Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) nhằm tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại, khi sửa Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT).
Hiện doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất (VAT đầu vào), gồm đầu tư, mua sắm tài sản cố định, do phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế này. Chi phí này sau đó tính vào giá thành sản xuất, khiến giá bán tăng và lợi nhuận giảm.
Tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại.
Bộ Tài chính cho biết, tại khoản 3a Điều 5 Luật Thuế GTGT hiện hành quy định mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định nêu trên, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đã kiến nghị sửa đổi quy định này do doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả hoạt động đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất phân bón mà phải tính vào chi phí sản phẩm, khiến giá thành tăng và lợi nhuận giảm, bất lợi trong cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Đồng thời, khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp không chủ động trong xuất đầu tư, mở rộng sản
Cùng với kiến nghị của doanh nghiệp sản xuất phân bón, Bộ Tài chính cũng nhận được kiến nghị của Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón cũng phản ánh khó khăn của doanh nghiệp sản xuất phân bón và đề nghị chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.
Theo Bộ NN&PTNT, hiện việc phân bón không chịu thuế GTGT đang gây nhiều bức xúc đối với nông dân và cả doanh nghiệp, bởi khi nằm trong nhóm không phải chịu thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp sản xuất phân bón không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào nên phải tính vào chi phí, khiến giá thành tăng.
"Khi giá thành tăng cao, doanh nghiệp khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, người nông dân sẽ phải mua hàng với giá cao", Bộ NNPTNT nêu trong kiến nghị.
Trên thực tế, việc ngược đời doanh nghiệp phân bón xin chịu thuế đã diễn ra nhiều năm nay, bởi khi doanh nghiệp không phải chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Do đó, doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí khiến giá thành sản phẩm tăng, doanh nghiệp ước tính mức tăng dao động từ 5-8% tuỳ vào sản phẩm và là khi chưa có yếu tố dịch Covid-19 và tình hình xung đột trên thế giới chưa phát sinh phức tạp như hiện nay.
TS Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng việc này sẽ tạo sân chơi công bằng giữa nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng bình đẳng hơn khi tham gia đấu thầu quốc tế. Mặt khác, điều chỉnh thuế sẽ giúp hạ giá phân bón, tạo điều kiện cho đầu tư vào các dự án chất lượng cao, thế hệ mới.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng kiến nghị cần thúc đẩy sửa Luật, đưa thuế phân bón từ 0% lên mức 4 - 5% để đảm bảo cạnh tranh. "Áp thuế này chính bà con nông dân được hưởng lợi từ giá phân bón giảm", vị này nói.
Nếu đề xuất tại dự thảo lần này được thông qua, người tiêu dùng mua phân bón sẽ chịu thêm khoản thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, giá bán của các mặt hàng này được định giá theo cung - cầu thị trường, việc tính thuế ngược lại có thể giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Hiện, Phân bón là mặt hàng phục vụ trong sản xuất nông nghiệp, nên nhiều nước đưa ra chính sách ưu đãi. Một số nước như Thái Lan, Lào, Myanmar, Philippines, Pakistan, Mỹ không thu thuế VAT mặt hàng này. Trong khi, các nước như Trung Quốc, Romania, Croatia, Ấn Độ thu thuế ở mức thấp.
Tiến Hoàng (t/h)