Xi măng Vicem Hà Tiên đạt doanh thu 1.576 tỷ đồng trong quý 3, giảm 30% so với cùng kỳ
Báo cáo tài chính quý III của CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (Vicem Hà Tiên, HoSE: HT1) cho thấy doanh thu của công ty đạt 1.576 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm khiến công ty báo lỗ 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 36 tỷ đồng.
Cụ thể, Lợi nhuận gộp quý 3 giảm 25% về mức 142 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng mạnh lên mức 44,7 tỷ; chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn trên mức 100 tỷ. Cùng với đó, công ty vẫn chịu khoản lỗ khác 7,4 tỷ đồng.
HT1 báo lỗ quý 3 gần 10,3 tỷ trong khi cùng kỳ lãi 36,5 tỷ. Trước đó trong quý đầu năm, Xi măng Vicem Hà Tiên cunngx báo lỗ sau thuế 85,6 tỷ đồng.
Một phần ảnh hưởng đến kết quả do Xi Măng Vicem Hà Tiên có các khoản chi phí tăng cao. Cụ thể, chi phí tài chính HT1 tăng tới 43% lên gần 45 tỷ đồng, lãi vay chiếm 72% với hơn 32 tỷ đồng. Song song đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 3% lên hơn 63 tỷ đồng. Điểm cộng là doanh nghiệp có chi phí bán hàng giảm 13% so với cùng kỳ, còn 41 tỷ đồng.
Với 2 quý lỗ trong 3 quý năm 2023, lũy kế 9 tháng, HT1 ghi nhận doanh thu thuần gần 5,266 tỷ đồng, giảm 20% so cùng kỳ và lỗ ròng hơn 37 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 204 tỷ đồng.
Cuối quý 3, quy mô tài sản HT1 đạt 8,856 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Trong đó, HT1 nắm gần 312 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, phần lớn là tiền gửi ngân hàng. Xi Măng Vicem Hà Tiên có khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Cao su Bến Thành (HOSE: BRC) 42 tỷ đồng và CTCP VICEM Thạch cao Xi măng (HNX: TXM) 14 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 841 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm.
Việc giảm doanh thu của Vicem Hà Tiên, doanh nghiệp chuyên sản xuất xi măng, clinker - các loại vật liệu xây dựng trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng, là tình trạng chung của các doanh nghiệp trong ngành.
Điều đáng chú ý trong BCTC lần này của Vicem Hà Tiên là dù thua lỗ, công ty vẫn trích tổng cộng 412 tỷ đồng để trả trước cho người bán ngắn hạn. Trong đó, công ty trả trước cho CTCP Tập đoàn Long Thuận 346 tỷ đồng. Đầu năm 2023, khoản trả trước của Vicem Hà Tiên cho Long Thuận là 37 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm công ty đã trả thêm cho Long Thuận hơn 300 tỷ đồng mà chưa nhận sản phẩm/dịch vụ tương ứng từ đối tác này.
Xi măng Hà Tiên nhận định 2023 vẫn sẽ là năm khó khăn của thị trường xi măng Việt Nam khi nhiều dự án chậm triển khai dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Bên cạnh đó, các chi phí đầu vào như giá điện, giá than cũng tăng đáng kể.
Mặc khác, nguồn cung xi măng trong năm nay tiếp tục mất cân đối, cung vượt cao so với cầu, dẫn tới cạnh tranh ngày càng gay gắt, khốc liệt.
Đối với thị trường xuất khẩu dự báo vẫn khó khăn do các nước nhập khẩu xi măng, clinker tiếp tục thực hiện nhiều chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại (trong đó tại Philippines bị áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng); giá cước vận chuyển cao.
Theo Bộ Xây dựng, sản lượng sản xuất xi măng 9 tháng đầu năm đạt khoảng 61,5 triệu tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022, tiêu thụ đạt 66 triệu tấn, giảm 5%. Ngành xi măng đối mặt đà giảm ở cả hai kênh (nội địa, lẫn xuất khẩu), trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa giảm 3%, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker giảm 7%.
Công ty Xi măng Vicem Hà Tiên tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên, chính thức đưa vào hoạt động từ ngày 21/03/1964. Năm 1993, Nhà máy Xi măng Hà Tiên 1 được đổi thành Công ty Xi măng Hà Tiên 1. Ngày 06/02/2007, Công ty Xi măng Hà Tiên 1 chính thức chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần. Ngày 25/06/2010, hoàn tất việc sáp nhập Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 2 vào Công ty Cổ phần xi măng Hà Tiên 1, đánh dấu bước khởi đầu của một giai đoạn phát triển mới của Công ty với 2 nhà máy và 5 trạm nghiền.
Trải qua 59 năm xây dựng và phát triển, Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1 tự hào là đơn vị chủ lực của Tổng công ty Xi măng Việt Nam tại miền Nam nói riêng và cả nước nói chung.
Công ty đã sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 90 triệu tấn xi măng các loại với chất lượng cao và ổn định, phục vụ nhiều công trình trọng điểm quốc gia, các công trình xây dựng công nghiệp và dân dụng.
Nếu như khi thành lập, công ty chỉ có một nhà máy sản xuất clinker có công suất thiết kế 240.000 tấn/năm đặt tại Kiên Lương và một nhà máy nghiền xi măng đặt tại Thủ Ðức (TP. Hồ Chí Minh) có công suất 300.000 tấn/năm, thì đến nay Vicem Hà Tiên có hai nhà máy, ba trạm nghiền với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại của các nước G7, phân bố đều tại các khu vực Ðông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với tổng công suất hơn 4,6 triệu tấn clinker và 7,5 triệu tấn xi-măng/năm; với hệ thống gồm với hơn 72 nhà phân phối phủ rộng từ Phú Yên đến Cà Mau với khoảng 5.500 cửa hàng VLXD, thị phần chiếm trên 30% tại thị trường xi măng phía Nam.
Trên hành trình tiếp theo của mình, bên cạnh việc luôn duy trì chất lượng sản phẩm ổn định để giữ vững niềm tin của người tiêu dùng, tiếp tục nghiên cứu để cho ra các sản phẩm mới có tính ứng dụng ngày càng cao, phù hợp với từng điều kiện môi trường, địa chất, vùng miền và nâng cao năng lực sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và một phần xuất khẩu thì Vicem Hà Tiên thực hiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, mục tiêu chuyển đổi sang hướng sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng các nhiên liệu thay thế và giảm tối đa việc sử dụng nguyên liệu hóa thạch trong sản xuất.
Tới thời điểm 30/09, HT1 có 1,062 tỷ đồng chi phi phí xây dựng cơ bản dở dang. Trong đó, Dự án đường B.O.T Phú Hữu chiếm 50% với gần 538 tỷ đồng, tiếp đến là dự án khu nhà ở cán bộ công nhân viên - Nhà máy xi măng Bình Phước hơn 200 tỷ đồng và các dự án tại Kiên Lương hơn 222 tỷ đồng.
Tiến Hoàng