Bán xong khách sạn lớn nhất Tây Nguyên, bầu Đức chính thức "đoạn tuyệt" bất động sản
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố tình hình kinh doanh tháng 9. Theo đó, công ty có ghi nhận doanh thu từ việc thanh lý tài sản với giá trị 180 tỷ đồng. Khoản thu này được cho đến từ việc công ty rao bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên.
Ngày 18/10, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán HAG) công bố tình hình kinh doanh tháng 9 với lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2023 là 710 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tháng 9, HAGL có ghi nhận doanh thu khác về thanh lý tài sản là 180 tỷ đồng. Theo Người Lao động, khoản thu này được ông Đoàn Nguyên Đức - bầu Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL - xác nhận với báo chí là từ việc thanh lý khách sạn HAGL.
Được biết, khách sạn HAGL hoạt động từ tháng 12/2005, gồm 117 phòng ngủ, là công trình đạt tiêu chuẩn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Sở hữu vị trí đắc địa, ngay Quảng trường Phù Đổng - trung tâm thành phố Pleiku, cạnh ngã tư Hùng Vương - QL19 - Nguyễn Tất Thành - Trường Chinh nhưng tài sản này không sinh lời, theo HAGL.
Khách sạn HAGL là tài sản bất động sản cuối cùng của bầu Đức, sau giai đoạn công ty mở rộng, phát triển nhiều dự án tại TP.HCM, thậm chí mở rộng ra Myanmar. Tuy nhiên khi kinh tế khủng hoảng, HAGL đã "bán tháo" một số dự án tại TP.HCM với mức giá không tưởng như Hoàng Anh River View (quận 2), Phú Hoàng Anh (huyện Nhà Bè) và bán luôn dự án khách sạn tại Myanmar.
Gánh nặng từ nợ, HAGL phải lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023, HAGL còn dư nợ trái phiếu tại BIDV là 5.271 tỷ đồng, không đổi so với đầu năm. Tại ngày 30/6, HAGL chưa thanh toán lãi vay phải trả cho kỳ đến hạn thanh toán với tổng giá trị hơn 2,6 tỷ đồng.
Mới đây, HAGL cũng công bố tính đến ngày 30/9 đã chậm thanh toán 2.870 tỷ đồng tiền lãi và chậm thanh toán 1.157 tỷ đồng tiền gốc của lô trái phiếu trên. Công ty dự kiến thanh toán vào quý IV năm nay.
Lý do chậm thanh toán, theo HAGL, là chậm nguồn tiền dự kiến thu nợ từ Công ty nông nghiệp HAGL - HAGL Agrico (nay thuộc Thaco) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi từ công ty.
Không chỉ có trái phiếu từ BIDV, HAGL còn nhiều khoản nợ khác. Tại ngày 30/6, HAGL nợ 8.085 tỷ đồng, vay ngắn hạn chiếm 51% cơ cấu. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 1,55 lần.
Vừa qua, doanh nghiệp của bầu Đức cũng đưa ra phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, dự thu khoảng 1.300 tỷ đồng. Số tiền thu về dự kiến để thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu (323 tỷ đồng), cơ cấu nợ tại TPBank (277 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động, cơ cấu nợ công ty con Hưng Thắng Lợi Gia Lai (700 tỷ đồng).
Anh Thư