Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chào bán cổ phiếu để lấy tiền trả nợ
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HOSE: HAG) vừa thông báo Nghị quyết HĐQT lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành riêng lẻ để huy động 1.300 tỷ đồng với mục đích trả nợ, cơ cấu lại nợ và bổ sung vốn lưu động.
Hạ giá, giảm khối lượng phát hành
Theo đó, ngày 10/8 Hoàng Anh Gia Lai đã chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và dự kiến thực hiện lấy ý kiến từ ngày 14/8 đến ngày 27/9.
Trước đó, HAG cho biết đã nhận được văn bản chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước về hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp. Cụ thể, HAGL sẽ chào bán gần 162 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến huy động là gần 1.700 tỷ đồng, HAG sẽ dùng để bổ sung vốn cho các công ty con và thanh toán một phần nợ gốc trái phiếu.
Tuy nhiên, việc chào bán này không thành công do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư được chào bán đã từ chối chào mua.
Lần này, HAG quyết định hạ giá và giảm khối lượng phát hành riêng lẻ. Cụ thể, Công ty sẽ chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.300 tỷ đồng, đối tượng huy động là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và dự kiến triển khai sau khi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản chấp thuận.
Về mục đích sử dụng vốn huy động, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến dùng 323 tỷ đồng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Công ty phát hành ngày 18/6/2012, có mã trái phiếu là HAG2012.300; 277 tỷ đồng cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho Công ty con là CTCP Gia Súc Lơ Pang và 700 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con của Công ty là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai;
Nặng gánh lãi vay
Theo Báo cáo tài chính đã công bố, quý 2/2023, lợi nhuận gộp của HAGL chỉ đạt 186 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay trong kỳ lên đến 267 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh chính của công ty đã không đủ để bù đắp chi phí lãi vay.
Tuy nhiên, nhờ ghi nhận lợi nhuận khác hơn 247 tỷ đồng (khoản này đến từ việc mua rẻ Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bolaven) nên Công ty lãi trước thuế 84 tỷ đồng.
Báo cáo kiểm toán năm 2022 của HAGL cũng cho thấy tình hình khó khăn của công ty trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của HAGL đạt 21.342 tỷ đồng và tổng nợ ở mức 15.954 tỷ đồng. Trong đó nợ ngắn hạn là hơn 10.434 tỷ và dài hạn là 5.520 tỷ. Vốn chủ sở hữu đạt 5.388 tỷ đồng, lỗ luỹ kế 2.947 tỷ đồng, giảm gần 400 tỷ so với hồi đầu năm.
Dư nợ vay của HAGL có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây tuy nhiên công ty vẫn gặp khó khăn khi thu xếp dòng tiền để thanh toán các khoản nợ và lãi vay đến hạn. Tính tới cuối quý 2/2023, tiền gửi ngân hàng và tiền mặt tại quỹ của Công ty đã giảm từ 72,37 tỷ đồng, xuống chỉ còn 50,08 tỷ đồng.
Mới đây, Hội đồng quản trị (HĐQT) HAGL vừa ra nghị quyết về việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của Hưng Thắng Lợi Gia Lai với khoản vay có hạn mức 500 tỷ đồng từ Sacombank Gia Lai. Nghị quyết được thông qua ngày 10/8/2023.
Cụ thể, khoản vay nói trên sẽ được HAGL cầm cố 30 triệu cổ phần tại Chăn nuôi Gia Lai, đồng thời đứng ra cam kết bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ phát sinh.
Chăn nuôi Gia Lai và Hưng Thắng Lợi Gia Lai đều là hai công ty con của HAGL, với tỷ lệ sở hữu của HAGL lần lượt 88% và 98%. Là công ty con, mọi khoản nợ của hai công ty này đều được ghi vào khoản nợ của HAGL trong báo cáo hợp nhất của công ty.
Chăn nuôi heo chưa tốt như kỳ vọng, đặt niềm tin vào sầu riêng
Chiều 20/8/2023 CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL mã chứng khoán HAG) đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ nhà đầu tư.
Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, sau 10 năm tham gia lĩnh vực nông nghiệp với nhiều cây trồng, vật nuôi như cao su, cọ dầu, rau củ quả, chanh dây, gà, bò…; đến nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai xác định con đường kinh doanh chủ lực là "hai cây - một con": chuối, sầu riêng và heo.
Chia sẻ với cổ đông tại Hội nghị, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết đối với lĩnh vực chăn nuôi heo chưa thực sự tốt như kỳ vọng, giá heo hơi biến động..., nhưng, đến nay đã thu lời 1 triệu đồng/con. Trong khi đó, giá chuối hiện đang ở mức 10,5 USD/thùng, mà thương hiệu chuối của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã có chỗ đứng tại thị trường Trung Quốc từ nhiều năm nay.
“Chỉ riêng trong tháng 7, tập đoàn đã ghi nhận lãi 115 tỷ đồng nhờ heo và chuối”, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết.
Với sầu riêng, tổng diện tích sầu riêng của Hoàng Anh Gia Lai hiện nay khoảng 1.200ha, trồng tại Gia Lai và Lào. Trong đó, có 700ha sầu riêng năm thứ 4 và năm thứ 5. Đến cuối năm 2024 sẽ thu hoạch lứa sầu riêng này.
Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến thu hoạch 80ha sầu riêng tại 3 vườn, với sản lượng khoảng 1.000 tấn quả. Trước mắt, đầu tháng 8 vừa qua đã thu hoạch 1 vườn sầu riêng 21ha, tương đương khoảng 500 tấn, bán xô ngay tại vườn cho thương lái với giá 77.000 đồng/kg.
“Dù chưa đạt được như kỳ vọng nhưng với 500 tấn trên diện tích 21ha là đã quá lớn, bán được 18 tỷ đồng. Trong khi chi phí cho vườn sầu riêng này là 3,6 tỷ đồng”, bầu Đức nói.
Theo ông, lợi nhuận sầu riêng năm 2024 có thể sẽ vượt chuối. Trong tương lai giá trị lớn nhất của Hoàng Anh Gia Lai là vườn sầu riêng.
Bầu Đức cho rằng hai thị trường tỷ dân hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ là nơi tiêu thụ sầu riêng hấp dẫn nhất. Hiện nay 10% dân Trung Quốc ăn sầu riêng, Ấn Độ thì chưa trồng được sầu riêng. Thị trường cho sầu riêng vẫn còn rộng lớn, quan trọng phải giải quyết bài toán sản lượng ổn định và chất lượng tốt.
Trung Anh