Bộ Y tế nói về vaccine AstraZeneca
Trước thông tin hãng dược AstraZeneca đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vaccine COVID-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam không còn sử dụng loại vaccine này.
AstraZeneca thông báo thu hồi vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu
Theo TTXVN, Hãng dược phẩm AstraZeneca ngày 7/5 thông báo hãng bắt đầu thu hồi vaccine ngừa COVID-19 trên toàn thế giới vì hiện nay "dư thừa các loại vaccine hiệu chỉnh sẵn có" đối với dịch bệnh này.
Theo AstraZeneca, hãng này cũng sẽ rút lại giấy phép tiếp thị vaccine Vaxzevria ở châu Âu.
Thông báo của AstraZeneca nêu rõ: “Do nhiều phiên bản vaccine đã được phát triển để phòng ngừa các biến thể của virus gây bệnh COVID-19, nên hiện nay dư thừa các vaccine hiệu chỉnh sẵn có".
Theo AstraZeneca, điều này đã dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với Vaxzevria - loại vaccine hiện không còn được sản xuất hoặc cung cấp trên thị trường.
Hiện tại, AstraZeneca đang đối mặt vụ kiện tập thể, trong đó vaccine do hãng dược phẩm liên doanh Anh - Thụy Điển này kết hợp với Đại học Oxford (Anh) phát triển bị cho là gây tử vong và thương tật nghiêm trọng đối với hàng chục người dùng.
Mặc dù phản đối cáo buộc nêu trên, song trong một tài liệu pháp lý trình lên Tòa Thượng thẩm của Anh hồi tháng 2 vừa qua, hãng thừa nhận rằng trong những trường hợp rất hiếm gặp, vaccine có thể gây ra huyết khối tĩnh mạch kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS).
AstraZeneca cũng lưu ý rằng TTS vẫn có thể xảy ra dù không tiêm vaccine của hãng hoặc khi tiêm các vaccine khác.
AstraZeneca nhấn mạnh cần phải có bằng chứng chuyên môn để xác định nguyên nhân trong từng trường hợp.
Các nghiên cứu độc lập cho thấy vaccine của AstraZeneca đã phát huy hiệu quả bảo vệ nhiều người trong đại dịch COVID-19, cứu sống hơn 6 triệu người trên toàn cầu trong năm đầu tiên triển khai.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định vaccine này an toàn, hiệu quả đối với tất cả mọi đối tượng từ 18 tuổi trở lên và "rất hiếm" tác dụng phụ dẫn đến hành động pháp lý.
Theo báo Telegraph, quyết định thu hồi vaccine của AstraZeneca có hiệu lực từ ngày 7/5.
AstraZeneca hiện tập trung phát triển vaccine ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) và thuốc trị béo phì, sau khi tốc độ tăng trưởng chậm lại do doanh số chế phẩm điều trị COVID-19 sụt giảm.
Việt Nam không còn sử dụng vaccine AstraZeneca
Trước thông tin từ hãng dược AstraZeneca cho biết đang thực hiện quy trình xin rút giấy phép vaccine COVID-19 tại các khu vực, quốc gia còn lại trên toàn thế giới, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng cho biết, hiện Việt Nam đã không còn sử dụng loại vaccine này.
Số vaccine được cấp phép lưu hành trước đó đã hết hạn sử dụng. Sau đó, vaccine COVID-19 của AstraZeneca không tiếp tục nhập khẩu vào Việt Nam.
Hiện nay, chỉ còn một số loại vaccine còn hạn sử dụng được lưu trữ để sử dụng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tại thời điểm được cấp phép tại Việt Nam, vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đây cũng là loại vaccine được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, AstraZeneca là một trong những vaccine COVID-19 được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam.
Đến nay, Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm trên toàn quốc cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên.
Các mũi vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tiêm cuối cùng ở Việt Nam trước tháng 7/2023.
Liên quan đến thông tin vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca bị cáo buộc gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu, PGS.TS Phạm Quang Thái cũng nhấn mạnh: khi đưa vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam tiêm chủng phòng chống dịch, ngành y tế đã rất thận trọng vấn đề về huyết khối đã ghi nhận ở châu Âu.
Thực tế vừa triển khai tiêm chủng, chúng ta vừa kiểm tra, theo dõi, giám sát rất chặt.
Theo chuyên gia, hiệu quả của vaccine COVID-19 đã được chứng minh trong phòng chống đại dịch, giảm thiểu tử vong và các biến chứng nghiêm trọng của bệnh và được cộng đồng quốc tế công nhận.
Vaccine COVID-19 đã góp phần quan trọng đưa đời sống kinh tế xã hội và sinh hoạt của người dân ở nước ta nói riêng và thế giới nói chung trở lại bình thường sớm hơn.
Vaccine AstraZeneca đã hết tác dụng nên không phải lo ngại tác dụng phụ
Trong một diễn biến liên quan, như đã đưa: Vừa qua, trao đổi với báo chí về thông tin vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 đang bị cáo buộc gây ra tác dụng hiếm gặp có khả năng dẫn đến đông máu, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Đây là tác dụng phụ mà Việt Nam khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca cũng đã được cảnh báo.
"Ban đầu khi triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng. Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ. Người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.
Sau đó, chúng ta cũng điều chỉnh dần khi theo dõi thấy vaccine không gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe.
Từ lúc ban đầu chỉ tiêm tại cơ sở y tế, sau đó hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 đã được triển khai rộng hơn", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.
Chuyên gia cũng cho biết, hầu hết mọi người đã tiêm vaccine AstraZeneca COVID-19 đã được tổ chức vài năm, hiện cũng đã hết tác dụng. Do đó, cũng không cần quá lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến đông máu.
Việt Nam đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19
Tại Việt Nam, trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, ngoài 30 triệu liều vaccine COVID-19 đã đặt mua của AstraZeneca, sau đó, Việt Nam cũng đã rải rác tiếp nhận vaccine AstraZeneca qua các chương trình tài trợ.
Số vaccine này đã góp phần vào thành công trong chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 trong năm 2022.
Hàng trăm triệu người đã được tiêm từ 2-4 liều vaccine COVID-19, bao gồm vaccine AstraZeneca, Pfizer, Moderna…
Đến giữa năm 2023, nước ta đã tiêm hơn 266,5 triệu liều vaccine COVID-19.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vaccine COVID-19 cao nhất thế giới với tỉ lệ tiêm đủ mũi cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%, tỉ lệ tiêm mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao đạt 89,6%.
Đầu năm 2024, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho biết, Việt Nam chỉ còn hơn 400.000 liều vaccine COVID-19 của Pfizer hạn dùng đến tháng 9/2024.
Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.
Theo hướng dẫn mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, có 3 đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 là người cao tuổi từ 50 tuổi trở lên có bệnh lý nền (tiêm nhắc lại vào thời điểm 9-12 tháng sau mũi cuối cùng), sau đó là phụ nữ mang thai, người chưa tiêm vaccine mũi nào.
Theo Telegraph, AstraZeneca đã lần đầu tiên thừa nhận trong tài liệu pháp lý đệ trình lên Tòa án tối cao rằng, vaccine COVID-19 của họ: "Trong những trường hợp rất hiếm có thể gây ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS)".