Vì sao Bộ Y tế "ra lệnh cấm" sử dụng khí N2O trên người bệnh?
Theo Bộ Y tế, báo cáo của Cục Quản lý Dược và một số đơn vị liên quan khẳng định, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam.
Mới đây, Bộ Y tế vừa có Công văn gửi Cục Quân y (Bộ Quốc phòng); Cục Y tế (Bộ Công an); các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở y tế các tỉnh, thành phố; Y tế ngành về việc không sử dụng khí N2O - khí Nitơ Oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) trên người bệnh.
Tại văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký ban hành cho biết, hiện nay, tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân.
Theo Bộ Y tế, báo cáo của Cục Quản lý Dược và một số đơn vị liên quan khẳng định, khí N2O chưa đủ cơ sở pháp lý được công nhận là thuốc chữa bệnh tại Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không sử dụng khí N2O trên người bệnh khi chưa được Bộ Y tế phê duyệt. Cùng đó, các đơn vị tăng cường quản lý việc sử dụng loại khí này tại cơ sở (nếu có) để tránh thất thoát, lạm dụng và sử dụng sai mục đích.
"Đơn vị nào để xảy ra việc thất thoát, lạm dụng hoặc sử dụng sai mục đích thì thủ trưởng đơn vị đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật."- Văn bản của Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm; tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O).
Đồng thời, ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí Nitơ Oxyd (N2O) nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học...
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương thực hiện rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sản phẩm khí Nitơ Oxyd (N2O) nhằm bảo đảm kiểm soát triệt để nguy cơ lạm dụng, sử dụng sai mục đích, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh theo đúng quy định.
Tại nhiều bệnh viện, trong thời gian qua cũng liên tục ghi nhận các trường hợp nhập viện cấp cứu vì ngộ độc "bóng cười". Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bản chất N2O có tác dụng giống như ma túy, khi sử dụng có xu hướng tăng lên để đạt được khoái cảm.
Các bệnh nhân ngộ độc N2O nhẹ có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe. Trường hợp nặng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần, thậm chí gây tàn phế suốt đời.
Anh Thư