australia…
Việc tận dụng nguồn nguyên liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh. Và việc tham gia kết nối, liên kết với các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào các chuỗi cung ứng của các Tập đoàn đa quốc gia đến từ các thành viên của CPTPP trở thành lợi ích nổi bật cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định này.
Chia sẻ tại Tọa đàm với chủ đề “Gia nhập chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI - Tăng hiệu quả tận dụng CPTPP” do Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 2/12 tại Hà Nội theo hình thức trực tuyến, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Hiệp định CPTPP mang lại những lợi ích rất tích cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư của Việt Nam. Đây là một trong ba Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia và Hiệp định CPTPP cũng là hiệp định đến thời điểm hiện nay chúng ta có thời gian thực thi lâu nhất khoảng 5 năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận những kết quả tích cực trong tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP với khoảng hơn 76 tỉ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, thặng dư thương mại khoảng 6,6 tỷ USD. Đó là những con số hết sức ấn tượng về kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước CPTPP và đặc biệt là những thị trường mà chưa từng có FTA trước đó.
Ngoài gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, hiệp định này đã thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Sau thời gian Hiệp định đi vào thực thi, các nhà đầu tư nước ngoài từ các thành viên CPTPP như Singapore, Nhật Bản đã tiếp cận thị trường Việt Nam một cách rất tích cực để tận dụng cơ hội, lợi thế từ CPTPP.
Việc tham gia kết nối, liên kết với doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đến từ thành viên của CPTPP trở thành lợi ích nổi bật cho doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tận dụng cơ hội từ Hiệp định.
Chia sẻ về khía cạnh này, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long (Tập đoàn CNCTech) cho biết, nhờ liên kết với các doanh nghiệp của Nhật Bản và các tập đoàn đa quốc gia khác, CNCTech Thăng Long phát triển được nguồn nhân lực, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, nâng cao về chất lượng sản phẩm, có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các công ty nước ngoài.
Đặc biệt, CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech may mắn được sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương kết hợp kết nối với doanh nghiệp nước ngoài, cụ thể là Toyota đã hỗ trợ đào tạo cũng như tư vấn để nâng cao được năng lực về kỹ thuật, năng lực về chuyên môn cũng như năng lực về quản lý của công ty. Do đó, công ty dựa trên những phát triển, hệ thống để tìm kiếm cũng như đáp ứng được các khách hàng khó tính ở trên thế giới mà từ trước đến nay Việt Nam cũng rất ít có thể đáp ứng được. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Phúc nơi công ty đang hoạt động cũng có những chính sách hỗ trợ, về nguồn lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp của Việt Nam phát triển và tiếp xúc được với các công ty có tầm cỡ lớn của nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn Vĩnh Phúc như Huyndai, Toyota…
Đại diện Toyota Việt Nam - ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh cũng cho hay, khi thực thi Hiệp định CPTPP, doanh nghiệp có thêm một lựa chọn, thêm cơ hội để cân nhắc những nguồn linh kiện từ Nhật Bản hoặc từ các thành viên khác trong Hiệp định. Trong tương lai, khi lộ trình áp dụng của Hiệp định CPTPP đối với ngành ô tô về 0% vào khoảng năm 2030 - 2031 thì cũng giúp cho công ty có sự cạnh tranh tốt hơn trên thị trường Việt Nam.
Triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Tuy nhiên trên thực tế, mức độ tận dụng các FTA và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối hạn chế. Dư địa và cơ hội để doanh nghiệp tận dụng tại các thị trường FTA này còn rất lớn, nhất là những thị trường chưa có FTA trước đó. Thực tế, doanh nghiệp đã phần nào đã tận dụng được các FTA; trong đó, có CPTPP nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà việc tận dụng đó còn tương đối hạn chế. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đến thời điểm hiện nay thường xuất thô, rất ít chế biến sâu. Ngoài ra, doanh nghiệp chưa chú trọng vào những vấn đề xây dựng thương hiệu hay bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở các thị trường nước ngoài. Do đó, việc kết hợp với các doanh nghiệp FDI để hình thành nên một chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp trong nước lớn mạnh nhanh hơn và rút ngắn thời gian hội nhập quốc tế tốt hơn.
Chỉ ra những tồn tại hiện nay, bà Nguyễn Thị Lan Phương đã nêu các vấn đề trong năng lực nội tại, kinh nghiệm, nguồn vốn và năng lực khoa học công nghệ đã hạn chế khả năng của doanh nghiệp Việt Nam trong việc tận dụng những FTA. Theo đó, để doanh nghiệp có thể đáp ứng và gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI hay vươn sân ra toàn cầu thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ cần trợ lực cả từ hai phía: bản thân nội lực của doanh nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ từ các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương.
Ở góc độ doanh nghiệp, “để một doanh nghiệp Việt Nam có thể gia nhập vào chuỗi FDI hay sẵn sàng trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài thì bản thân doanh nghiệp phải có rất nhiều sự thay đổi để có thể hấp thụ được những cơ hội trong các FTA đó”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên nhấn mạnh.
Các cơ quan Trung ương và địa phương trong suốt thời gian vừa qua cũng rất nỗ lực vào cuộc để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nâng cao năng lực của mình và đáp ứng tốt hơn tiêu chuẩn của các tập đoàn toàn cầu để gia nhập vào hệ thống và chuỗi cung ứng của họ. Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan đầu mối thực thi các Hiệp định FTA cũng đã sớm triển khai nhiều giải pháp khác nhau để doanh nghiệp có thể tận dụng được CPTPP hay các FTA nói chung.
Để thúc đẩy khả năng tận dụng CPTPP của doanh nghiệp nói chung, đặc biệt gia tăng sự tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong CPTPP nói riêng, bà Nguyễn Thị Lan Phương khẳng định, tới đây Bộ Công Thương sẽ tập trung giải pháp xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA. Cùng đó, tăng cường kết nối để tận dụng FTA tốt hơn và cũng xây dựng văn hóa đạo đức kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với giải pháp trọng tâm là xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA, trong đó bao gồm cả CPTPP, dự kiến tháng 9-2025, hệ sinh thái tận dụng FTA có thể đi vào cuộc sống. “Chúng tôi mong muốn những doanh nghiệp tham gia là những doanh nghiệp hướng tới sự phát triển bền vững, hướng tới thương hiệu và cạnh tranh bình đẳng”, đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết , đồng thời bày tỏ kỳ vọng, những vướng mắc trong khai thác cơ hội từ các FTA sẽ phần nào được giải quyết. Hệ sinh thái được ban hành sẽ huy động nguồn lực từ các bộ, ngành, hiệp hội, tạo sự tập trung nguồn lực khai thác FTA hiệu quả hơn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, để khai thác triệt để cơ hội thu hút FDI, hoạt động xúc tiến đầu tư cần chuyển trọng tâm sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn FDI lớn. Điều đó góp phần tận dụng các hiệp định tự do thế hệ mới và cơ hội tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, tận dụng cơ hội từ thị trường còn nhiều tiềm năng CPTPP.