60 dự án tại TP.HCM thế chấp ngân hàng nên chưa thể cấp sổ hồng
Theo báo cáo kết quả giám sát công tác cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà của Hội đồng nhân dân TP.HCM cho thấy, hiện trên địa bàn TP có 60 dự án nhà ở mà chủ đầu tư thế chấp ngân hàng và chưa xoá chấp nên chưa được cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Theo đó, nhiều dự án đăng ký thế chấp với thời gian dài nhưng chưa thực hiện thủ tục xoá đăng ký thế chấp, làm ảnh hưởng đến việc người mua nhà không được cấp giấy chứng nhận.
Hiện có 41/60 dự án chủ đầu tư thế chấp từ năm 2016 đến 2023, một số dự án đã đưa vào sử dụng và bàn giao cho người mua nhà.
Liên quan đến vấn đề dự án bị thế chấp, quy định đã quy định rất cụ thể trước khi chủ đầu tư dự án ký hợp đồng mua bán phải giải chấp tài sản thế chấp hoặc phải có thoả thuận giữa bên thế chấp, chủ đầu tư, người mua nhà nên trong công văn thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với các dự án thế chấp luôn có câu dự án đã được thế chấp, trong trường hợp này các ngân hàng đều có công văn đồng ý cho phép chủ đầu tư mở bán.
Nếu chủ đầu tư cố tình chưa giải chấp mà ký hợp đồng với người mua nhà là lừa gạt. Tuy nhiên, vụ việc này xảy ra rất nhiều, thậm chí có trường hợp chủ đầu tư khi Sở Xây dựng đồng ý cho bán thì mới đem đi thế chấp, thế chấp cả nhà ở hình thành trong lai.
Theo ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, đối với các dự án chưa giải chấp ngân hàng nhưng chủ đầu tư vẫn bán, thời gian qua xảy ra rất nhiều. TPHCM sẽ cố gắng minh bạch thông tin tối đa để người dân biết, đồng thời tăng cường xử lý vi phạm.
Để minh bạch thông tin, UBND TP.HCM sẽ giao Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng làm việc với các ngân hàng, nắm lại các danh sách thế chấp, giải chấp để giải quyết vướng mắc trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà.
Bên cạnh vấn đề dự án bị thế chấp dự án, hiện nay trên địa bàn TP.HCM còn có nhiều dự án vi phạm pháp luật về xây dựng như chủ đầu tư xây dựng không đúng giấy phép hoặc xây dựng không đúng quy hoạch nên không đủ điều kiện nghiệm thu, hoàn công, cấp giấy chứng nhận như: tự ý cơi nới, nâng tầng, chia nhỏ căn hộ, chuyển công năng…
Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Thanh Khiết, theo quy định của pháp luật không được hợp thức hoá các công trình xây dựng, không được tái cấp phép xây dựng các phần sai phép trong khi thực tế đã xảy ra, thực tế các quận, huyện có thể triển khai cưỡng chế các phần này nhưng một số trường hợp không thể nào cưỡng chế phá dỡ được.
Quan điểm của Sở Xây dựng, đối với phạm vi nào không vướng đến vi phạm xây dựng thì sẽ cấp giấy chứng nhận, phần nào vi phạm về cấp phép xây dựng về mặt kết cấu, khả năng chịu lực, ảnh hưởng đến mặt lâu dài thì buộc phải xử lý.
Sở Xây dựng đã có đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện báo cáo thật bản chất của vấn đề đến Sở Xây dựng, UBND TP.HCM nội dung nào xử lý được, nội dung nào xử lý không được.
Thiên An