Xuất khẩu chè dự kiến đạt 250 triệu USD trong năm 2024
8 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 93 nghìn tấn chè, thu về khoảng 4.000 tỷ đồng, vượt kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này năm ngoái. Với sản lượng chè hiện nay, toàn ngành nhắm tới mục tiêu thu về 250 triệu USD kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của Việt Nam đạt 92.800 tấn, thu về 162,62 triệu USD (khoảng 3.970 tỷ đồng). Trong đó, chủng loại chè xanh xuất khẩu chiếm ưu thế với hơn 50% tổng trị giá xuất khẩu; tiếp theo là chủng loại chè đen, chè ô long và chè ướp hoa.
Về thị trường tiêu thụ, Pakistan tiếp tục là thị trường nhập khẩu chè Việt nhiều nhất, với 62,3 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc chi gần 13,2 triệu USD mua chè Việt Nam, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Mỹ cũng tăng mạnh, gần 8 triệu USD.
Giá chè xuất sang Pakistan vẫn dẫn đầu, duy trì mức trên 2.000 USD một tấn, trong khi các thị trường khác chỉ dao động từ 1.600 đến 1.800 USD một tấn. Riêng Trung Quốc, dù tăng sản lượng thu mua gấp 3 lần, giá chè trung bình chỉ đạt 1.458 USD một tấn, giảm gần 40%.
Ông Hoàng Vĩnh Long - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Trong 8 tháng năm 2024, xuất khẩu chè của nước ta đã thu về gần 163 USD, tăng mạnh cả về số lượng, giá trị so với tháng cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu mặt hàng này khởi sắc dựa vào nhiều yếu tố, trong đó nổi lên là các thị trường nhập khẩu chè của Việt Nam tăng mạnh sau phục hồi kinh tế các các quốc gia và mức độ tiêu dùng của người dân tăng lên. Đơn cử như các thị trường: Trung Quốc, Đông Nam Á, Indonesia.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất chế biến chè ngày càng quan tâm hơn đến chất lượng vùng nguyên liệu, đặc biệt là các vùng nguyên liệu thuộc công ty quản lý. Các doanh nghiệp chè của Việt Nam đã cùng bắt tay nhau cam kết thực hiện sản xuất chè chất lượng và xây dựng uy tín đối với khách hàng, tiêu biểu như: Cozy, Tổng công ty Chè Việt Nam, Công ty chè Sông Lô, Công ty chè Mỹ Lâm, Công ty chè Á Châu... Điều này góp phần ổn định chất lượng thị trường chè.
Năng suất chè cũng được cải thiện nhờ thời tiết thuận lợi, giúp sản lượng chè tăng lên so với năm trước. Tất cả những yếu tố này kết hợp lại đã góp phần tạo nên sự khởi sắc cho xuất khẩu chè Việt Nam, hứa hẹn tương lai tươi sáng cho ngành chè.
Đánh giá về xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung nhận định, doanh nghiệp chè rất tích cực trong việc ký kết các đơn hàng, tín hiệu phục hồi của thị trường đang rất tốt. Vấn đề cần quan tâm là tiếp tục phát triển ngành chè Việt Nam thực sự hiệu quả, bền vững, với giá trị cốt lõi là mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân.
Theo Thứ trưởng, muốn đạt được mục tiêu nói trên, trước hết cần phải ổn định diện tích trồng chè. Xây dựng bộ giống chất lượng cao, cơ cấu giống phù hợp với từng địa phương, từng vùng sinh thái trồng chè nhằm đảm bảo Việt Nam có vùng nguyên liệu đáp ứng được nhu cầu chế biến, tiêu chuẩn thị trường, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng.
Các doanh nghiệp cho biết, 2024 là năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực cho xuất khẩu chè, với nhiều thị trường tăng mua từ 50% đến 230%. Họ kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng này trong 4 tháng cuối năm đạt kỷ lục, có thể vượt qua mốc 229 triệu USD của năm 2011.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận thấy cơ hội mở rộng thị trường cho chè Việt, nhưng để cạnh tranh ngành này cần tập trung vào chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh sản xuất chè hữu cơ và áp dụng quy trình chế biến hiện đại, theo Cục Xuất nhập khẩu.
Trong 4 tháng còn lại của năm nay, dự báo xuất khẩu thế chè của nước ta vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, xuất khẩu chè có thể đạt được 150.000 tấn, trị giá khoảng 250 triệu USD trong năm nay.
Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85.000 tấn chè, thu về 157 triệu USD. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 5 trên thế giới.
Theo thống kê, nước ta có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130.000ha. Loại cây này chủ yếu được trồng tại các tỉnh thành thuộc khu vực trung du, miền núi, những nơi có khí hậu mát mẻ như trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Một số tỉnh của nước ta có diện tích đất trồng chè lớn là Thái Nguyên (22.300ha), Lâm Đồng (10.800ha), Hà Giang (21.500ha), Phú Thọ (16.100ha)... Hiện nay, Việt Nam có đa dạng giống chè, theo thống kê có đến 170 giống chè các loại bảo đảm chất lượng và cho năng suất cao.