Vượt qua Mỹ, Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Với kim ngạch xuất khẩu đạt 713 triệu USD, Nhật Bản đã vượt Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong quý II năm 2023.
Theo báo cáo mới cập nhật của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nửa đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ sụt giảm mạnh nhất (-46%) trong số các thị trường chính do lượng tồn kho tôm và cá tra tại thị trường này lớn, lạm phát tăng khiến nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ giảm. Do vậy, Mỹ đã mất vị trí thị trường số 1 cho Nhật Bản.
Về doanh số, xuất khẩu sang Nhật Bản cao hơn Mỹ không đáng kể, và hai thị trường này vẫn chiếm 17% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam đạt lần lượt 713 triệu USD và 706 triệu USD.
Trong top 8 thị trường, giá trị xuất khẩu sang Nhật Bản giảm ít nhất (-11%). Có 2 nguyên nhân: tỷ lệ hàng giá trị gia tăng xuất khẩu sang Nhật cao hơn so với các nước khác và tỷ trọng hàng gia công, chế biến xuất khẩu cũng cao hơn. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 với kim ngạch 636 triệu USD, chiếm trên 15%.
Sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc mở cửa cho các hoạt động giao thương với thế giới từ tháng 1/2023, nhiều nước xuất khẩu thủy sản kỳ vọng sẽ đẩy mạnh sang thị trường khổng lồ này. Đó là nguyên nhân khiến cho nguồn cung thủy sản tràn ngập vào thị trường này, nhất là tôm giá rẻ từ Ecuador và Ấn Độ khiến cho thủy sản Việt Nam bị áp lực cạnh tranh rất lớn.
Bên cạnh đó, chính nền kinh tế Trung Quốc bị hạn chế bởi dịch COVID-19 chưa kịp hồi phục đủ để tác động mạnh đến nhu cầu tiêu thụ. Thu nhập người dân giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng, sản xuất trong nước trì trệ nên lượng NK và giá NK thủy sản vào Trung Quốc vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, nhìn tổng quan, xuất khẩu sang các thị trường chính đều có xu hướng tăng dần qua các tháng, hầu hết lên mức cao nhất trong tháng 5, rồi hạ xuống một chút trong tháng 6, điển hình là Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU.
Xuất khẩu thủy sản sang EU trong nửa đầu năm nay mang về 459 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Khối thị trường này chiếm 11% kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đạt 357 triệu USD, giảm 21%. Tất cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Hàn Quốc đều sụt giảm doanh số so với nửa đầu năm 2022.
Theo nhận định của VASEP, có ba yếu tố lạc quan quyết định kịch bản xuất khẩu thủy sản trong nửa cuối năm.
Một là diễn biến kinh tế các thị trường lớn được dự báo khả quan hơn trong nửa cuối năm cộng với thực tế nhu cầu nhập khẩu của các thị trường như Mỹ và Trung Quốc đang có xu hướng tăng trở lại, khi lượng tồn kho đang vơi dần và chuẩn bị đơn hàng cho dịp lễ hội cuối năm và năm mới.
Hai là nội lực của doanh nghiệp và cộng đồng sản xuất chuỗi cung ứng thủy sản được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn, các điều kiện sản xuất kinh doanh để giữ được nguồn cung nguyên liệu ổn định, đảm bảo có sẵn nguồn hàng khi thị trường có nhu cầu.
Ba là các sản phẩm xuất khẩu có nguồn cung ổn định và có giá thành giảm, giá bán cạnh tranh trước các nước khác
Các thị trường chính chắc chắn sẽ vẫn mang về doanh thu ít hơn so với năm 2022, trong đó xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc sẽ thấp hơn 24-25% so với năm 2022, xuất khẩu sang EU sẽ giảm 18%.
Trong khi đó, thị trường Nhật Bản sẽ khả quan hơn nhờ giá trị của hàng giá trị gia tăng và nhờ phân khúc gia công, chế biến cho thị trường này, nhất là các loài cá biển.
Thị trường Trung Quốc vẫn là kỳ vọng lớn nhất cho doanh nghiệp thủy sản hiện nay, sau mở cửa, giao thương đang trở lại bình thường dần dần. Hy vọng nửa cuối năm, kinh tế Trung Quốc ổn định hơn, thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng dần, thị trường thích nghi bối cảnh mới… Khi đó, xuất khẩu thủy sản có cơ hội phục hồi lại với dự đoán tương đương với kim ngạch của năm 2023 với khoảng 1,8 tỷ USD.
VASEP cũng lưu ý, dù các thị trường đã có tín hiệu phục hồi, nhu cầu tăng trở lại, nhưng hàng thủy sản của Việt Nam vẫn khó cạnh tranh về giá và nguồn cung với các nước khác như Ecuador, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan…
Các vấn đề của ngành chưa có giải pháp tháo gỡ trước mắt cũng như lâu dài: giá thành sản xuất cao vì các chi phí đầu vào như thức ăn nuôi và con giống cao, lợi nhuận sụt giảm, thiếu vốn để duy trì đầu tư nuôi các vụ tới, bà con bỏ ao, dẫn đến thiếu nguyên liệu đáp ứng đơn hàng nửa cuối năm…
Tình hình xuất khẩu hải sản có thể sẽ xấu hơn nếu kết quả thanh tra chương trình chống khai thác IUU của đoàn thanh tra EU vào tháng 10 tới không đạt được kỳ vọng tháo gỡ thẻ vàng.
Trung Anh (t/h)