Vì sao nên áp dụng tiêu chuẩn HACCP trong lĩnh vực thực phẩm?
Để có đủ điều kiện hoạt động sản xuất thực phẩm, các tổ chức cần phải có đầy đủ chứng nhận an toàn thực phẩm và hệ thống quản lý chất lượng. Do đó HACCP là một trong những hệ thống giúp doanh nghiệp đạt được những điều kiện và đang được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực thực phẩm.
HACCP là viết tắt của cụm từ “Hazard Analysis and Critical Control Point System”, là “Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn”, là một phần quan trọng của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm – FSMS (Food Safety Managment System). Giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm, từ nguyên liệu thô đến thành phẩm.
Được hình thành và áp dụng tại Mỹ từ những năm 1971. Cho đến nay, tiêu chuẩn này được Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm quốc tế – CODEX khuyến cáo sử dụng ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất liên quan đến thực phẩm. Cho đến những năm 1990, hệ thống này đã trở thành yêu cầu pháp lý theo Luật Liên minh châu âu.
Hiện nay, HACCP ở nhiều quốc gia trên thế giới được đề cập tới trong các văn bản pháp luật và là quy định cần thiết phải áp dụng để đạt đủ điều kiện sản xuất kinh doanh. Phiên bản mới nhất hiện tại là HACCP 2020, ở Việt Nam là TCVN 5603:2023 được Bộ Khoa học Công nghệ sửa đổi và ban hành vào tháng 4 năm 2023.
Hệ thống HACCP quản lý chất lượng sản phẩm dựa trên các mối nguy trọng yếu, bao gồm những đánh giá có hệ thống và xác định những bước kiểm tra thực tế đối với chất lượng thực phẩm. Công cụ này tập trung vào những chi tiết, những quy trình chế biến có ảnh hưởng trực tiếp đến vệ sinh an toàn thực phẩm (có bao gồm thuỷ, hải sản).
Việc áp dụng tiêu chuẩn HACCP vào quy trình sản xuất thực phẩm sẽ làm giảm tới mức cao nhất các nguy cơ và các mối nguy hại có thể xảy ra, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm và mang tới người tiêu dùng những thực phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Doanh nghiệp được chứng nhận an toàn thực phẩm và công bố thực hiện hệ thống phân tích, kiểm soát mối nguy sẽ tạo dựng được niềm tin tốt hơn đối với khách hàng. Khi doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thực hiện nghiêm chỉnh theo những nguyên tắc của HACCP sẽ hạn chế được những vấn đề rủi ro trong quá trình sản xuất và kịp thời có những giải pháp để khắc phục những hậu quả đó.
Trong thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm. Do đó, việc sở hữu chứng nhận HACCP giúp doanh nghiệp khẳng định sự uy tín của mình, thu hút khách hàng và tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời có thể đưa sản phẩm đến các thị trường rộng lớn hơn./.
Bùi Quốc Dũng