Bình Dương đặt mục tiêu năm 2030 kinh tế số chiếm 30% GRDP
UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh với các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số hiện đại, hình thành các doanh nghiệp số có sức cạnh tranh trên thị trường góp phần phát triển Chính quyền số, kinh tế số tại tỉnh Bình Dương. Thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế số và tăng trưởng GRDP của tỉnh; phấn đấu đưa Bình Dương trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực miền Đông Nam bộ.
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp gia công lắp ráp trong lĩnh vực CNTT, điện tử - viễn thông trên địa bàn tỉnh chuyển dịch sản xuất kinh doanh từ bị động về công nghệ số sang chủ động nghiên cứu phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số.
Phấn đấu có ít nhất 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, kinh doanh, phân phối sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ số trên địa bàn tỉnh; 200 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G, trước tiên là các khu vực đô thị, khu CNTT tập trung và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Có 1 - 3 doanh nghiệp công nghệ số có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT của doanh nghiệp trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, Chính phủ số, đô thị thông minh phục vụ hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức và người dân. Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 20 doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số được thành lập mới; có trên 1.000 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó các doanh nghiệp "Make in Vietnam" làm ra sản phẩm công nghệ lõi, chủ lực trong chuyển đổi số, đô thị thông minh.
Có ít nhất 12 doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng yêu cầu hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chính phủ số, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Phổ cập dịch vụ mạng di động 5G trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đăng ký mới trong lĩnh vực công nghệ cung cấp các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo cân bằng giữa khu vực thành thị và nông thôn, đưa công nghệ số vào mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, tư vấn về chuyển đổi số sẽ thực hiện chuyển đổi số thành công theo kế hoạch đặt ra của mỗi doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn. Phấn đấu kinh tế số chiếm 30% GRDP của tỉnh.
Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện cụ thể. Trong đó, tập trung xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp công nghệ sooa; phát triển hạ tầng số; phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; phát triển nhân lực công nghệ số; phát triển thị trường cho sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về phát triển doanh nghiệp công nghệ số.