Bán cắt lỗ ồ ạt, nhiều chủ đầu tư homestay 'tiến không được, lùi không xong'
Thời gian gần đây, rất nhiều homestay tại vùng ngoại ô Hà nội được rao bán cắt lỗ rầm rộ. Thế nhưng tình hình kinh tế khó khăn, để kiếm được khách đủ tiền mua homestay không phải là chuyện dễ dàng.
Nhiều chủ homestay “tiến không được, lùi không xong”
Nguyên nhân của việc rao bán rầm rộ này chính là các nhà đầu tư không thể trụ được trước những chi phí phải bỏ ra để duy trì. Đồng thời nguồn vốn bị đọng khi đầu tư khoản tiền lớn cũng khiến nhiều người phải “ngậm đắng” bán cắt lỗ.
Như trường hợp của chị Lê Thanh Bình (một chủ Homestay tại Hòa Bình) đang trong tình trạng “tiến cũng không được, lùi cũng không xong” vì homestay của chị luôn trong tình trạng vắng khách. Thu không đủ bù chi tình trạng diễn ra trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.
“Năm 2019, vợ chồng tôi đầu tư hơn 10 tỷ đồng để mua mảnh đất rộng hơn 2000m2 ở Hòa Bình, xây homestay. Theo kế hoạch định ra, vợ chồng tôi đều muốn gia đình đến nghỉ dưỡng vào cuối tuần, hay dịp hè. Trong thời gian không sử dụng đến homestay, tôi tính toán cho thuê, với mức giá trung bình 500-800.000 đồng/phòng” – Chị Bình cho biết.
Tuy nhiên, đến năm 2020 -2021, dịch Covid -19 bùng phát, hoạt động kinh doanh của homestay luôn trong tình trạng lỗ. Ngoài chi phí xây dựng, do làm việc và sống tại Hà Nội, vợ chồng chị Bình phải chi tiền thuê người dọn và bảo dưỡng homestay.
Đếm năm 2023 -2023, hoạt động kinh doanh cũng không có nhiều tín hiệu khả quan. Nhất là năm 2023, dù đã chạy quảng cáo, nhưng tỷ lệ lấp đầy phòng vẫn thấp. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng chị Bình phải bỏ ra gần 20 triệu đồng để “nuôi” homestay, trong khi nguồn doanh thu từ cho thuê phòng thu về như nước nhỏ giọt. “Chắc chúng tôi cũng tính bán lại homestay này để thu hồi vốn, vì cũng đang muốn đầu tư vào thứ khác. Thế nhưng rao bán rất nhiều lần nhưng vẫn chưa có khách nào hỏi”- Chị Bình chia sẻ.
Cùng tình cảnh, anh Văn Thái (Khâm Thiên, Hà Nội) là chủ một khu nghỉ dưỡng quy mô hơn 4000m2 tại Ba Vì (Hà Nội) cũng phải chấp nhận bù lỗ. Trước đó, anh dự tính chỉ cho khách đoàn thuê, để đảm bảo khâu cung cấp dịch vụ đảm bảo cho khách cũng như thu trọn khoản tiền lớn. Thời gian đầu mới mở homestay, nhờ bạn bè, người thân ủng hộ, khu nghỉ dưỡng của anh luôn trong tình trạng lấp đầy. Nhưng đến năm 2023, nhiều thời điểm, dù là cuối tuần, anh buộc phải cho khách thuê lẻ.
Với 8 phòng nghỉ, giá trung bình 800.000 đồng/ đêm. Trung bình cuối tuần, nếu lấp đầy các phòng, anh Thái thu về khoảng 10 – 12 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu trừ chi phí thuê người chạy quảng cáo, nhân viên phục vụ dọn phòng, nhân viên giám sát khu nghỉ dưỡng hỗ trợ khách sử dụng dịch vụ trong nội khu, khoản tiền lợi nhuận ròng mỗi tháng chỉ vài triệu đồng.
Đó là may mắn nếu tháng đó, lượng khách thuê đông. Nhưng nếu tính trừ đi toàn bộ khấu hao vận hành, anh Thái xác định lỗ.
Chưa kể, khoản tiền đầu tư khu nghĩ dưỡng sau thời gian ước tính lên tới gần 30 tỷ đồng, bao gồm chi phí mua đất, xây dựng nhà, thiết kế cảnh quan nội khu.
