0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 02/01/2025 11:30 (GMT+7)

Bị can Hoàng Quốc Vượng và các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN

Theo dõi KT&TD trên

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra Kết luận bổ sung vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bộ Công Thương và các tỉnh, thành liên quan nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam.

Đây là lần thứ 3 Cơ quan An ninh điều tra ra kết luận bổ sung và giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố 12 bị can về các tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Quá trình điều tra bổ sung lần 3, cơ quan chức năng đã tiến hành lấy lời khai đối với ông Trần Tuấn Anh (cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2021) và ông Trịnh Đình Dũng (cựu Phó Thủ tướng Chính phủ)…

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra (CQĐT) xác định, bị can Hoàng Quốc Vượng, (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương) cùng bị can Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo) có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc Bộ Công Thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi.

Ban đầu, CQĐT xác định, hành vi của các bị can Vượng, Kim gây ra thiệt hại hơn 937 tỷ đồng cho EVN, tính đến ngày 28/6/2023. Sau khi điều tra bổ sung, cơ quan chức năng xác định, thiệt hại trong vụ án lên tới hơn 1.043 tỷ đồng.

Với cựu Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, kết quả điều tra cho thấy, ông Tuấn Anh đã ký 6 Tờ trình, Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg. Quyết định này trái với Nghị quyết 115 của Chính phủ được ban hành trước.

Khi ký các Tờ trình, Báo cáo nêu trên, ông Trần Tuấn Anh không biết việc ông Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo điều chỉnh mở rộng diện đối tượng trái với Nghị quyết số 115. Ngoài ra, kết quả điều tra không có tài liệu, chứng cứ thể hiện ông Trần Tuấn Anh có động cơ vụ lợi, nên CQĐT không xem xét xử lý hình sự đối với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2021.

Bị can Hoàng Quốc Vượng và các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN
Bị can Hoàng Quốc Vượng - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương (trái) và bị can Phương Hoàng Kim - cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương.

Hồ sơ vụ án thể hiện, năm 2017, sau khi hủy dự án điện hạt nhân, Thủ tướng có quyết định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, quy định giá mua điện ưu đãi là 9,35 UScents/kWh, áp dụng đến hết tháng 6/2019.

Giai đoạn 2016-2018, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, ngoài 3 dự án điện mặt trời đã có, Thủ tướng phê duyệt bổ sung 5 dự án vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh còn Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 24 dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận.

Cuối năm 2017, Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (do ông Nguyễn Tâm Thịnh làm đại diện theo pháp luật) đề xuất và được UBND tỉnh Ninh Thuận chấp thuận, rồi có văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị bổ sung Dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, công suất 50 MW vào Quy hoạch điện VII.

Trên cơ sở đề xuất của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã thực hiện một số thủ tục thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị liên quan. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi đó có ý kiến chỉ xem xét bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh với các dự án đã hoàn thành thẩm định. Do đó, Bộ Công Thương dừng việc thẩm định, bổ sung quy hoạch các dự án điện mặt trời nói chung, trong đó có Trung Nam Thuận Nam.

Giai đoạn này, bị can Phương Hoàng Kim là Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công Thương đã trực tiếp chỉ đạo Phòng Kế hoạch và Quy hoạch thực hiện thủ tục thẩm định và trực tiếp ký các văn bản gửi các cơ quan, đơn vị, đề nghị góp ý về việc bổ sung quy hoạch dự án; bị can Hoàng Quốc Vượng là Thứ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp ký báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình phát triển các dự án điện mặt trời.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115 về một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận. Văn bản này có nội dung cho các dự án năng lượng mặt trời tại tỉnh được hưởng giá bán ưu đãi 9,35 UScents/kWh đến hết năm 2020, thay vì chỉ đến tháng 6/2019 như quyết định số 11/2017 của Thủ tướng.

Tháng 8/2018, Bộ Công Thương lập Tổ soạn thảo các Quyết định của Thủ tướng quy định về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Dự thảo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg), gồm 26 thành viên. Trong đó, Phương Hoàng Kim làm tổ trưởng.

