Vicem Hà Tiên (HT1) lãi 17,1 tỷ đồng trong năm 2023
CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 1.783 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2022 do sản lượng sụt giảm 17,1%.
Theo đó, doanh thu thuần của Vicem Hà Tiên đạt 1.783 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ. Trong khi, giá vốn hàng bán là 1.603 tỷ đồng, giảm 23,83% so với cùng kỳ. Dẫn đến, lợi nhuận gộp về bán hàng của Vicem Hà Tiên trong quý 4/2023 chỉ đạt 179 tỷ đồng, giảm 14,39% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính chỉ đem về cho Vicem Hà Tiên 935 triệu đồng, giảm 62,81% so với cùng kỳ; Chi phí bán hàng là 43,9 tỷ đồng (tăng 5,04%); Chi phí quản lý doanh nghiệp là 63 tỷ đồng (tăng 3,53%), ..
Điểm sáng trong báo cáo của Vicem Hà Tiên trong quý 4/2023 là Lợi nhuận khác đem về 13,5 tỷ đồng, tăng 33,73% so với cùng kỳ và Chi phí tài chính là 31,9 tỷ đồng, giảm 33,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Luỹ kế cả năm, doanh thu thuần của Xi măng Hà Tiên đạt hơn 7.049 tỷ đồng, giảm 21% so với mức thực hiện năm 2022. Giá vốn neo cao, làm lợi nhuận gộp giảm mạnh ở mức 32%, đạt 603,9 tỷ đồng.
Doanh thu sụt giảm trong khi các chi phí của công ty không có dấu hiệu được tiết giảm, làm lãi sau thuế năm 2023 chỉ đạt 17,1 tỷ đồng, giảm 93% so với mức thực hiện năm 2022. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty xi măng này trong vòng 10 năm trở lại đây kể từ năm 2014. Những năm trước, Xi măng Hà Tiên đều ghi nhận lãi hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Với kết quả đạt được, công ty chỉ hoàn thành 78% kế hoạch doanh thu và 6% kế hoạch về lợi nhuận.
Tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Vicem Hà Tiên là 8.622 tỷ đồng, giảm 8,12% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 4.832 tỷ đồng, giảm 5,56% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn là 1.968 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho là 846 tỷ đồng, giảm 18,92% so với đầu năm; Tiền và các khoản tương đương tiền là 607 tỷ đồng, giảm 10,14% so với đầu năm.
Trong khi đó, Tài sản dở dang dài hạn của Vicem Hà Tiên là 1.061 tỷ đồng (tăng 3% so với đầu năm) gồm: Dự án đường B.O.T Phú Hữu là hơn 537 tỷ đồng; Các dự án tại Kiên Lương là hơn 250 tỷ đồng; Dự án Khu nhà ở cán bộ công nhân viên – Nhà máy xi măng Bình Phước là hơn 200 tỷ đồng, …
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vicem Hà Tiên tính đến cuối năm 2023 là 3.790 tỷ đồng, giảm 11,19% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 3.771 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp là 1.578 tỷ đồng, bằng 80,15% tổng tài sản ngắn hạn của Vicem Hà Tiên.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HT1 đang hồi phục khá tích cực từ cuối năm 2023 đến nay. Hiện, cổ phiếu này đang dừng ở mức 12.750 đồng/cp.
Trong báo cáo gần nhất, SSI Research nhận xét giá cổ phiếu HT1 trong ngắn hạn có thể tăng do kỳ vọng của nhà đầu tư về đẩy mạnh giải ngân đầu tư công (như sân bay Long Thành và các dự án đường cao tốc ở miền Trung và miền Nam) trong năm 2024.
Tuy nhiên, SSI Research duy trì khuyến nghị "Trung lập" đối với cổ phiếu HT1, do nhu cầu xi măng dự kiến sẽ tiếp tục yếu trong nửa đầu năm 2024 và có thể có khả năng phục hồi trong nửa cuối năm 2024.
SSI Research lưu ý rằng ước tính lợi nhuận trong quý I/2024 sẽ gặp nhiều thách thức. Trong nửa đầu năm 2024, SSI Research dự báo sản lượng tiêu thụ của Xi măng Hà Tiên sẽ giảm so với cùng kỳ.
Do đó, SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư nên chờ đợi thêm cho đến khi hoạt động xây dựng có dấu hiệu cải thiện (dựa trên tốc độ phục hồi thực tế) hoặc giá cổ phiếu đạt mức đầu tư hợp lý hơn (thời điểm trong nửa đầu năm 2024 khi sản lượng tiêu thụ và lợi nhuận vẫn còn yếu).
Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên, chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 21/03/1964. Năm 1993, Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 được đổi thành Công ty Xi măng Hà Tiên 1. Ngày 06/02/2007, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 chính thức chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần. Ngày 25/06/2010, hoàn tất việc sáp nhập Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 2 vào Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1, đánh dấu bước khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của Công ty với 2 nhà máy và 5 trạm nghiền.
Năm 2023 đánh dấu cột mốc gần 60 năm thương hiệu VICEM Hà Tiên có mặt trên thị trường. Trải qua hành trình xây dựng và phát triển, VICEM Hà Tiên đã không ít lần đối mặt với những khó khăn, thử thách. Nhưng bằng sự đồng lòng, kiên định của tập thể Ban lãnh đạo, CBCNV với triết lý kinh doanh "Nhân - Nghĩa - Trí -Tín” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động tổ chức, sản xuất, kinh doanh, VICEM Hà Tiên tự hào trải qua lịch sử 6 thập kỷ bền bỉ, trở thành “thương hiệu dẫn đầu từ năm 1964”.
Sở hữu hai nhà máy và ba trạm nghiền được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, công nghệ tiên tiến, VICEM Hà Tiên đưa ra thị trường danh mục sản phẩm đa dạng, đáp ứng hầu hết các yêu cầu của dự án/công trình khắp miền Nam Việt Nam. Trong hành trình thực hiện sứ mệnh “lớn mạnh do bạn và vì bạn”, sự tin yêu và tín nhiệm của hệ thống Nhà phân phối, khách hàng, đối tác… là động lực mạnh mẽ, đóng góp to lớn vào sự phát triển vững bền của VICEM Hà Tiên.
Với kênh phân phối trải dài từ Phú Yên đến Cà Mau và xuất khẩu ra các thị trường nước ngoài như Úc, Campuchia, Philippines… VICEM Hà Tiên nỗ lực đạt mức sản lượng tiêu thụ theo kế hoạch, đem về mức doanh thu ổn định và bền vững cho doanh nghiệp, cũng như đảm bảo mức đời sống ổn định cho CBCNV.
Trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, VICEM Hà Tiên đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp điều hành, cụ thể: Bám sát thị trường; Tạo cơ chế chính sách linh hoạt và phù hợp nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ và thị phần. Đồng thời, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc chuyển đổi số, sử dụng nhiên liệu xanh, thay thế trong sản xuất xi măng, clinker hướng tới mục tiêu không phát thải các khí thải có ảnh hưởng đến môi trường và tuần hoàn khí theo quy luật tự nhiên, giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất và thay thế bằng các nguyên liệu lấy từ các chất thải của ngành kinh tế khác.
Tiến Hoàng