Bán cắt lỗ ồ ạt
Khoảng 3 năm trở về trước, vùng ngoại ô Hà Nội chứng kiến một cơn bão “găm” đất xây homestay của giới “nhà giàu” Hà Nội mạnh chưa từng có. Những nhà đầu tư về các vùng ven tìm đất rộng để đầu tư nhà nghỉ dưỡng, homestay, second home đông như trẩy hội. Thế nhưng, cơn bão này nhanh chóng đi qua, nhiều người đã phải ôm hận, bán cắt lỗ để mong thu tiền về.
Trên các diễn đàn về bất động sản, nhiều khu vực của các huyện Thạch Thất, Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) hay một số huyện của tình Hòa Bình homestay được rao bán rầm rộ.
Đơn cử, một khu homestay tại huyện Ba Vì được xây dựng trên mảnh đất có diện tích 1.400m2, trong đó có 220m2 là đất ở, còn lại là đất vườn. Theo người bán, căn nhà có sức chứa khoảng 30 người, được chia thành 6 phòng ngủ. Hiện căn nhà được cho thuê nghỉ dưỡng với giá khoảng 10 triệu đồng/ngày đêm, dịp cuối tuần hoặc lễ sẽ phụ thu thêm 1-2 triệu đồng.
"Cách đây hơn 1 năm, chủ nhà mua mảnh đất với giá 5,5 tỷ đồng, sau đó đầu tư thêm 2 tỷ đồng để xây dựng. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính, nên chủ chỉ bán với mức giá 5 tỷ đồng. Hiện căn nhà còn khá mới, người mua gần như không phải sửa chữa gì, có thể vận hành, kinh doanh luôn", môi giới nói.
Tương tự, một khu homestay khác được rao bán cắt lỗ với giá 15 tỷ đồng tại huyện Ba Vì. Theo người bán, diện tích đất rộng 1.260m2, trong đó có 200m2 là đất thổ cư. Hiện chủ đất đã xây dựng sẵn một căn biệt thự 2 tầng và 2 bungalow (một loại hình nhà có diện tích nhỏ). Ngoài ra, khuôn viên tiểu cảnh đã được thiết kế tỉ mỉ, tâm huyết.
"Xe ô tô 29 chỗ có thể di chuyển thẳng tới khu homestay. Về vị trí nằm gần khu sinh thái lớn như Vườn Quốc gia Ba Vì, khu du lịch sinh thái Long Việt... Homestay có view núi, xung quanh có hồ, không khí rất thích hợp để nghỉ dưỡng", người bán cho biết.
Hay một căn homestay khác tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình) được xây dựng trên mảnh đất 1.000m2 đang được rao bán với mức giá 3 tỷ đồng. Môi giới cho biết, hiện căn homestay này được cho thuê với giá 5 triệu đồng/đêm. Do chủ nhà không còn nhu cầu kinh doanh nên tìm khách mua. Bên cạnh đó, thị trường đang chững lại nên chủ nhà mới bán với mức giá nêu trên, thực tế họ chấp nhận lỗ gần 1 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhiều khu nghỉ dưỡng có diện tích từ 5.000m2 đến 10.000m2 đã được hoàn thiện cũng đang được rao bán với mức giá hàng chục tỷ đồng.
Không chỉ các homestay được rao bán rầm rộ, đất rừng sản xuất, đất trồng cây lâu năm cũng được rao bán với giá cực bèo. Loại đất này thường có giá rất rẻ chỉ từ vài chục nghìn đồng/m2, trong trường hợp, mảnh đất có một phần nhỏ là đất thổ cư giá bán có thể lên tới vài triệu đồng/m2.
Đơn cử, một mảnh đất rừng sản xuất bám đường liên xã tại Lạc Thủy (Hòa Bình) có diện tích 23ha, đang được rao bán với giá 9,2 tỷ đồng, tương đương 40.000 đồng/m2, chỉ bằng giá một gói kẹo, bánh mua tại cửa hàng tạp hóa.
Cũng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, một mảnh đất rừng sản xuất tại Kim Bôi có diện tích 2,3ha đang được rao bán với giá 950 triệu đồng, tương đương hơn 41.000 đồng/m2. Người bán cho biết: “Mảnh đất nằm tại vị trí cạnh đường Tỉnh lộ 21B. Thích hợp để làm trang trại, xây dựng nhà hàng hoặc làm homestay. Về mức giá, người mua có thể đàm phán thêm”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - cho biết, sự bão hòa của loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng ở ven đô đã được dự báo từ trước. Đồng thời, một số trường hợp xây dựng tự phát không theo quy hoạch, sẽ dẫn đến nguy cơ lạm dụng và xâm lấn trái phép đất đai, tài nguyên và thậm chí là thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Quang Anh