VNM chói sáng, cổ phiếu thép 'rơi tự do', TTCK 'xanh vỏ đỏ lòng'
TTCK Việt Nam vẫn đang nỗ lực tái cân bằng sau quãng điều chỉnh sâu, nhưng quá trình này không dễ dàng. Tính đến phiên 31/7, bức tranh toàn thị trường vẫn còn tương đối “ngổn ngang”, chưa cho thấy sự đồng thuận rõ nét.
Sau quãng điều chỉnh khá sâu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn đang nỗ lực tái cân bằng. Bức tranh toàn thị trường đến phiên 31/7 vẫn còn tương đối “ngổn ngang”, chưa có sự đồng thuận rõ nét từ các nhóm cổ phiếu, mỗi ngành lại diễn biến theo một hướng khác nhau, thậm chí phân hoá mạnh trong nội bộ ngành.
Trước tiên, về mặt tổng quan, chỉ số VN-Index tăng 6,45 điểm, tương đương 0,52%, lên 1.251,51 điểm. Tuy nhiên, trên sàn HoSE, số mã tăng (206) lại ít hơn số mã giảm (224), nói cách khác, TTCK trong tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”. Lực kéo chủ yếu tới từ cổ phiếu vốn hoá lớn khi chỉ số VN30-Index tăng tới 0,88%, trong khi VNMID-Index và VNSML-Index đại diện cho các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ đều suy giảm.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index, HNX30-Index và HNXUPCOM-Index đều ghi nhận sắc đỏ.
Như thường lệ, hoạt động kéo trụ có sự tham gia mạnh mẽ của nhóm ngân hàng. Các mã ngân hàng tăng tốt có thể kể đến: VCB tăng 1,94%, BID tăng 1,71%, TCB tăng 1,31%, VPB tăng 2,43%, ACB tăng 1,66%, HDB tăng 3,95%, VIB tăng 2,91%. Dẫu vậy, ở chiều ngược lại, không thiếu cổ phiếu ngân hàng suy giảm, như MBB, LPB, SSB, EIB, OCB.
Ở nhóm chứng khoán, VIX bất ngờ tăng kịch trần trong khi các mã còn lại giao dịch khá ảm đạm. Tương tự, ở nhóm tiêu dùng thiết yếu, VNM chói sáng khi ghi nhận mức tăng lên tới 5,76%, sau giai đoạn dài diễn biến khá “ù lì”. Các cổ phiếu khác trong nhóm hầu hết giao dịch với biên độ hẹp.
Các ngành còn lại đa phần cũng giao dịch không rõ xu hướng, ngoại trừ ngành bán lẻ và dầu khí giao dịch khá tích cực.
Đặc biệt, cổ phiếu ngành thép “rơi tự do” khi HPG giảm 2,51%, trong khi HSG giảm tới 4,8%, NKG giảm 3,83%. Cổ phiếu các ngành nguyên vật liệu khác như phân bón – hoá chất, cao su, xi măng… cũng “rực lửa”.
Nhìn chung, chưa có tín hiệu khả quan thực sự đối với xu hướng của TTCK. Đặt trong bối cảnh “quân bài” kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết đã được “tung ra” gần hết nhưng vẫn chưa tạo hiệu ứng tích cực rõ rệt, việc cân nhắc tỷ trọng tiền – hàng theo hướng thận trọng là điều cần thiết.
Thanh Long