Ba trụ cột góp phần phát triển kinh tế số
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ để phát triển kinh tế số cần dựa trên cả 3 trụ cột, gồm quản trị số, khai thác dữ liệu và phát triển kinh tế số ngành.
Kinh tế số đang trở thành một xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Kinh tế số hiện nay đã trở thành một trong ba trụ cột chính của chuyển đổi số quốc gia và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế.
Kinh tế số được định nghĩa khác nhau trên toàn cầu. Theo IMF (2018), nó bao gồm việc sử dụng dữ liệu và Internet trong các quy trình sản xuất sản phẩm, tiêu dùng hộ gia đình và chính phủ. Dahlman và đồng nghiệp (2016) cho rằng kinh tế số là sự hợp nhất của các công nghệ chung và hoạt động kinh tế - xã hội thông qua Internet và các công nghệ liên quan. Các nghiên cứu khác đã đưa ra các định nghĩa tương tự.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số quốc gia được thúc đẩy thông qua chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 với định hướng đến năm 2030, bao gồm ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Tuy nhiên, nền kinh tế số Việt Nam đang ở giai đoạn mới phát triển và cần các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số trong bối cảnh các điều kiện về thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn lực chưa đầy đủ và đồng bộ.
Trong giai đoạn từ năm 2020 đến 2022, Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để phát triển kinh tế số. Trong thời gian này, hoạt động mua bán trực tuyến đã trở nên phổ biến và đáng chú ý. Theo Bộ Công Thương, số lượng người tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng gần 51% so với năm 2016, đạt 49,3 triệu người vào năm 2020. Con số này tiếp tục tăng lên 54,6 triệu người vào năm 2021 và ước tính sẽ đạt khoảng 57-60 triệu người vào năm 2022. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực Đông Nam Á, và vào năm 2022, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam trong năm 2022 là 28%, cao hơn so với Indonesia, Philippines và Singapore (tăng 22%), Thái Lan (tăng 17%) và Malaysia (tăng 13%).
Xác định kinh tế số là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, từ cuối tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bộ TT&TT là cơ quan được giao chủ trì thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số. Theo ước tính của Bộ, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số trong GDP đã tăng từ 11,91% năm 2021 lên đạt 14,26% trong năm 2022 và mục tiêu đến năm 2025 là 20%.Trong đó, kinh tế số ICT đóng góp 50,644%, kinh tế số của ngành/lĩnh vực đóng góp 30,54%, và kinh tế số nền tảng đóng góp 18,82%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về vấn đề phát triển kinh tế số, cho rằng tăng trưởng kinh tế số hiện nay ở Việt Nam và khu vực đang gấp từ 2 đến 3 lần GDP và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Theo ông, phát triển kinh tế số cần phải tập trung vào "3 chân" bao gồm: quản trị số, khai thác dữ liệu để tạo giá trị cho kinh tế, và các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó ICT chiếm 20% và kinh tế số ngành chiếm 80%, được tạo ra thông qua quá trình chuyển đổi số của các ngành.
Tuy nhiên, hiện nay, trong ba chân kinh tế số trên, vấn đề quản trị số và khai thác dữ liệu để tạo giá trị vẫn chưa được đề cập đến nhiều. Kinh tế số ngành cũng chưa được phát triển đúng mức, và ICT, mặc dù là động lực phát triển kinh tế số ngành, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn rõ ràng để thúc đẩy và tạo động lực phát triển.
Bảo An