Hoàng Anh Gia Lai: Rao bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ trái phiếu
Động thái bán công trình khách sạn Hoàng Anh Gia Lai có vị trí tại Quảng trường Phù Đổng, trung tâm thành phố Pleiku của Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai diễn ra trong bối cảnh lô trái phiếu có mã HAGLBOND16.26 được Hoàng Anh Gia Lai phát hành ngày 30/12/2016.
Chậm thanh toán luỹ kế với số tiền lãi đến ngày 30/9/2023 là 2.870,6 tỷ đồng, số tiền gốc chậm thanh toán 1.157 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) có tiền thân là xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku do ông Đoàn Nguyên Đức sáng lập năm 1993 và được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2006. Công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE năm 2008 với mã chứng khoán là HAG.
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai được tổ chức theo mô hình tập đoàn hoạt động đa ngành nghề với lĩnh vực chính là trồng cây ăn trái và chăn nuôi gia súc. Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng duy trì một số ngành nghề hỗ trợ khác như bệnh viện và thể thao. Hiện nay, ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của tập đoàn.
Bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động, tháng 8 bán 30.900 tấn chuối
Xét về hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 3.155 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2023 của HAG đạt 628,5 tỷ đồng, tăng 163 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, theo giải trình của HAG, nguyên nhân lợi nhuận gộp tăng chủ yếu do doanh thu bán heo, trái cây và hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của Hoàng Anh Gia Lai đạt 255,8 tỷ đồng, giảm 31,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, HAG cho biết nguyên nhân chủ yếu là do giảm lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư. Chi phí tài chính 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận lỗ 553,8 tỷ đồng, giảm 47,8% so với cùng kỳ năm trước, theo giải trình từ phía tập đoàn, nguyên nhân giảm mạnh chủ yếu là dự phòng các khoản đầu tư vào nhóm Công ty HNG giảm. Đồng thời, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Ngược chiều, chi phí quản lý doanh nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lỗ 82,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là dương 955,7 tỷ đồng. HAG cho biết chi phí quản lý doanh nghiệp biến động lớn là do giảm hoàn nhập dự phòng các công nợ phải thu.
Trong kỳ, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 131,5 tỷ đồng, giảm mạnh 74% so với cùng kỳ năm trước. Con số lợi nhuận trước thuế được Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 371,4 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí liên quan, HAG đưa về 385,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số này giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Năm 2023, Hoàng Anh Gia Lai đặt mục tiêu đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 5.120 tỷ đồng và 1.130 tỷ đồng, như vậy, tính tới thời điểm hiện tại doanh nghiệp này đã đạt 61,6% kế hoạch doanh thu và 34% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Tính tới thời điểm ngày 30/6/2023, Hoàng Anh Gia Lai có tổng cộng tài sản đạt 20.912 tỷ đồng, tăng 1.114 tỷ đồng so với thời điểm hồi cuối năm ngoái. Trong đó tài sản ngắn hạn đạt 7.816 tỷ đồng, chiếm 37,3% tổng tài sản của HAG. Trong đó, đáng chú ý tiền của HAG ghi nhận đạt 50 tỷ đồng, giảm 22,2 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Trong kỳ, hàng tồn kho của Hoàng Anh Gia Lai tăng 110 tỷ đồng, đạt 1.258 tỷ đồng.
Trong cơ cấu tài sản của HAG phần lớn là tài sản dài hạn với 13.096 tỷ đồng và chiếm 62,6% tổng cộng nguồn vốn doanh nghiệp tính tới ngày 30/6/2023. Tài sản cố định của Hoàng Anh Gia Lai đạt 5.711 tỷ đồng, tăng 49,4% so với thời điểm cuối năm ngoái. Trong khi đó, bất động sản đầu tư ghi nhận sụt giảm 38% so với cùng kỳ năm trước, đạt 37,1 tỷ đồng.
Phía bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai tính tới thời điểm ngày 30/6/2023 đạt 15.690 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn đạt 9.820 tỷ đồng. Trong báo cáo soát xét, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến khoản lỗ lũy kế của Tập đoàn là 2.959 tỷ đồng, và tại ngày này, nợ ngắn hạn của Tập đoàn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 2.004 tỷ đồng. Theo ý kiến của kiểm toán, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn.
Giải trình về điều này, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bản niên 2023 đã được soát xét, Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai. Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Tập đoàn đang trong quá trình đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn; đồng thời, hoạt động kinh doanh từ heo và chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong năm 2023. Theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo.
Vốn chủ sở hữu của Hoàng Anh Gia Lai tính tới ngày 30/6/2023 đạt 5.222 tỷ đồng, chiếm 25% tổng cộng nguồn vốn của tập đoàn.
Gần đây nhất, trong thông báo cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh tháng 8/2023, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai cho biết doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu thuần đạt 660 tỷ đồng, trong đó dẫn đầu là ngành cây ăn trái khi đưa về 338 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 51,2%), tiếp đó là ngành chăn nuôi với 182 tỷ đồng (chiếm 27,5%); ngành phụ trợ cũng mang về cho HAG 140 tỷ đồng (chiếm 21,3%). Sản lượng tiêu thụ từng ngành đối với chăn nuôi là 32.584 con heo thịt và ngành cây ăn trái là 30.900 tấn chuối.
Bán khách sạn lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ trái phiếu
Mới đây, vào ngày 30/9, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đã công bố thông tin bất thường về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu có mã HAGLBOND16.26 được HAGL phát hành ngày 30/12/2016. Theo kế hoạch, ngày thanh toán lãi định kỳ là 30/9/2023. Trong đó tổng tiền lãi phải thanh toán là 122,5 tỷ đồng; số tiền lãi chậm thanh toán luỹ kế đến ngày 30/9/2023 là 2.870,6 tỷ đồng, số tiền gốc chậm thanh toán 1.157 tỷ đồng.
Tính đến ngày 29/9/2023, Hoàng Anh Gia Lai đã thanh toán gốc 380 tỷ đồng, thời gian dự kiến thanh toán phần còn lại vào quý VI/2023.
Theo Hoàng Anh Gia Lai, lý do chậm thanh toán là do nguồn tiền thanh toán từ khoản nợ của Hoàng Anh Gia Lai Agrico (hiện đã có thỏa thuận lộ trình trả nợ 3 bên) và thanh lý một số tài sản không sinh lợi của Hoàng Anh Gia Lai.
Để có nguồn tiền trả nợ, Hoàng Anh Gia Lai cũng đã đồng thời công bố nghị quyết về việc triển khai thực hiện thanh lý tài sản. Tài sản được thanh lý là tài sản gắn liền với đất là công trình khách sạn Hoàng Anh Gia Lai có vị trí tại Quảng trường Phù Đổng, trung tâm thành phố Pleiku. Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai được HAG đưa vào hoạt động từ năm 2005, đây cũng là khách sạn 4 sao đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên với 117 phòng ngủ.
Theo thông tin từ báo cáo tài chính bán niên 2023 đã soát xét, tại thời điểm ngày 30/6/2023, dư nợ trái phiếu tại BIDV chiếm tỷ trọng lớn nhất trong dư nợ trái phiếu của công ty với 5.271 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, khép phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu HAG tăng 2,3%, qua đó đưa thị giá của HAG đạt đạt 7.900 đồng/cổ phiếu.