Tổ soạn thảo đã đưa nội dung vào dự thảo: "Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá bán điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/1/2021, với tổng cộng suất không quá 2.000 MW đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh)...".

Tháng 4/2019, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng nội dung dự thảo và chỉ đạo thay đổi nội dung trên theo hướng, quy định áp dụng cho: "Các dự án điện mặt trời nối lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp".

Việc thay đổi như trên sẽ khiến số lượng các đơn vị được bán điện giá cao cho Tập đoàn Điện lực (EVN) "đã rộng còn mở rộng thêm". Tuy vậy, các bị can tại Bộ Công Thương vẫn nhất quyết thực hiện, bất chấp sự phản đối của Bộ Tư pháp và yêu cầu xem xét lại từ Bộ Tài chính.

Tháng 11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "thực hiện nghiêm" Nghị quyết số 115. Tuy nhiên, bị can Hoàng Quốc Vượng vẫn gửi dự thảo Tờ trình có nội dung: "Đối với tỉnh Ninh Thuận, giá mua điện từ các dự án điện mặt trời nổi lưới đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại trước ngày 1/01/2021 với tổng công suất tích lũy không quả 2.000 MW là 2.086 đồng/kWh".

Tháng 4/2020, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định số 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam, bao gồm nội dung nói trên.

Sau khi Quyết định số 13/2020 được ban hành, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có tổng cộng 30 dự án được hưởng chính sách giá điện 9,35 UScents/kWh. Trong đó có 2 nhà máy điện mặt trời không đủ điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi theo Nghị quyết số 115, gồm Solar Farm Nhơn Hải và Trung Nam Thuận Nam.

Việc trả tiền ưu đãi cho 2 nhà máy nói trên đã gây thiệt hại 1.043 tỷ đồng cho EVN, gồm Solar Farm Nhơn Hải hơn 99 tỷ đồng và Trung Nam Thuận Nam hơn 944 tỷ đồng. Trách nhiệm này thuộc về bị can Hoàng Quốc Vượng và đồng phạm.

Minh Phương

Bạn đang đọc bài viết Bị can Hoàng Quốc Vượng và các đồng phạm đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho EVN. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phạt gần 62 tỷ đồng vi phạm giao thông trong 2 ngày đầu năm 2025
Sau 2 ngày áp dụng xử phạt theo Nghị định 168/2024, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 25.079 trường hợp vi phạm, tạm giữ 169 xe ô tô, 8.147 xe mô tô, và 245 phương tiện khác...

Tin mới

Các dự án bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được Chính phủ hỗ trợ tài chính
Chính phủ mới ban hành Nghị định 182/2024/NĐ-CP quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ Hỗ trợ đầu tư. Theo đó, quỹ này là quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý; hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu bảo toàn nguồn tài chính của quỹ.
Ngậm đắng nuốt cay khi sơ hở trong đặt cọc đất đai
Gần đây xuất hiện nhiều tranh chấp trong việc đặt cọc mua đất đai, nhà thuộc các dự án... Người hiểu luật sẽ soạn thảo văn bản đặt cọc chặt chẽ, giải quyết mẫu thuẫn bằng cách khởi kiện ra tòa hoặc đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc nếu có dấu hiệu hình sự.
Mùa lễ hội “đỉnh nóc kịch trần” tại Top 10 dự án nổi bật nhất thị trường bất động sản 2024
Chuyển khẩu về “đảo tỷ phú” Vinhomes Royal Island (Vũ Yên, Hải Phòng), cư dân có cơ hội được sống giữa một thiên đường lễ hội với hàng chục sự kiện “bom tấn” trong năm, như thời điểm này là chuỗi lễ hội “đỉnh nóc kịch trần” chào đón năm mới Ất Tỵ 2025.
Những thức uống "hot trend" làm khuynh đảo giới trẻ năm 2024
Năm 2024 đánh dấu sự lên ngôi của những món thức uống độc đáo, sáng tạo, phản ánh xu hướng tìm kiếm sự mới lạ và khác biệt của giới trẻ. Từ trà sữa hành lá đến nước cốt mận xanh, những "hot trend" này không chỉ gây bão mà còn mở ra một sân chơi ẩm thực đầy thú vị.