Tam Dương: Sẽ tập trung xử lý xong hơn 560 trường hợp tồn tại vi phạm đất đai trong năm 2023
Với quan điểm “dễ làm trước khó làm sau”, năm 2023, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) tập trung xử lý xong 562 trường hợp tồn đọng vi phạm đất đai cũ, kiên quyết không để phát sinh vi phạm mới các trường hợp vi phạm mới về quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn.
Trong những năm gần đây, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đã được các cấp, các ngành, đặc biệt là Huyện ủy, UBND huyện và các xã, thị trấn quan tâm thực hiện, đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản (đất, cát, sỏi…) đã được kiểm soát và gần như chấm dứt hoàn toàn; tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, xây dựng trái phép, sử dụng đất vi phạm hành lang an toàn giao thông, vi phạm quy hoạch các công trình xây dựng đã giảm đáng kể so với trước năm 2010.
Theo số liệu tổng hợp, tính đến ngày 31/12/2019, trên địa bàn huyện có tổng số 3.030 trường hợp tồn tại, vi phạm về đất đai với tổng diện tích 191,69ha. Hầu hết các trường hợp vi phạm diễn ra đã lâu, nguồn gốc đất đai phức tạp, hồ sơ về đất đai và hồ sơ về công tác xử lý vi phạm trước đây bị thất lạc hoặc được lưu giữ, bàn giao không đầy đủ qua các thời kỳ nên rất khó khăn cho địa phương trong quá trình thực hiện.
Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 16/3/2020 của UBND tỉnh, tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Tam Dương còn tồn tại 1.178 trường hợp vi phạm. Trong năm 2023, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 21/KH-UBND ngày 30/01/2023 về xử lý vi phạm về sử dụng đất đai năm 2023 trên địa bàn huyện Tam Dương nhằm tập trung chỉ đạo xử lý, đảm bảo các chỉ tiêu cam kết với Tỉnh ủy, trong đó đối với việc xử lý vi phạm phải thực hiện xong 562 trường hợp, không để phát sinh trường hợp vi phạm mới.
Thực hiện cam kết với Huyện ủy, UBND huyện Tam Dương, năm 2023 các xã thị trấn trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch xử lý vi phạm về sử dụng đất đai với mục đích không để phát sinh vi phạm mới về quản lý, sử dụng đất đai. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật đất đai bằng nhiều hình thức đến người dân để nâng cao nhận thức về pháp luật đất đai, từ đó, chấp hành tốt pháp luật đất đai, chấp hành nghiêm Bản cam kết không vi phạm về sử dụng đất đai đã ký kết với UBND xã. Phát huy tối đa vai trò của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành tốt pháp luật đất đai để tạo hiệu ứng lan toả đến người dân.
Xã Hướng Đạo là 1 trong 4 địa phương còn nhiều trường hợp tồn tại vi phạm đất đai của huyện. Cam kết xử lý xong 70/162 trường hợp vi phạm năm 2023, ngay từ đầu năm, xã tiến hành rà soát, phân loại các trường hợp vi phạm, đối chiếu hồ sơ để làm rõ nguồn gốc, quá trình sử dụng… làm căn cứ xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan cấp trên xử lý theo quy định. Đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng ban, ngành, đoàn thể: Các ông bà trưởng thôn, công chức địa chính xã, trưởng công an xã, công chức tư pháp… trong đó, các ông bà trưởng thôn là trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và báo cáo kịp thời vi phạm và chịu trách nhiệm trước UBND xã, Chủ tịch UBND xã nếu để phát sinh vi phạm đất đai mới xảy ra.
Địa chính xã tham mưu UBND xã, Chủ tịch UBND xã xử lý, giải quyết các tồn tại vi phạm về đất đai trên địa bàn xã theo thẩm quyền, đúng pháp luật; chỉ đạo các thôn, có biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, chuyển nhượng đất trái phép ngay từ khi mới phát sinh; kịp thời tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý, giải quyết các trường hợp tồn tại, vi phạm pháp luật về đất đai của các thôn để UBND xã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện và của Phòng Tài nguyên và Môi trường trong quá trình thực hiện.
Với cam kết xử lý xong 60/129 trường hợp vi phạm, chủ yếu là các trường hợp vi phạm đất đai về lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, các dạng vi phạm khác thời điểm trước ngày 31/12/2017, xã Hoàng Hoa tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, vận động người dân tự tháo dỡ những công trình vi phạm, trả lại diện tích đã lấn chiếm, kiên quyết không để phát sinh trường hợp mới.
Với quan điểm “dễ làm trước, khó làm sau”, sau 3 năm thực hiện Kế hoạch 54, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Dương đã xử lý gần 1.900 trường hợp. Đến nay, các trường hợp vi phạm còn lại của các địa phương hầu hết là những trường hợp khó vi phạm từ lâu nên quá trình giải quyết, xử lý gặp nhiều khó khăn: Hồ sơ lưu trữ không đầy đủ khó thiết lập hồ sơ để xem xét, xử lý; lực lượng chuyên môn của cấp xã và cấp huyện còn thiếu so với số lượng trường hợp tồn tại cần giải quyết; công tác kiểm tra, rà soát, phân loại, xác định nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, lập phương án xử lý của UBND các xã, thị trấn gặp rất nhiều khó khăn; các trường hợp tự ý chuyển mục đích đất lâm nghiệp sang đất ở còn gặp khó khăn do sự xung đột giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch bảo vệ phát triển rừng của ngành lâm nghiệp...