Có thể bị phạt tiền đến 400 triệu đồng khi kinh doanh vàng miếng nhưng không có giấy phép
Ngân hàng Nhà nước đề xuất phạt tiền từ 300-400 triệu đồng khi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Dự thảo lần thứ 3 Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố.
Việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 88/2019/NĐ-CP để phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2024 và các văn bản pháp luật hiện hành; bảo đảm các hành vi vi phạm và mức xử phạt được điều chỉnh phù hợp, đủ sức răn đe, góp phần tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật về tiền tệ, ngân hàng.
Một trong những nội dung được dự thảo lần 3 đề cập là vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng.

Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước nêu mức phạt cảnh cáo với hành vi sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán; mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Nếu sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ những hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vàng. Cụ thể, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng khi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật. Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ mà không công bố tiêu chuẩn áp dụng, không ghi nhãn hàng hóa theo quy định.
Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng khi mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Mức phạt cao nhất trong lĩnh vực vàng theo dự thảo nghị định này là từ 300-400 triệu đồng khi kinh doanh mua, bán vàng miếng nhưng không có giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu hoặc nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định…
Hình thức xử phạt bổ sung tùy từng hành vi vi phạm có thể là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng trong thời hạn từ 6-9 tháng; tước quyền sử dụng giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời hạn từ 9-12 tháng…

Liên quan đến hoạt động mua, bán vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khu vực 2 vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan, tổ chức tại thành phố phối hợp tuyên truyền, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh và mua bán vàng nhằm ổn định thị trường và hạn chế các hành vi vi phạm.
Cụ thể, người dân chỉ được mua, bán vàng miếng SJC tại các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được NHNN cấp phép. Việc mua bán vàng miếng tại các đơn vị không có giấy phép hoặc kinh doanh vàng miếng khi không được cấp phép là vi phạm Nghị định 24/2012/NĐ-CP và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP.
Với các doanh nghiệp kinh doanh vàng, bao gồm vàng trang sức mỹ nghệ và vàng miếng, phải tuân thủ nghiêm quy định về giấy phép hoạt động, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất, phương án kinh doanh an toàn, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Việc công khai niêm yết giá và tuân thủ pháp luật không chỉ là trách nhiệm mà còn giúp phòng ngừa rủi ro liên quan đến hàng giả, buôn lậu, trốn thuế.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cần thận trọng khi mua, đầu tư vàng do giá vàng biến động mạnh, đồng thời kêu gọi cộng đồng chấp hành đúng quy định để góp phần ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, làm giá và các tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cấp danh sách các điểm mua bán vàng miếng được cấp phép tại Thành phố Hồ Chí Minh thông qua mã QR, giúp người dân dễ dàng tra cứu và giao dịch tại các đơn vị hợp pháp.
Trước thực trạng của thị trường vàng trong nước hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng vừa ký Công điện số về triển khai các biện pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Công điện nhấn mạnh, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Thủ tướng đã liên tục ban hành các Công điện và Chỉ thị nhằm chỉ đạo kịp thời, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, triển khai các biện pháp ổn định thị trường và khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Với những giải pháp đồng bộ đã được thực hiện, tính đến đầu tháng 4/2025, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được kiểm soát và duy trì ở mức phù hợp, có thời điểm chỉ còn khoảng 1 - 2%.
Tuy nhiên, những bất cập nội tại chưa được khắc phục triệt để, cùng với tình hình địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp từ đầu năm 2025, đã khiến giá vàng quốc tế liên tục tăng cao, tác động đến giá vàng trong nước, làm gia tăng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Để đảm bảo hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn thị trường vàng đã được giao.
Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, kịp thời triển khai các giải pháp ổn định thị trường nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ và an toàn tài chính quốc gia. Ngân hàng Nhà nước cũng được giao nhiệm vụ khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kinh doanh vàng theo Quyết định thanh tra số 324/QĐ-TTGSNH2 ngày 17/5/2024, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 5/2025.