Agribank tăng vốn điều lệ lên gần 41.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trong đó vốn điều lệ được tăng từ 34.210 tỷ đồng lên 40.963 tỷ đồng.
Theo giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 12/1 ghi nhận, vốn điều lệ tại ngân hàng này đã được tăng từ 34.210 tỷ đồng lên 40.963 tỷ đồng, tương ứng tăng 6.753 tỷ đồng.
Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội XV đã chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tương ứng với số lợi nhuận còn lại thực nộp ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Agribank, tối đa là 17.100 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2023 là 6.753 tỷ đồng và năm 2024 là 10.347 tỷ đồng. Như vậy, nếu được bổ sung tổng 17.100 tỷ đồng, vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên hơn 51.500 tỷ đồng.
Sau khi tăng vốn điều lệ lên 40.963 tỷ đồng, Agribank hiện xếp thứ 6 toàn ngành về quy mô vốn điều lệ, sau 3 ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và 2 ngân hàng thương mại cổ phần là MB và VPBank.
Dù vậy, ban lãnh đạo Agribank cho rằng số vốn tăng thêm này chỉ đủ cho tăng trưởng tín dụng đến năm 2024. "Dự kiến năm 2025, để tăng trưởng 10% dư nợ tín dụng, Agribank cần được Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ 10.000 tỷ đồng", Chủ tịch Agribank Phạm Đức Ấn chia sẻ tại Hội nghị Sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023.
Việc tăng vốn giúp Agribank đạt hệ số an toàn vốn theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Đồng thời, việc này gia tăng giá trị doanh nghiệp cho Agribank, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình cổ phần hóa và tăng giá trị thặng dư cổ phần hóa. Đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của Agribank trong đầu tư phát triển tam nông, thực thi chính sách tiền tệ và điều hành của Chính phủ và NHNN.
Dù đã được tăng thêm gần 7.000 tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ của Agribank hiện chỉ xếp thứ 6 toàn ngành, thấp nhất trong nhóm Big4 và kém xa hai ngân hàng thương mại cổ phần là MB (hơn 52.100 tỷ đồng) và VPBank (hơn 79.300 tỷ đồng).
Trong khi đó, quy mô tín dụng của Agribank đến cuối năm 2023 là 1,55 triệu tỷ đồng, chỉ đứng sau BIDV (1,79 triệu tỷ đồng), cao hơn VietinBank (1,48 triệu tỷ đồng) và Vietcombank (1,28 triệu tỷ đồng) và cao hơn nhiều so với mức 615.400 tỷ đồng của MB.
Tổng tài sản của Agribank đến cuối năm 2023 đã vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng.
Tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,55 triệu tỷ đồng, trong đó 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Nợ xấu dưới 2%.
Được biết, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) được thành lập theo Nghị định số 53-HĐBT ngày 26/03/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trải qua mỗi thời kỳ phát triển với những tên gọi gắn với sứ mệnh khác nhau, xuyên suốt 36 năm xây dựng và phát triển, Agribank luôn khẳng định vị thế, vai trò của một trong những Ngân hàng Thương mại hàng đầu Việt Nam, đi đầu thực hiện chính sách tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, luôn đồng hành cùng sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có nhiều đóng góp tích cực thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2021 Agribank tiếp tục đạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Giải thưởng trong nước: Agribank tiếp tục được xếp hạng TOP10 VNR500 và giữ vị trí thứ nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam; Top 10 Ngân hàng thương mại Việt Nam uy tín năm 2021 (Vietnam Report); Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng năm 2021 (do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy - Vietnam bình chọn); TOP10 Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất năm 2020 (do Tổng cục Thuế công bố); Giải thưởng Sao Khuê 2021 với sản phẩm Agribank Realtime Payments; Tại lễ vinh danh các ngân hàng thành viên tiêu biểu có đóng góp cho hoạt động của hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, góp phần thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank được vinh danh tại 2 hạng mục “Ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả đầu tư và phát triển mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ và “Ngân hàng nổi bật trong các dịch vụ tiềm năng” do Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức.
Hiện Agribank đang tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn 2030, thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 2 gắn với nhiệm vụ đẩy nhanh tiến trình thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Agribank theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục giữ vững vị trí, vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tiến Hoàng