2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,8 triệu lượt
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung hai tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 2 năm 2023. Theo đó, tính chung hai tháng đầu năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 1.804,1 nghìn lượt người.
Trong số này, có 1,293 triệu lượt khách đến từ các quốc gia châu Á, chiếm 71,7%; khoảng 242.500 lượt người từ châu Âu, chiếm 13,4%.
Số lượng còn lại là khách từ châu Mỹ (khoảng 186.300 lượt), châu Úc (khoảng 77.300 lượt) và châu Phi (khoảng 4.300 lượt).
So với cùng kỳ năm 2022, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2023 đạt gấp 36,6 lần. Tuy nhiên con số này chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Trong tháng 2, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 933 nghìn lượt người, tăng 7,1% so với tháng trước và gấp 31,6 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Song nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, lượng khách quốc tế đến Việt nam có thể bùng nổ hơn nếu như chính sách visa thông thoáng hơn. Hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ được miễn thị thực trong vòng 15 ngày, việc này khiến khách phải cắt ngắn hành trình lưu trú ở Việt Nam. Hoặc khách đang ở Đông Nam Á muốn sang Việt Nam chơi nhưng ngần ngại về visa nên họ chuyển sang nước khác để giảm bớt thủ tục.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ VH&TT&DL Nguyễn Văn Hùng đã kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng cấp thị thực điện tử cho tất cả thị trường khách; tiếp tục đơn giản hóa về thủ tục cấp, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động này.
Đặc biệt cho phép kéo dài thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 lên 30 ngày.
Báo cáo của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, tổng doanh thu du lịch lữ hành hai tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do nhiều tỉnh/thành phố tổ chức các hoạt động khai Xuân trở lại sau dịch Covid-19. Đây cũng là một yếu tố thu hút khách du lịch.
Một số địa phương có mức doanh thu lữ hành cao gồm: Hải Phòng gấp 17,5 lần; Tây Ninh gấp 15,9 lần; Đà Nẵng gấp 7,1 lần; Hà Nội gấp 3,1 lần; Thành phố Hồ Chí Minh tăng 84,4%.
Từ đầu năm đến nay, Tổng cục Du lịch Việt Nam cùng các địa phương, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã tích cực triển khai hàng loạt hoạt động để quảng bá, xúc tiến hợp tác du lịch với các đối tác, thị trường tiềm năng. Đầu tháng 2, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn Du lịch ASEAN tại Indonesia, tham dự hàng loạt các hội nghị và sự kiện bên lề của sự kiện, tham dự Hội chợ TRAVEX với Gian hàng Du lịch Việt Nam.
Năm 2023, chính phủ đặt mục tiêu 102 triệu lượt khách du nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, với doanh thu từ du lịch dự kiến tăng hơn 30%, mặc dù vẫn thấp hơn mức của năm 2019. Trong khi đó, tổng doanh thu du lịch từng cao tương đương 10% GDP vào 2019.
Với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ góp phần thúc đẩy, phục hồi, phát triển ngành du lịch của cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19; thu hút mạnh mẽ khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” dự kiến diễn ra vào tối 25/3 tại thành phố Phan Thiết. Đây được coi là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2023.
Lan Anh