Xử lý mạnh tay các hoạt động đa cấp biến tướng
Kinh doanh đa cấp mặc dù được pháp luật công nhận nhưng do một số lượng không nhỏ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp làm ăn chụp giật, lừa đảo, gây nên sự mất lòng tin trong nhân dân, ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh đa cấp và doanh nghiệp chân chính.
Kinh doanh đa cấp vốn phát triển tốt ở những nền kinh tế phát triển, có hành lang pháp lý rõ ràng và ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cao. Thế nhưng, khi du nhập về Việt Nam, mô hình này thường bị lợi dụng, biến tướng và để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế cũng như an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng.
Để ngăn chặn hoạt động đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, xử lý nghiêm hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm hệ lụy xấu cho xã hội.
Nhận định về vấn đề này, ông Phạm Văn Cao (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) cho biết, bán hàng đa cấp chỉ là một phương thức bán theo hình thức nhiều cấp, phương thức phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, bán hàng đa cấp bất chính lại là hoạt động không hợp pháp và gây hệ lụy rất lớn cho cộng đồng, xã hội.
Theo đó, dấu hiệu dễ nhận biết nhất chính là phải đặt cọc, nộp tiền tham gia, bắt buộc mua hàng, tuyển dụng thành viên nhưng không bán hàng hoặc hàng không giá trị. Ngoài ra, còn vài dấu hiệu khác như nói quá nhiều về cơ hội làm giàu, công dụng sản phẩm, không cho trả lại hàng...
Đặc biệt, việc khiến các tổ chức bán hàng đa cấp không tin cậy có thể nhận ra kiểu hướng dẫn cách vay mượn, cầm cố tài sản, cách che giấu kế hoạch làm giàu, không giấy tờ biên lai rõ ràng, nộp tiền qua tài khoản cá nhân.
Báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) nêu rõ, cả nước hiện có 20 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện khoảng 750.000 người, doanh thu tăng trưởng từ 10 - 20%/năm và tập trung ở một nhóm doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp này hiện đang hoạt động tuân thủ quy định tại Nghị định 18/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/ NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Đáng lưu ý, ngoài các doanh nghiệp luôn tuân thủ quy định của pháp luật, vẫn còn nhiều trường hợp đã lợi dụng đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp cũng như người tiêu dùng. Bởi vậy, sản phẩm được kinh doanh qua hệ thống đa cấp phần lớn là mặt hàng khó kiểm tra được về giá trị, chất lượng, hiệu quả sản phẩm mà phổ biến nhất là các loại thực phẩm chức năng hay thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.
Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn sử dụng chiêu thức dụ dỗ, lôi kéo người tham gia bán hàng đa cấp vào hoạt động mua cổ phần, góp vốn, hợp tác kinh doanh, mua phân quyền kinh doanh. Cùng đó là hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, các khóa học online... gây ra những thất thoát lớn về kinh tế cho nhiều người. Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ bị dẫn dụ thông qua môi trường giao tiếp không biên giới trên không gian mạng ngoài khuôn khổ quản lý của Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh Trần Thu Hà cho biết, từ khảo sát nhận diện những vấn đề tác động đến sinh viên thành phố thực hiện mới đây cho thấy, bên cạnh chuyện học hành, các bạn rất quan tâm vấn đề tài chính, việc làm. Các bạn luôn có nhu cầu tìm kiếm cơ hội việc làm để gia tăng nguồn tài chính, trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và mở rộng mối quan hệ. Tuy vậy thực tế không phải bạn nào cũng đủ kiến thức để nhận diện và tìm được những công việc phù hợp. Lợi dụng điều này, có những cá nhân, tổ chức đã lôi kéo sinh viên tham gia vào các hình thức kinh doanh; trong đó, có kinh doanh đa cấp bất hợp pháp với sự biến tướng, tinh vi và biểu hiện ngày càng nguy hiểm.
Báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 doanh nghiệp; điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng số tiền phạt 11 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2023, Bộ Công Thương đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 doanh nghiệp bán hàng đa cấp và 1 cá nhân người tham gia bán hàng đa cấp tổng số tiền phạt hơn 1,1 tỷ đồng. Các vi phạm được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nên việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã chuyển thông tin về 5 trường hợp có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, không phép cho Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an để theo dõi, giám sát và xử lý kịp thời. Đồng thời, phối hợp trả lời, cung cấp thông tin cho cơ quan công an các địa phương như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Hà Nam, Quảng Bình, Đà Nẵng trong việc xác định, xử lý các hoạt động kinh doanh đa cấp có dấu hiệu bất hợp pháp.
Thời gian tới, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước biểu hiện của đa cấp biến tướng. Bên cạnh đó, phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, nhất là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền về đa cấp bất chính nhằm hạn chế nguy cơ người dân tham gia cũng như nâng cao nhận thức tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Đối với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng; đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, nâng cao tính răn đe và ngăn ngừa sớm các hệ lụy xấu cho xã hội.
Tiến Hoàng