Bức tranh tài chính của Thiên Khôi Group
Doanh thu thuần năm 2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Khôi (Thiên Khôi Group) đạt hơn 25,5 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày doanh nghiệp đạt doanh thu 70 triệu đồng.
Sơ phác về Thiên Khôi Group
Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Khôi tiền thân là Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Khôi, được thành lập vào tháng 3/2020, trụ sở đặt tại tầng 5, toà nhà 18 Tam Trinh, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Ngành nghề kinh doanh chính là "tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất".
Thời điểm thành lập, Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Khôi có vốn điều lệ là 8 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập bao gồm: Nguyễn Thành Dũng góp 6,8 tỷ đồng, nắm giữ 85% cổ phần; Đoàn Hà Hải Trinh góp 800 triệu đồng, nắm giữ 10% cổ phần; Nguyễn Thị Bến góp 400 triệu đồng, nắm giữ 5% cổ phần.
Vài ngày sau khi thành lập, Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Khôi tiến hành nâng vốn điều lệ từ 8 tỷ đồng lên thành 20 tỷ đồng. Từ 2 ngành nghề kinh doanh ban đầu, doanh nghiệp mở rộng lĩnh vực kinh doanh lên thành 7 ngành nghề, trong đó có hoạt động hỗ trợ tài chính và phục vụ ăn uống.
Tháng 12/2022, Công ty cổ phần Bất động sản Thiên Khôi chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Khôi.
Đáng chú ý, trên website của Thiên Khôi Group, tập đoàn này giới thiệu có 28 trụ sở, 300 khối/phòng kinh doanh, 1.900 lãnh đạo và quản lý các cấp và 32.000 thành viên. Tuy vậy, theo công bố nội dung đăng ký thay đổi doanh nghiệp vào tháng 7/2023, tổng số lao động của Thiên Khôi Group chỉ là 5 người.
Hiện ông Nguyễn Thành Dũng là người đại diện pháp luật, kiêm Tổng giám đốc của Thiên Khôi Group.
Bức tranh tài chính của Thiên Khôi Group
Theo dữ liệu của VietnamFinance, giai đoạn 2021 - 2023, tổng tài sản của Thiên Khôi Group liên tục được "bồi đắp" một cách đầy ấn tượng. Cụ thể từ mức 1,2 tỷ đồng vào năm 2021, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng lên thành 18,5 tỷ đồng vào năm 2022 và đạt gần 23 tỷ đồng vào năm 2023.
Tài trợ chính cho nguồn vốn của Thiên Khôi Group là vốn chủ sở hữu, từ mức 1,1 tỷ đồng vào năm 2021, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tăng lên thành 18,2 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên thành 20,9 tỷ đồng vào năm 2023.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2023, phần vốn góp của chủ sở hữu tại Thiên Khôi Group tính đến thời điểm 31/12/2023 là 21,9 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Thành Dũng góp 18,9 tỷ; bà Trần Thị Duyên góp 2 tỷ và bà Nhữ Hồng Nhung góp 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả của Thiên Khôi Group chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp (136 triệu đồng vào 2021; 276 triệu đồng vào 2022 và 2 tỷ đồng vào 2023).
Về kết quả kinh doanh, 3 năm gần đây, Thiên Khôi Group liên tục ghi nhận sự tăng trưởng về doanh thu thuần. Từ con số 0 vào năm 2021, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 12,1 tỷ đồng vào năm 2022, rồi đạt 25,5 tỷ đồng vào năm 2023. Năm trước đó nữa (2020), doanh thu của doanh nghiệp đạt 1,2 tỷ đồng.
Doanh thu tương đối ấn tượng, nhưng lại bị "ăn mòn" bởi giá vốn bán hàng và các loại chi phí, đặc biệt là chi phí quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận thu về của Thiên Khôi Group cũng chẳng còn lại là bao.
Trong năm 2021, khi doanh thu là 0 đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp của Thiên Khôi Group là 663 triệu đồng; năm 2022 khi lợi nhuận gộp là 2,7 tỷ đồng thì chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới 1,7 tỷ đồng; năm 2023 doanh nghiệp đạt 8,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tương ứng là 8,3 tỷ đồng.
Khấu trừ các loại chi phí, Thiên Khôi Group lỗ sau thuế 1,7 tỷ đồng vào năm 2020, năm 2021 lỗ 663 triệu đồng. Bước sang năm 2022 khởi sắc hơn, Thiên Khôi Group báo lãi gần 590 triệu đồng và năm ngoái (2023) lãi gần 650 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh năm 2023 của Thiên Khôi Group âm tới gần 6,5 tỷ đồng, dù năm trước đó vẫn dương 1,1 tỷ đồng.
Về mặt lý thuyết, việc âm dòng tiền kinh doanh cho thấy doanh nghiệp gặp khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ chưa thu được tiền về. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ là điều báo động, bởi việc dòng tiền thiếu hụt sẽ khiến doanh nghiệp chìm vào gánh nặng nợ nần, kết quả kinh doanh đi xuống… Thậm chí có thể sẽ mất khả năng thanh toán.