Vụ Ngân hàng cấn nợ qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu: BIDV cần lên tiếng
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng BIDV cần giải thích về việc trích thu nợ tự động của công ty gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được lập tại chi nhánh Long Biên.
Vừa qua hàng loạt cơ quan báo chí đã đưa tin ngày 5/6, Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà đã có công văn về việc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Long Biên đã trích thu nợ tự động của công ty này số tiền lên tới gần 270 tỷ đồng từ tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu mà không được sự đồng ý của Công ty Hải Hà. Công ty này khẳng định việc làm này là không đúng quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83).
Trả lời trước báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh: Quỹ bình ổn giá xăng dầu là loại quỹ được Luật Giá cho phép thành lập trên cơ sở trích từ giá mua xăng dầu của tổ chức, cá nhân sử dụng xăng dầu phục vụ cho mục tiêu bình ổn giá.
Quỹ Bình ổn giá không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước nhưng nó là một loại quỹ tài chính quốc gia do Nhà nước quản lý, điều hành đặt tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giao cho doanh nghiệp mở tài khoản tại ngân hàng thương mại. Việc sử dụng Quỹ BOG chỉ thực hiện chỉ khi có "hiệu lệnh" của Bộ Công thương, Bộ Tài chính.
Trao đổi với PV, Chuyên gia TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện nay những công ty, doanh nghiệp phải trích lập một phần doanh thu để đóng góp vào Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Quỹ bình ổn giá xăng dầu được Bộ Công thương quản lý, vì thế chỉ có Bộ Công thương mới được phép sử dụng Quỹ trên.
Mặc dù Quỹ bình ổn giá xăng không thuộc ngân sách của Chính phủ nhưng được vận hành bằng cách nhận tiền từ các doanh nghiệp đóng góp vào, trong trường hợp giá xăng dầu lên quá cao thì sẽ sử dụng tiền trong Quỹ bình ổn có thể dùng để điều tiết đảm bảo giá xăng dầu không mất đi sự bất ổn định trong xã hội.
Ông Hiếu khẳng định việc BIDV tự ý thu cấn trừ nợ cho doanh nghiệp đang thiếu nợ là việc bất hợp pháp không đúng quy định. Bộ Công thương cần lên tiếng về vấn đề này, có cho phép BIDV làm việc đó không?
“Trong giao dịch thoả thuận giữa BIDV và Công ty Hải Hà có thể có những điều khoản chi tiết chưa được công khai trước dư luận. Tuy nhiên, tôi không nghĩ BIDV cấn trừ nợ một cách vội vàng, trước khi thực hiện việc cấn trừ nợ thì có thể BIDV đã suy xét rồi. Thế nhưng đây là lúc BIDV phải lên tiếng giải trình tại sao họ làm, và họ làm trong hoàn cảnh như thế nào, có hợp quy định hay không", ông Hiếu nhấn mạnh.
Nói về phương án khắc phục, ông Hiếu cho biết thêm, trong trường hợp BIDV làm sai quy định thì phía ngân hàng phải hoàn trả số tiền đã tự ý cấn nợ Công ty Hải Hà từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Trước mắt, BIDV phải giải trình hành động đó, vì nếu có trả lại tiền nhưng trong tương lai ngân hàng lại tiếp tục lặp lại hành động sai quy định thì không được. Bộ Công thương phải lên tiếng khẳng định có vi phạm quy định hay không thì phía ngân hàng sẽ hoàn trả lại số tiền đó.
Trước đó, ngày 31/8 Bộ Tài chính đã gửi công văn cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam - Chi nhánh Long Biên đề nghị nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định 95.
Cùng ngày, Bộ Tài chính đã gửi văn bản sang Ngân hàng Nhà nước để cơ quan này có biện pháp lưu ý đến các ngân hàng.
Bộ Tài chính đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại trong hệ thống ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nơi có thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đăng ký mở tài khoản Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ.
Hải Đăng