Bình Dương: Công ty Sài Gòn Center ngang nhiên đổi tên dự án vi phạm để tiếp tục bán hàng
Liên quan đến vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH đầu tư và phát triển Sài Gòn Center và khách hàng sinh sống tại dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center thì dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center chưa đủ điều kiện bán hàng, bị Sở Xây dựng cắm bảng cảnh báo nhưng chủ đầu tư vẫn đổi tên dự án chào bán rầm rộ.
Bán đất chưa đủ điều kiện
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, ngày 25/12/2018, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 6258 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center do Công ty Sài Gòn Center làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích 99.958,2m2 với 500 căn liền kề quy mô từ 2 - 3 tầng. Tổng mức đầu tư dự kiến 369 tỷ đồng.
Ngày 28/12/2018, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 3839, Quyết định về việc thu hồi, giao đất và cho phép Công ty Sài Gòn Center chuyển mục đích sử dụng đất đợt 1 để thực hiện dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center với diện tích 5.389m2.
Ngày 10/9/2018, UBND thị xã Tân Uyên có Văn bản số 4916, Quyết định về việc phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Ngày 7/1/2022, UBND tỉnh Bình Dương có Văn bản số 120/QĐ-UBND, Quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Ngày 4/3/2022, Sở Xây dựng có Thông báo kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center. Ngày 29/4/2022, Sở Xây dựng cấp Giấy phép xây dựng hạ tầng kỹ thuật số 1635 cho dự án.
Như vậy, mặc dù dự án được UBND tỉnh Bình Dương cấp phép là dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center nhưng chủ đầu tư lại kí hợp đồng chuyển nhượng cho khách hàng lấy tên là dự án Khu đô thị Sài Gòn Center. Mặt khác, dự án đến nay chưa đầy đủ thủ tục pháp lý, nhưng thực tế Công ty này đã ký Hợp đồng chuyển nhượng đất với hàng chục khách hàng, thu về nhiều tỷ đồng từ năm 2018 và 2019.
Coi thường cơ quan chức năng
Với hành vi “cầm đèn chạy trước ôtô”, Công ty Sài Gòn Center bị Thanh tra Sở Xây dựng ban hành Quyết định xử phạt số 94 ngày 29/6/2020 và Quyết định số 866 UBND tỉnh Bình Dương ngày 12/4/2022 về hành vi xây dựng hạ tầng không phép.
Điều khá ngạc nhiên, mặc dù dự án này bị xử lý về hành vi xây dựng hạ tầng không phép ngày 12/4/2022, thế nhưng, không những không bị cưỡng chế mà hơn nửa tháng sau (ngày 29/4/2022) dự án đã được cấp Giấy phép xây dựng một cách nhanh chóng.
Liên quan đến dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center, nhiều lần trả lời báo chí, ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (thuộc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương) khẳng định, đến nay dự án vẫn chưa được cơ quan chức năng cho phép bán nhà hình thành trong tương lai. Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cắm bảng thông báo tại dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, huy động vốn, người dân cần cân nhắc khi giao dịch.
Sai phạm hàng loạt, bị cơ quan chức năng xử phạt, cắm bảng cảnh báo, báo chí lên tiếng nhưng không hiểu vì sao Công ty Sài Gòn Center vẫn “luồn lách” bằng việc thay đổi tên dự án thành Green Valley City để bán hàng khiến dư luận vô cùng bức xúc. Đồng thời, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Phạm Huỳnh Tuấn Anh khẳng định, đến nay Sở chưa nhận được hồ sơ xin đổi tên dự án của Công ty Sài Gòn Center.
Lấy lại đất khách hàng bằng mọi giá
Quay trở lại vụ án tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Sài Gòn Center với hai khách hàng là Nguyễn Văn Toàn và ông Phan Nhật Nam sinh sống tại dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center, Toà án nhân dân thành phố Tân Uyên tuyên án sơ thẩm ngày 27/3/2023.
Tại phiên Toà, phía Công ty Sài Gòn Center vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên huỷ Hợp đồng nguyên tắc về quyền sử dụng đất và bất động sản hình thành trong tương lai được kí kết giữa Công ty với ông Toàn và ông Nam, lý do: Ông Toàn và ông Nam chậm thanh toán tiền 1 năm; xây nhà không đúng với quy định trong bản vẽ; có hành vi đe doạ, lôi kéo nhằm gây áp lực cho Công ty.
Về phía ông Nam và ông Toàn đều phản tố, đưa ra bằng chứng chứng minh không vi phạm chậm thanh toán tiền. Xây nhà không đúng với quy định trong bản vẽ là do chủ đầu tư không yêu cầu, cũng không đưa bản vẽ, cũng không giám sát nên khi xây phía Công ty không có ý kiến gì. Còn việc đòi quyền lợi, yêu cầu chủ đầu thực hiện cam kết theo hợp đồng là yêu cầu chính đáng, pháp luật cho phép.
Để chứng minh thêm đề nghị thanh lý phía Công ty không đúng, Luật sư Trần Minh Hùng (người bảo vệ quyền lợi cho ông Toàn và ông Nam) cho rằng các điều khoản thanh lý hợp đồng 2 bên ký kết không có nội dung “xây nhà không đúng với quy định trong bản vẽ”, “có hành vi đe doạ, lôi kéo nhằm gây áp lực cho Công ty”.
Nhận thấy lý do thanh lý hợp đồng không thuyết phục, khó thắng kiện, phía chủ đầu tư “quay xe” đề nghị Hội đồng xét xử tuyên Hợp đồng vô hiệu. Bởi phía Công ty cho rằng, thời điểm ký hợp đồng với khách hàng, Công ty chưa đủ điều kiện chuyển nhượng nên hợp đồng này vô giá trị. Trước đề nghị bất ngờ của phía Công ty, Hội đồng xét xử quyết định tạm hoãn phiên Toà để làm việc với các cơ quan chức năng, thu thập thêm bằng chứng, chứng cứ làm rõ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài đứng vai trò Tổng Giám đốc Sài Gòn Center, ông Nguyễn Văn Quân còn là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Sài Gòn Land (Công ty Saigon Land).
Ngoài dự án Khu nhà ở Sài Gòn Center, dự án Khu đô thị Sài Gòn Land (ấp 4, phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) do Công ty Saigon Land làm chủ đầu tư cũng dính nhiều tai tiếng tương tự khi bị cư dân căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cấp thoát nước và bàn giao sổ đỏ cho người dân vào tháng 11/2020. Không chỉ cố tình trì hoãn việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng để cơ quan chức năng thực hiện công tác nghiệm thu, khách hàng còn tố cáo chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sài Gòn Land mang 266 sổ đỏ của dự án đi thế chấp tại ngân hàng.
Phi Long